Hôm nay 24/9, Bộ Y tế đã thông báo Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng: "Tính đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi cho 991 trường hợp trong tổng số 1.069 ca mắc COVID-19, hiện chỉ còn 43 trường hợp đang được điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Đến thời điểm này, Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng".
Trước đó, ngày 23/9, bệnh nhân mắc COVID-19 là người cuối cùng ở Đà Nẵng - nơi bùng phát đợt dịch thứ hai tại Việt Nam - đã khỏi bệnh sau 19 lần xét nghiệm dương tính.
Với những thông tin này, một lần nữa, công tác chống dịch ở Việt Nam đã được báo chí nước ngoài nhắc đến. Trang ABC News của Úc hôm 23/9 có bài viết “Việt Nam đã làm thế nào để một lần nữa ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19?”.
Tác giả Max Walden viết, Việt Nam đã hơn hai tuần không có một ca nhiễm COVID-19 nào qua đường lây truyền cộng đồng, có thể coi là lần thứ hai đánh bại virus một cách hiệu quả. "Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á 97 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 1.069 trường hợp mắc COVID-19, xấp xỉ số ca nhiễm của bang Queensland. 35 người đã chết, một con số thấp hơn con số tử vong ở New South Wales", bài báo có đoạn viết.
|
Việt Nam chống dịch thành công trong điều kiện nguồn lực hạn chế - Ảnh: Reuters |
Nhìn lại công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam qua sự đánh giá của báo chí nước ngoài:
Trang mạng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ngày 30/3/2020 có tựa đề: Việt Nam chống dịch thành công trong điều kiện nguồn lực hạn chế! khi Việt Nam kết thúc làn sóng thứ nhất COVID-19 mà không có trường hợp tử vong nào.
WEF nhấn mạnh, một đất nước không có nhiều tài nguyên như Việt Nam – “hơn 45 triệu người Việt Nam mới thoát nghèo từ năm 2002 đến năm 2018”, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa hoàn thiện như các nước phát triển - nhưng chính phủ đã chủ động hành động mau chóng, quyết liệt khi dịch bùng phát từ nước láng giềng, đình chỉ các chuyến bay, đóng cửa trường học và cách ly những người nhập cảnh vào Việt Nam để kiểm soát dịch bệnh.
Những kết quả trong giai đoạn thứ nhất dịch COVID-19 ở Việt Nam cho thấy nước này nổi bật “như một ngọn hải đăng về làm được nhiều hơn trong điều kiện ít hơn”.
Theo WEF, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD vào năm 2018, khi GDP thực tế của cả nước đạt mức tăng trưởng 7,1%. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước cũng được cải thiện, nhưng còn chưa tương xứng với tầm thế giới. Cứ 10.000 dân Việt Nam thì có khoảng 8 bác sĩ. Ý và Tây Ban Nha đều có 41 bác sĩ trên 10.000 dân, Mỹ có 26 và Trung Quốc là 18.
Với điều kiện như vậy, nhưng Việt nam ứng phó tốt hơn một số quốc gia khu vực như Thái Lan, thời điểm đó đã có 4 ca tử vong và số ca nhiễm tăng cao đáng kể, hay Myanmar - một nước láng giềng Đông Nam Á khác – bị chỉ trích về thiếu minh bạch trong thông tin COVID-19.
Kênh truyền hình quốc tế Deutsche Welle của Đức (DW) ngày 16/4 có phóng sự “Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến COVID-19 như thế nào?”.
DW cũng lưu ý khó khăn trong cuộc chiến này là Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc, nơi virus được ghi nhận lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán. Có hệ thống y tế chưa phát triển, ngân sách chống dịch eo hẹp, tuy nhiên Việt Nam đã kiểm soát được bệnh dịch, duy trì tỷ lệ lây nhiễm thấp.
DW so sánh, thời điểm đó, riêng nước Đức có 134.000 người nhiễm virus và 3.800 bệnh nhân đã chết, trong khi Việt Nam chỉ có 268 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào. DW kết luận, Việt Nam đã làm rất tốt trong “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19 bằng cách huy động mọi mặt trận tham gia trận đánh như: tăng cường nhận thức, giám sát trong cộng đồng, chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt, ráo riết truy vết để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, cách ly 14 ngày những người nhập cảnh vào Việt Nam, đóng cửa trường học các cấp từ đầu tháng 2/2020.
Trang mạng kênh truyền hình tin tức BBC của Anh ngày 15/5/2020 giật tít: “COVID-19: 'Phản ứng thái quá' đã làm nên thành công của Việt Nam trong việc khống chế virus như thế nào?”.
BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, không giống như các quốc gia khác đang chứng kiến các ca lây nhiễm và tử vong trên quy mô lớn, Việt Nam thu hẹp để hành động sớm qua một cửa sổ nhỏ và sử dụng nó hiệu quả. Mặc dù hiệu quả về chi phí, nhưng cách tiếp cận thâm nhập và bỏ nhiều công sức của Việt Nam cũng có những hạn chế, và các chuyên gia cho rằng có thể đã quá muộn để các quốc gia khác học hỏi từ thành công của Việt Nam.
Nhận thức được rằng hệ thống y tế của mình sẽ sớm trở nên quá tải bởi sự lây lan dù chỉ ở mức độ nhẹ, Việt Nam đã chọn cách phòng ngừa sớm và trên quy mô lớn. Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TPHCM cho biết: “Nước này (Việt Nam) rất nhanh chóng hành động theo những cách có vẻ khá cực đoan vào thời điểm đó, nhưng sau đó được chứng minh là khá hợp lý”.
Việt Nam đã ban hành các biện pháp mà các nước khác sẽ mất nhiều tháng để thực hiện, như hạn chế đi lại, giám sát chặt chẽ và cuối cùng là đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại biên giới những nơi dễ bị lây lan khác, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng.
Giáo sư Thwaites nhận xét: “Đây là quốc gia từng đối phó với nhiều dịch bệnh trong quá khứ, từ SARS năm 2003 đến cúm gia cầm năm 2010 và các đợt bùng phát bệnh sởi và sốt xuất huyết. Chính phủ và người dân rất quen với cách đối phó với các bệnh truyền nhiễm và tuân thủ chặt chẽ các chỉ dẫn y tế - có lẽ còn hơn nhiều so với các nước giàu. Họ biết cách ứng phó với những vấn đề đó”.
Theo giáo sư Thwaites, việc kiểm dịch trên quy mô rộng lớn là chìa khóa của thành công vì bằng chứng thu thập cho thấy một nửa số người nhiễm virus không có triệu chứng.
|
Ngay từ đầu làn sóng thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã thông báo rõ ràng với công chúng về sự bùng phát dịch - Ảnh: Reuters |
Kênh truyền hình tin tức CNN của Mỹ hôm 30/5 có bài “Việt Nam làm cách nào để giữ con số tử vong do dịch bệnh bằng zero”.
Theo CNN, khi thế giới nhìn vào châu Á để tìm ra những ví dụ thành công trong việc xử lý COVID-19, nhiều sự chú ý và khen ngợi được đổ dồn vào Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, “nhưng có một câu chuyện thành công bị bỏ qua - Việt Nam”.
Đất nước 97 triệu dân này chưa báo cáo một ca tử vong nào liên quan đến COVID-19 và đến nay (30/5), chỉ có 328 ca nhiễm được xác nhận, mặc dù Việt Nam có biên giới dài với Trung Quốc và mỗi năm nước này đón hàng triệu du khách Trung Quốc.
Đáng chú ý hơn khi Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với hệ thống chăm sóc sức khỏe kém tiên tiến so với các nước khác trong khu vực.
Sau ba tuần phong tỏa hoạt động trên toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ các quy định về giãn cách xã hội vào cuối tháng Tư, các doanh nghiệp và trường học mở cửa trở lại, và cuộc sống đang dần trở lại bình thường, cho đến ngày 25/7 khi làn sóng dịch thứ hai ở Việt Nam bùng phát ngày 25/7 ở thành phố Đà Nẵng.
Ngay từ đầu làn sóng thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã thông báo rõ ràng với công chúng về sự bùng phát dịch. Bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đất nước cũng được huy động, nâng cao nhận thức về đợt bùng phát thông qua loa truyền thanh, áp phích đường phố, báo chí và mạng xã hội.
Các trang web chuyên dụng, đường dây nóng điện thoại và ứng dụng điện thoại đã được thiết lập để cập nhật cho công chúng về các tình huống mới nhất của đợt bùng phát và tư vấn y tế. Bộ Y tế cũng thường xuyên gửi thông báo nhắc nhở công dân qua tin nhắn SMS.
Tạp chí tin quốc tế trực tuyến The Diplomat ngày 18/4 có bài viết “Bí quyết thành công đối với ứng phó COVID-19 của Việt Nam”. Mục đích của bài viết là nhằm đánh giá về phản ứng của Việt Nam đối với COVID-19 và tác động của việc này.
Theo bài báo, Việt Nam dự kiến năm 2020 sẽ là một năm hoạt động bận rộn với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020-2021.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến việc hủy bỏ hoặc hoãn nhiều sự kiện và các cuộc gặp thượng đỉnh. Mặc dù có người nói dịch bệnh phát đã “làm chệch hướng ngoại giao” của Việt Nam, nhưng cánh cửa vẫn mở để Hà Nội chuyển thành công trong nước (trong việc chống COVID-19) thành những thành tựu ngoại giao.
Bài viết lưu ý, Việt Nam đã chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch trước khi ghi nhận trường hợp đầu tiên. Bộ Y tế đã có công văn khẩn về công tác phòng chống dịch gửi các cơ quan liên quan từ ngày 16/1 và thông báo đến các bệnh viện và phòng khám trên toàn quốc vào ngày 21/1. Ngày 30/1, Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch.
Mô hình ngăn chặn ổ dịch của Việt Nam đã được coi là một mô hình thành công chi phí thấp. Trong khi các nước láng giềng, Đài Loan và Hàn Quốc, có thể đủ khả năng để thử nghiệm hàng loạt, Việt Nam lại thiếu các nguồn lực và thay vào đó lựa chọn phòng ngừa có chọn lọc nhưng chủ động. Bên cạnh một số hành động chính sách chung như truy vết, tăng cường sản xuất vật tư y tế và lắp đặt các trạm kiểm soát tại các sân bay, Việt Nam đã thành công ở sự chủ động.
Gần đây nhất, trang mạng ABC News của Úc hôm 23/9 có bài viết “Việt Nam đã làm thế nào để một lần nữa ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19?”.
Tác giả Max Walden viết, Việt Nam đã hơn hai tuần không có một ca nhiễm COVID-19 nào qua đường lây truyền cộng đồng, có thể coi là lần thứ hai đánh bại virus một cách hiệu quả.
Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á 97 triệu dân này ghi nhận tổng cộng 1.069 trường hợp mắc COVID-19, xấp xỉ số ca nhiễm của bang Queensland. 35 người đã chết, một con số thấp hơn con số tử vong ở New South Wales.
Hầu như tất cả các biện pháp phong tỏa ở Đà Nẵng, nơi bùng phát hơn 550 trường hợp vào cuối tháng 7, đã được dỡ bỏ. Nhà chức trách Việt Nam đã làm cách nào để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 một lần nữa?
Ngay từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc nhanh chóng và mạnh mẽ để chống lại virus. Sau khi trường hợp bệnh đầu tiên được phát hiện vào tháng Giêng, các chuyến bay đến và đi từ Vũ Hán (Trung Quốc) đã bị hủy bỏ. Vào cuối tháng 3, biên giới quốc gia hầu như bị đóng cửa hoàn toàn.
|
Việt Nam không còn xa lạ với các bệnh truyền nhiễm, người dân nhanh chóng biết phải làm gì - Ảnh: Reuters |
Xét nghiệm, truy vết tiếp xúc tích cực và một chiến dịch y tế công cộng trên nhiều phương diện nhanh chóng được huy động. “Sự hội nhập của công chúng là rất quan trọng để thành công và ngay từ giai đoạn đầu, thông tin liên lạc về virus và chiến lược đã minh bạch", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định hồi cuối tháng 6.
Từ giữa tháng Ba, khẩu trang trở thành bắt buộc đối với tất cả những người khi ra bên ngoài. Không giống như một số nơi khác trên thế giới, ở Việt Nam có rất ít sự phản đối đối với việc đeo khẩu trang. Các chuyên gia y tế nước ngoài nhận định, "đây không phải là một phản ứng công nghệ cao, mà là một sự ứng phó nhanh và được tổ chức rất tốt”. Nhà chức trách y tế và chính quyền các cấp luôn cập nhật về đợt bùng phát COVID-19.
Một con số khổng lồ 97% người Việt Nam cho biết họ tán thành phản ứng của Chính phủ đối với COVID-19, theo một cuộc khảo sát của nhà thăm dò ý kiến YouGov của Anh. Tuy nhiên, vào tháng 7, căn bệnh này bùng phát trở lại một cách bí ẩn tại Đà Nẵng.
Trường hợp tử vong do virus đầu tiên của Việt Nam xảy ra vào ngày 31/7, chỉ sáu ngày sau khi căn bệnh bùng phát, khi một người đàn ông 70 tuổi nhiễm virus COVID-19 ở Đà Nẵng.
Các trường hợp trong đợt bùng phát đã tăng lên hơn 550 - khoảng một nửa tổng số trường hợp của Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), "khoảng 98% trường hợp liên quan đến các bệnh viện lớn của thành phố Đà Nẵng hoặc có tiền sử đến Đà Nẵng". Thành phố Đà Nẵng gần như bị phong tỏa hoàn toàn.
Giáo sư Thwaites nói, “nhà chức trách đã làm tất cả những thứ họ đã làm lần trước, nhưng họ đã làm trên quy mô lớn và đã tiến hành nhanh chóng”. WHO cho biết khoảng một phần ba số hộ gia đình của thành phố Đà Nẵng đã được xét nghiệm trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến ngày 10/9.
Jos Aguiar, một người Úc làm việc cho một công ty bất động sản Việt Nam tại Đà Nẵng, nói với ABC rằng: “Việc phong tỏa nghiêm ngặt hơn nhiều so với lần trước và phản ứng trên đường phố rất tốt, khi tìm thấy một trường hợp họ nhanh chóng tiến hành phong tỏa”.
Các chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng đã nối lại vào đầu tháng Chín. Các bãi biển cũng được dỡ bỏ phong tỏa sau đó ít ngày.
Tuần trước, Việt Nam cũng thông báo các chuyến bay giữa Việt Nam với Seoul, Quảng Châu, Đài Bắc và Tokyo sẽ nối lại.
Công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers cho biết: “Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2020, trong khi phần còn lại của thế giới đang đi vào suy thoái”. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay, trở thành một trong những nền kinh tế Đông Nam Á duy nhất không giảm sút.
Hoàng Diệu (Theo WEF, DW, BBC, CNN, The Diplomat, ABC News)