Báo chí quốc tế: Hiệp định Paris 1973 - Thắng lợi quan trọng trên con đường thống nhất của Việt Nam

30/01/2023 - 06:22

PNO - Hiệp định Paris 1973 là sự kiện quan trọng cho thấy lần đầu tiên, quốc gia hùng mạnh và giàu có nhất thế giới lúc bấy giờ là Mỹ phải chấp nhận chịu thua trước sự đoàn kết và tinh thần chiến đấu ngoan cường của dân tộc Việt Nam - một đất nước nhỏ bé bên kia bờ Thái Bình Dương.

Hòa bình chưa trọn vẹn

Một biệt thự nhỏ bên ngoài Paris là địa điểm để Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Henry A. Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ - đại diện phái đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - thảo luận về các điều khoản hòa bình trong Hiệp định Paris. Robert K.

Brigham - giáo sư lịch sử và quan hệ quốc tế tại Đại học Vassar (Mỹ), một nhà sử học về chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt về chiến tranh Việt Nam - giải thích: “Ông Kissinger muốn đảm bảo rằng chiến tranh sẽ kết thúc ở Paris chứ không phải ở Sài Gòn. Ông hiểu rằng Quốc hội Mỹ không sẵn sàng kéo dài cuộc chiến và  muốn phía Mỹ rút quân mà không cảm thấy đó là một thất bại nặng nề".

Có một điều ít người biết, giải Nobel Hòa bình năm 1973 đã được trao cho Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Cố vấn Lê Đức Thọ vì đóng góp của cả hai cho việc ký kết Hiệp định Paris. Đây là một trong những quyết định gây tranh cãi nhất trong lịch sử của giải thưởng, bởi thế giới nhận thức rõ chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Sau 50 năm giữ bí mật theo quy định, vào ngày 1/1/2023, các tài liệu về giải Nobel Hòa bình năm 1973 đã được hé mở. 

Quang cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973
Quang cảnh lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973

Trích dẫn các tài liệu, hãng tin Reuters cho biết: Đề cử Nobel Hòa bình này được một thành viên của Ủy ban Nobel, học giả người Na Uy John Sanness đưa ra vào ngày 29/1/1973 - 2 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Ông Sanness viết trong lá thư gửi đến ủy ban: "Lý do cho sự lựa chọn của tôi là nhấn mạnh điều tích cực rằng các cuộc đàm phán đã dẫn đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột vũ trang giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ”. Nhưng ông Sanness (qua đời năm 1984) nói thêm: "Tôi biết rằng chỉ ở tương lai, thế giới mới hiểu giá trị mà hiệp định này sẽ mang lại”. 

Hiệp định Hòa bình Paris được ký vào ngày 27/1/1973, theo đó Washington sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam sau khi đã chấm dứt phần lớn các cuộc tấn công vào miền Bắc Việt Nam, trước tình hình tinh thần quân đội Mỹ ngày càng sa sút và những cuộc biểu tình phản chiến nổi lên trong lòng nước Mỹ. Nhưng sau đó chiến sự vẫn diễn ra ác liệt và chỉ kết thúc vào ngày 30/4/1975.

Cố vấn Lê Đức Thọ đã từ chối giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1973. Trong bức điện tín gốc gửi từ Hà Nội, ông nói mình "không thể" nhận giải thưởng Hòa bình vì: "Chỉ khi Hiệp định Paris về Việt Nam được tôn trọng, không còn tiếng súng và hòa bình thực sự lập lại ở miền Nam Việt Nam, tôi sẽ xem xét việc nhận giải thưởng này". Riêng nhà ngoại giao Mỹ Kissinger đồng ý nhận giải, nhưng ông cũng không đến Na Uy để dự buổi lễ và sau đó đã cố gắng trả lại giải thưởng.

Di sản của Hiệp định Paris

Trong bài phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris do Trung tâm quản trị dân chủ và đổi mới Ash (bang Massachusetts, Mỹ) thực hiện, tác giả Fredrik Logevall - giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Chính phủ John F. Kennedy và giáo sư lịch sử tại Đại học Harvard (Mỹ) - cho biết, những bằng chứng xuất hiện trong những năm gần đây (từ các tài liệu và các nguồn bằng văn bản khác, cũng như từ các băng ghi âm của Nhà Trắng dưới thời tổng thống Nixon) cho thấy rõ ràng rằng cả Nixon và Kissinger đều có cái nhìn ảm đạm về thực tế của chiến tranh Việt Nam từ khoảng năm 1969.

Riêng ông Kissinger đặc biệt tin rằng, một “khoảng thời gian thích hợp” giữa sự rút đi của lực lượng Mỹ và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là điều tốt nhất phía Mỹ có thể hy vọng. Tuy nhiên, vì những lý do chính trị trong nước, điều này không thể được thừa nhận một cách công khai và vấn đề cấp bách là Mỹ không được đạt thỏa thuận với Hà Nội quá sớm, kẻo gây nguy hiểm cho triển vọng tái đắc cử của tổng thống Nixon vào năm 1972. 

Theo giáo sư Fredrik Logevall, Quốc hội Mỹ, sau nhiều năm để Nhà Trắng định hướng chính sách chiến tranh Việt Nam, đã dần khẳng định quyết tâm giảm bớt sự tham gia của Mỹ tại Đông Dương. Chính quyền tổng thống Nixon cũng kết luận rằng họ phải tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột. Mỹ phải từ bỏ cuộc chiến.

Giáo sư Fredrik Logevall kết luận: “Đối với phía Mỹ, Hiệp định Paris cho phép giải phóng lực lượng Mỹ khỏi tình trạng sa lầy, đánh dấu sự kết thúc của quá trình dính líu quân sự lâu dài và đẫm máu ở khu vực Đông Dương. Bản thân xã hội Mỹ đã bị chia rẽ vì cuộc đấu tranh cho hòa bình và hiệp định đánh dấu khởi đầu của sự hàn gắn. Đối với người dân Việt Nam, hiệp định có ý nghĩa khác, vì mục tiêu thống nhất vẫn chưa được giải quyết và chưa thể có hòa bình thực sự.

Do đó, thỏa thuận năm 1973 đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn khác trong cuộc đấu tranh kéo dài 3 thập niên. Người Mỹ đã rời đi, nhưng mối quan tâm cốt lõi không thay đổi. Phải đến tháng 4/1975, với sự kiện “Sài Gòn thất thủ”, Hà Nội mới hoàn thành mục tiêu thống nhất hai miền Nam - Bắc”. 

Tấn Vĩ (theo Reuters, ASH center, History)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI