PNO - Ngày 1/2 vừa qua, Google Doodle đã tôn vinh nhà thơ Sương Nguyệt Anh - Tổng biên tập Nữ Giới Chung và cũng là nữ tổng biên tập đầu tiên của tờ báo phụ nữ ra đời sớm nhất tại Việt Nam (1/2/1918). Trong số những tờ báo Quốc ngữ 20 năm đầu thế kỷ XX, tờ Nữ Giới Chung đã góp tiếng nói quan trọng về giới trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
Báo chí Quốc ngữ xuất hiện vào năm 1865 với tờ Gia Định Báo. Cuối thế kỷ XIX có thêm Thông Loại Khóa Trình, Nam Kỳ Nhựt Trình và Phan Yên Báo. Đối tượng hướng đến của các tờ báo này đều là bạn đọc nam giới. Đến năm 1907, khi Đăng Cổ Tùng Báo (chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh) ra đời, nữ giới mới trở thành đối tượng được nhắc đến nhiều. Trong suốt thời gian tồn tại (9 tháng), tờ báo này chỉ có “25 bà đọc báo” và 2/300 thư bạn đọc gửi về tòa soạn là của nữ giới. Trong đó có 1 bài viết được chọn đăng báo, ký tên Trần Th.Thắm (không xác định rõ là tác giả nam hay nữ).
Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu được truyền bá, phổ biến vào các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự thay đổi chính sách giáo dục của Pháp, các trường nữ học được thành lập, phụ nữ được khuyến khích đi học. Nâng cao giáo dục cho nữ giới là một trong những vấn đề quan trọng được nam giới trí thức Tây học quan tâm, thể hiện rõ trong tư tưởng duy tân trên báo chí Quốc ngữ lúc bấy giờ. Ngoài Nguyễn Văn Vĩnh còn có Lương Khắc Ninh, Phạm Quỳnh (chủ bút Nam Phong Tạp chí) cùng một số tác giả nam giới trí thức đô thị lên tiếng về vấn đề này.
Trên Nam Phong Tạp chí (tháng 10/1917), Phạm Quỳnh ghi nhận thời điểm ấy “ở Nam Kỳ đàn bà trẻ con đều có thể biết đọc biết viết nhưng văn Quốc ngữ thì chưa phát triển”. So với Bắc Kỳ, Nam Kỳ có sự tiếp cận và tiếp nhận văn minh phương Tây sớm hơn, tư tưởng về những vấn đề phụ nữ có phần cởi mở hơn. Tuy nhiên, cũng phải đến Nam Phong Tạp chí, mới thấy xuất hiện những cây bút nữ viết bài cho các mục: Du ký, Thơ văn đàn bà, Văn nữ giới, Ngôn luận cộng đồng… Một số tác giả nữ nổi bật: Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nhàn Khanh, Tuyết Mai, Mai Khê, Nguyễn Nữ Thanh San, Mộng Tuyết…
Thông qua các bài du ký của tác giả nữ trên Nam Phong Tạp chí còn thấy một khía cạnh khác của nữ quyền ở Nam Kỳ. Trong khi ở xứ Bắc Kỳ, nam giới tiến bộ còn đang lên tiếng cho quyền bình đẳng của người phụ nữ thì ở Nam Kỳ từ năm 1915, phụ nữ đã có thể rời khỏi “khuê phòng” và đi ngao du sơn thủy, viết bài đăng báo không kém đàn ông. Cụ thể: Huỳnh Thị Bảo Hòa kể chuyện ngồi kiệu để 6 người phu khiêng lên núi Bà Nà (1915), Mộng Tuyết viết bài Giỡn nước đùa mây ở Phú Quốc... Từ Nam Phong Tạp chí còn có sự xuất hiện của Đạm Phương nữ sử, tham gia viết bài báo đầu tiên trên tờ này bàn về vấn đề nữ học. Cùng với Đạm Phương, các nữ trí thức Huế mở hội Nữ công học là nơi sinh hoạt giao lưu, dạy nghề cho chị em phụ nữ Trung Kỳ.
Những tiếng nói tiên phong đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ được tìm thấy trên các tờ Đăng Cổ Tùng Báo, Đông Dương Tạp chí, Nam Phong Tạp chí, Lục Tỉnh Tân Văn, Nữ Giới Chung…
Vấn đề phụ nữ qua góc nhìn nữ giới
Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới, ra mắt số đầu ngày 1/2/1918) ghi dấu mốc quan trọng của tờ báo nữ giới trong tiến trình phát triển của báo chí Quốc ngữ. Có lẽ vì vậy mà tổng biên tập đầu tiên của báo được Google Doodle vinh danh.
Tinh thần của tờ báo được đúc kết thành 4 đặc trưng: vun trồng gốc luân lý, trau dồi biết lẽ thường, gây dựng cuộc công thương và liên lạc mối cảm tình (ý nói đến sự đoàn kết các vùng miền - PV). Tờ báo một mặt ủng hộ việc nữ giới đi học, nâng cao kiến thức cho bằng nam giới vì “sự thông minh của phụ nữ đất nước ta không thua gì so với nam giới”, nhưng đồng thời yêu cầu giữ gìn công, dung, ngôn, hạnh (theo Nữ Giới Chung, ngày 5/4/1918). Bên cạnh đó còn có nhiều bài viết bàn về nữ quyền, cùng với sự xuất hiện của những cây bút nữ: Nguyễn Hồng Nguyên, Bích Đào, Mlle Liễu… Trên Lục Tỉnh Tân Văn giai đoạn này cũng có bài viết của Phan Kim Huệ, Madame T.N Thanh Tuyền… bàn chuyện bình đẳng nam nữ.
Trong 22 số báo Nữ Giới Chung đã phát hành, có 94 tác giả nữ viết bài thể hiện góc nhìn tiến bộ về lối sống, ăn mặc, giáo dục, nữ quyền... Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc nhận định: “Thông qua Nữ Giới Chung, lần đầu tiên vai trò xã hội của phụ nữ được đề cập đến nhiều, thoát khỏi quan niệm cũ là phụ nữ chỉ có vai trò ở trong nhà. Tôi đọc được rất nhiều bài thơ khuyến khích phụ nữ bước ra ngoài xã hội hoặc những bài viết về gương những phụ nữ thành đạt ở nước ngoài”.
Dù vậy, vẫn thấy có sự mâu thuẫn, tranh luận trong góc nhìn của nữ giới về vấn đề bình đẳng nam nữ. Theo nhà báo Lê Minh Quốc, điều đó càng cho thấy tờ báo có sức sống trong lòng bạn đọc, những vấn đề mới thu hút sự quan tâm, tạo được tranh luận là điều đáng mừng, là thành công của tờ báo trong bối cảnh lúc bấy giờ.
Dù thời gian tồn tại ngắn ngủi (ra đời và đình bản chỉ trong năm 1918), Nữ Giới Chung đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc đề cao vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong gia đình và xã hội, cũng như góp tiếng nói đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ. Từ sự thúc đẩy và ảnh hưởng của những tiếng nói nam giới lẫn nữ giới trên Đông Dương Tạp chí, Nam Phong Tạp chí, Lục Tỉnh Tân Văn, Nữ Giới Chung… vấn đề phụ nữ đã được tiếp tục bàn luận và hình thành nên những “diễn đàn phụ nữ” hết sức sôi động trong những năm thập niên 1920-1930.