Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?

21/09/2024 - 17:20

PNO - Chiều 21/9, Báo Nhà báo & Công luận tổ chức chương trình Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” .

Đến tham dự chương trình Diễn đàn Tổng biên tập 2024 có hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí. Diễn đàn là nơi lãnh đạo các cơ quan báo chí, chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí chia sẻ, thảo luận về báo chí giải pháp - xu hướng báo chí đang được các toà soạn trên thế giới cũng như tại Việt Nam hết sức quan tâm.

Trên thực tế, báo chí giải pháp không phải khái niệm mới, việc đề cập đến các giải pháp đã xuất hiện trên báo chí thế giới từ rất lâu, nhưng phải đến khoảng 2 thập kỷ qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, Báo chí giải pháp được quan tâm và được nhắc tới ngày càng nhiều hơn trên các nghiên cứu về báo chí truyền thông.

Ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hàng ngày, có hàng ngàn vấn đề, tin tức trong xã hội được phản ánh trên báo chí. Hằng năm có khoảng 40 triệu tin, bài trên báo chí cả nước; mức lan toả thông tin từ báo chí lên mạng xã hội khoảng 400 triệu tin; tổng thời lượng phát thanh hàng năm khoảng gần 20 ngàn giờ; truyền hình khoảng 50 ngàn giờ. Tuy nhiên, tin tức trên báo chí thì nhiều, mà lại hay trùng lặp, nhiều tin đem đến năng lượng tiêu cực như các vụ việc chém giết, khủng bố, tai nạn thương tâm, bắt bớ, tiêu cực, vô luân thường đạo lý…

Diễn đàn iễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền
Diễn đàn Tổng biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống" với sự tham dự của hơn 100 Tổng biên tập các cơ quan báo chí - Ảnh: BTC

Nói đến báo chí giải pháp là đề cập đến cách tiếp cận các vấn đề trong xã hội từ góc nhìn giải pháp, thay vì chỉ đưa tin. Tin tức thôi chưa đủ, hơn lúc nào hết, báo chí phải hành động để vượt qua những rào cản khó khăn về nguồn thu và suy giảm độc giả.

Báo chí giải pháp tập trung xác định nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, các phản ứng về vấn đề đó; giới thiệu, đề xuất giải pháp, tổ chức nghiên cứu sâu về các giải pháp, từ đó hướng mọi người có cái nhìn chân thực hơn, đầy đủ hơn về những vấn đề đã, đang xảy ra, mang lại cho công chúng báo chí thông tin hữu ích, giúp thúc đẩy thay đổi nhận thức xã hội theo hướng tích cực hơn, tốt đẹp hơn.

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM chia sẻ, hiện Báo Phụ nữ TPHCM cũng đang hướng đến phong cách báo chí giải pháp và nhân văn. Tuy nhiên, báo chí giải pháp thường không thu hút được sự chú ý ngay lập tức như các tin tức giật gân hay tiêu cực. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ quảng cáo và sự quan tâm của độc giả.

Ngoài ra, báo chí giải pháp đòi hỏi nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu và báo cáo chi tiết về các giải pháp. “Báo chí giải pháp (solution journalism) không phải là lối thoát mà đó là trách nhiệm của báo chí. Là một xu hướng mới trong ngành báo chí, tập trung vào việc tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề xã hội thay vì chỉ phản ánh thực trạng” - bà Lý Việt Trung nhận định.

Cũng theo bà Lý Việt Trung, ngày nay báo chí không chỉ có trách nhiệm đưa tin một cách trung thực và khách quan mà còn cần phải đóng vai trò tích cực trong việc tìm kiếm và đề xuất các giải pháp cho các vấn đề xã hội. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng thông tin mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội. Vai trò của báo chí giải pháp rất quan trọng vì nó không chỉ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề xã hội mà còn khuyến khích họ tham gia vào việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp mà còn có thể dẫn đến những thay đổi tích cực và bền vững trong xã hội.

TS. Vũ Thị Ánh Hồng- Tổng biên tập Tạp chí Hải quan nhận định, báo chí có vai trò to lớn đáp ứng nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng về mọi mặt của đời sống xã hội. Không chỉ cung cấp thông tin để giúp nhiều người cùng hiểu biết, cùng thống nhất nhận thức, mà báo chí còn thực hiện chức năng quản lý, giám sát và phản biện xã hội, cùng chia sẻ và hợp sức để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội nhằm thúc đẩy xã hội phát triển bền vững.

Như vậy, báo chí giải pháp là cần thiết và là mục tiêu của các cơ quan báo chí, nhất là trong bối cảnh các kênh truyền thông xã hội đang lấn át báo chí hiện nay, nếu báo chí làm tốt vai trò kiến giải sẽ càng khẳng định vai trò vị trí, tác động, hiệu quả của mình đối với xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cho rằng, báo chí giải pháp có thể là một trong những con đường đem đến thay đổi tích cực cho các toà báo, ít nhất cũng tạo ra sự khác biệt cơ bản giữa một sản phẩm báo chí và tin tức phản ánh đầy rẫy trên mạng xã hội hiện nay.

Báo chí lúc này không chỉ "phanh phui sự thật" (phản ánh tiêu cực), mà còn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tìm ra nguyên nhân, tập trung vào giải pháp để khắc phục, giải quyết, hướng tới kết quả tích cực, nhấn mạnh vai trò tích cực và trách nhiệm xã hội của báo chí. Nhà báo có thể phơi bày thực trạng tiêu cực, nhưng cuối cùng vẫn cho thấy giải pháp khắc phục.

Có thể nói một cách đơn giản, báo chí giải pháp chính là báo chí tử tế, vì nó giúp cho xã hội, cho cộng đồng ngày một tốt đẹp lên. Báo chí giải pháp vừa là cách thức, vừa là mục tiêu cần đạt đến với sứ mệnh cải tạo xã hội. Và chỉ nhờ thế, báo chí truyền thống mới có thể phát triển bền vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội, với công nghệ trí tuệ nhân tạo trong báo chí.

Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI