Tại buổi tọa đàm Báo chí - Xuất bản TP.HCM nỗ lực, sáng tạo, đồng hành cùng cả nước, vì cả nước sáng 19/6, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, qua các phát biểu thấy rằng, báo chí vẫn kêu thiếu thông tin, vẫn thấy chính quyền không sẵn sàng cung cấp thông tin. Đó là sự thật nhức nhối trong quan hệ giữa báo chí và các cơ quan nhà nước.
Chờ “nóng” thành “nguội”
Dù UBND TP.HCM đã ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, khi làm việc tại các địa phương, nhà báo vẫn gặp không ít rào cản, khó khăn. Bên cạnh những đơn vị chủ động thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, còn không ít nơi làm khó, né tránh phóng viên. Thông tin báo chí phản ánh vẫn chưa được quan tâm, xử lý.
Đầu tháng 3/2018, nhiều người dân, chuyên gia, bác sĩ... liên tục phản ánh với báo Phụ Nữ TP.HCM về việc dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (BV CTCH - xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) giải tỏa ì ạch, chậm tiến độ; trong khi BV CTCH tại Q.5 đang xuống cấp, quá tải.
Để xác minh thông tin, phóng viên đã liên hệ với UBND H.Bình Chánh. Tiếp chúng tôi, ông Phạm Nhật Trường - Chánh văn phòng UBND H.Bình Chánh - cho biết, sẽ trình lên Thường trực UBND huyện để giao cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh trả lời.
Nhiều ngày sau, chúng tôi liên lạc với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh. Đại diện đơn vị này cho biết, đã tiếp nhận câu hỏi và trả lời, nhưng do chưa thấy “bút phê” của UBND H.Bình Chánh nên chưa thể gửi câu trả lời cho phóng viên.
Ngày 17/3, chúng tôi liên hệ với ông Phạm Nhật Trường. Ông này cho biết, đã đề nghị Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng H.Bình Chánh gửi câu trả lời lên để UBND huyện xem xét trả lời. Đến chiều 22/3, UBND H.Bình Chánh vẫn chưa có câu trả lời về vụ việc. Ngày hôm sau, 23/3, khi báo Phụ Nữ đăng bài Dự án Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình: 6 năm, vẫn còn là bãi đất hoang thì phía H.Bình Chánh mới “tức tốc” gửi câu trả lời cho phóng viên qua email.
Sự việc trên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp trong quá trình tác nghiệp tại các địa phương. Nhiều nơi, vì quy trình “báo cáo lãnh đạo” mà chúng tôi phải mất gần cả tháng để tiếp cận thông tin. Khi ấy, vụ việc “nóng” đã thành “nguội”.
|
Phóng viên tác nghiệp tại một buổi lễ khánh thành ở TP.HCM |
Còn nhớ, vào tháng 5/2017, khi nhận được tin về tình trạng lao động trẻ em tại một quận trên địa bàn thành phố, phóng viên đã liên hệ với trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của quận này để lên kế hoạch “giải cứu” các em. Thế nhưng, không có cuộc giải cứu nào diễn ra lập tức mà vẫn phải chờ “báo cáo lãnh đạo”.
Nhiều ngày sau đó, khi có chỉ đạo từ lãnh đạo quận và sự can thiệp của Hội LHPN TP.HCM, cơ quan chức năng mới bắt đầu tổ chức kiểm tra. Tất nhiên, cuộc kiểm tra này đã thất bại, vì chủ các nhà xưởng sử dụng lao động trái phép đã kịp “di tản” lao động trẻ em đi nơi khác.
Ngay sau cuộc kiểm tra thất bại, lãnh đạo địa phương đã phê bình vị trưởng phòng vì “cứng nhắc trong việc xử lý thông tin báo chí cung cấp”. Chúng tôi và nhiều bạn đọc cũng tiếc nuối, phẫn nộ khi cuộc giải cứu bất thành.
Cơ chế phối hợp thông tin giữa báo chí và cơ quan chức năng ở các địa phương hiện rất yếu. Nhiều đơn vị không công khai số điện thoại của người phát ngôn, lãnh đạo đơn vị. Khi phóng viên tìm đến trụ sở đơn vị thì được bảo vệ, bộ phận tiếp dân vặn vẹo, yêu cầu phải… liên hệ, đặt lịch làm việc trước.
Giữa năm 2017, tiếp nhận đơn kêu cứu của chị Thu Tr. (ngụ Q.7) về việc gia đình chị bị côn đồ đe dọa, hành hung. Vì tính chất cấp bách của sự việc, chúng tôi đã nhanh chóng liên hệ với Công an và UBND Q.7. Thế nhưng, tại văn phòng UBND Q.7, chúng tôi được thông báo rằng, muốn gặp lãnh đạo thì phải hẹn trước. Vị cán bộ ở đây còn đưa chúng tôi một mẩu giấy để ghi nội dung thông tin cần trao đổi với lãnh đạo rồi mới sắp xếp gặp. Trong khi đó, một gia đình vẫn đang bị đe dọa tính mạng.
Phớt lờ thông tin báo chí phản ánh
Ngoài những gian nan nêu trên, một số địa phương còn áp dụng “luật riêng” cho báo chí. Tháng 6/2017, khi nạn xây dựng nhà không phép đang nóng ở các hội nghị của Thành ủy TP.HCM, phóng viên tìm đến UBND xã Bình Hưng (H.Bình Chánh) để tìm hiểu thông tin người dân phản ánh về thực trạng xây nhà không phép. Khi đến nơi, cán bộ xã yêu cầu chúng tôi phải có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu và CMND.
Dù phóng viên đã giải thích, theo quy định: “Thẻ nhà báo có thể thay thế cho giấy giới thiệu của cơ quan. Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ thì trình giấy giới thiệu của cơ quan khi tác nghiệp”. Thế nhưng, nữ cán bộ ở đây vẫn một mực đòi đủ các giấy tờ trên và từ chối tiếp xúc.
Trước đó, hai đồng nghiệp của chúng tôi ở Thông tấn xã Việt Nam cũng bị lãnh đạo UBND xã Bình Hưng đuổi ra ngoài, từ chối cung cấp thông tin vì “chỉ có thẻ nhà báo mà không có giấy giới thiệu”. Đến tận hôm nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi gì về tình trạng xây nhà không phép ở xã Bình Hưng. Thông tin chúng tôi phản ánh cũng không được phản hồi, xử lý.
Theo thông lệ, khi xảy ra một sự cố liên quan đến ngành nào đó thì cơ quan chủ quản của ngành đó phải lập tức tổ chức tiếp xúc với báo chí để giúp giải tỏa những vấn đề liên quan. Khi không có sự cố, hằng năm, các sở, ngành cũng thường có các cuộc tiếp xúc với truyền thông để thông tin hoặc trả lời những vấn đề dư luận quan tâm.
Thế nhưng, gần chục năm nay, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM không một lần tổ chức tiếp xúc báo chí. Khi xảy ra những “sự cố” đình đám, lãnh đạo sở này cũng tìm cách tránh mặt. Liên lạc qua điện thoại hay tin nhắn cũng chưa bao giờ thành công.
Trước nhiều sự việc đã rồi, báo phản ánh, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cũng phớt lờ như không biết, không phản hồi, cũng không xử lý mà còn tìm cách che đậy, thậm chí báo cáo sai sự thật với cấp trên. Kết quả: những chuyện xấu cứ nối tiếp xảy ra ở nhiều trường học thuộc sở quản lý.
Điển hình là những sai phạm của hiệu trưởng Trường THPT Long Trường (Q.9) vào các năm 2015, 2016, 2017 không được xử lý nên ông này tiếp tục sai phạm. Đến đầu tháng 5/2018, tập thể giáo viên của trường tiếp tục có đơn gửi các cấp, đề nghị xem xét lại tư cách và năng lực của ông này.
Đầu năm 2018, báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài viết 5 năm kêu cứu, cụ già vẫn phải xài nước ké, về trường hợp ông Lý Ngầu (ngụ số 385/40 đường Minh Phụng, P.10, Q.11) kêu cứu vì bị quy kết ăn cắp nước sinh hoạt và đòi truy phạt hơn 300 triệu đồng. Trong bài viết, chúng tôi đã chỉ ra dấu hiệu “sai quy trình” trong việc lập biên bản kết luận ăn cắp nước và mức xử phạt không có căn cứ pháp lý mà Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân đưa ra với khách hàng.
Vụ việc đã kéo dài hơn 5 năm, báo Phụ Nữ TP.HCM đã có nhiều bài viết phản ánh. UBND TP.HCM, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM, Văn phòng tiếp công dân UBND TP.HCM, UBND Q.11 cũng từng có văn bản về vụ việc của ông Lý Ngầu.
Ngày 23/1 vừa qua, UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở - ngành liên quan xem xét, giải quyết vụ việc. Thế nhưng đến nay, trường hợp này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, gia đình cụ già 75 tuổi vẫn phải xài nước ké từ hàng xóm.
“Báo chí là một nguồn tài nguyên thông tin, càng có tính phản biện thì càng giúp cơ quan công quyền xây dựng, hoàn thiện mình. Phóng viên là người có cơ hội gần gũi với đời sống xã hội nên họ thường phản ánh tiếng nói của nhân dân. Báo chí không chỉ có nhiệm vụ phản ánh chân thật, khách quan hiện thực xã hội mà còn phản biện chính sách, đấu tranh với những sai trái trong xã hội.
Xã hội càng dân chủ, văn minh, báo chí càng có vai trò quan trọng. Ngược lại, báo chí cũng góp phần làm cho xã hội dân chủ, văn minh hơn. Mọi hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, tiếp cận thông tin đều trái với quy định của pháp luật. Cơ quan công quyền cần gắn bó, tương tác mật thiết với cơ quan báo chí, phóng viên để cùng nhau xử lý các vấn đề từ dân sinh cho đến nóng bỏng, nhạy cảm thay vì một số nơi có tâm lý né tránh báo chí như hiện nay”.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn luật sư TP.HCM)
|
Sơn Vinh - Minh Nhật