Bao cấp chống ngập

17/06/2022 - 07:03

PNO - Không chỉ TPHCM, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang đối mặt với tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng gia tăng.

Năm 2008 khi ngành chức năng TPHCM thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) với kỳ vọng mô hình mới sẽ là “chiếc đũa thần” mang lại sự đột phá về chống ngập. Nhưng sau mười năm, công tác chống ngập vẫn đầy bề bộn, Trung tâm Chống ngập giải thể và nhiệm vụ chống ngập được chuyển giao từ Sở Giao thông Vận tải sang Sở Xây dựng.

Tình trạng ngập lụt sau mưa lớn không còn là đặc sản của các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội
Tình trạng ngập lụt sau mưa lớn không còn là "đặc sản" của các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM cần khoảng 101.000 tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD) để hoàn thiện các dự án chống ngập quan trọng. Song, Sở Xây dựng cũng nhìn nhận các dự án này khi hoàn thành cũng chưa thể kiểm soát ngập 100%. Đó là chưa nói đến việc TPHCM chưa biết tìm đâu ra 4,3 tỷ USD trong vòng năm năm.

Từ đầu mùa mưa 2022 đến nay, tình trạng ngập ở khu vực trung tâm TPHCM tuy giảm nhưng nhiều quận ven lại ngập mênh mông sau những trận mưa lớn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia về chống ngập, đây là điều đã được dự báo trước bởi ở các quận này, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước chưa có hoặc chưa hoàn thiện.

Không chỉ TPHCM, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đang đối mặt với tình trạng ngập lụt đô thị ngày càng gia tăng. Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng mưa tăng lên khiến hệ thống thoát nước với tiết diện nhỏ trở nên lạc hậu, quá tải. Nguyên nhân chủ quan là do đô thị hóa nhanh, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa.

Hiệu quả của các dự án chống ngập đã hoàn thành trong thời gian qua tại TPHCM, Hà Nội ra sao, ai chịu trách nhiệm khi công trình không phát huy hiệu quả là câu hỏi thường được dư luận đặt ra sau mỗi lần đường phố biến thành sông. Nhưng việc truy trách nhiệm không dễ, nhất là khi các dự án chống ngập chưa được thực hiện đồng bộ.

Kỹ sư Vũ Hải - người có hơn 50 năm kinh nghiệm về lĩnh vực thoát nước đô thị - cho rằng đã đến lúc phải thay đổi phương thức thực hiện các dự án chống ngập. Theo đó, các tỉnh, thành nên xã hội hóa mạnh mẽ để các doanh nghiệp tư nhân tham gia chống ngập và chịu trách nhiệm nếu công trình không hiệu quả.

Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa không dễ bởi lĩnh vực thoát nước không sinh ra lợi nhuận. Từ trước đến nay TPHCM chỉ có dự án ngăn triều chống ngập với kinh phí gần 10.000 tỷ đồng được thực hiện bằng hình thức hợp tác công tư, tức đổi đất lấy công trình. Nhưng hiện nay, quỹ đất của TPHCM không còn nhiều nên hình thức đổi đất lấy công trình chống ngập cũng khó khả thi.

Một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về công tác chống ngập của Hà Lan cho biết, mỗi năm, nước này trích khoảng 2% ngân sách quốc gia để chi cho công tác chống ngập và việc này được luật hóa. Còn ở Việt Nam, trước tình trạng thiếu hụt nguồn vốn, những năm gần đây, một số tỉnh, thành cũng tính đến phương án thu phí thoát nước nhưng chưa thực hiện được do người dân chưa sẵn sàng, nhất là khi họ còn quan ngại về tính hiệu quả của các công trình chống ngập.

Theo tính toán của vị chuyên gia nói trên, chi phí xây dựng hoàn thiện hệ thống cống thoát nước cùng các nhà máy xử lý nước thải cho khu vực 750km2 ở vùng đô thị hiện hữu của TPHCM khoảng 15 tỷ USD: “Trong thời gian qua, TPHCM đã chi cho chống ngập khoảng 2,5 tỷ USD. Như vậy, trong thời gian tới, thành phố còn cần hơn 12 tỷ USD nữa. Đây là số tiền quá lớn, ngân sách không kham nổi nếu cứ thực hiện theo cách bao cấp như thời gian qua”.

Ông cho rằng, chừng nào TPHCM chưa tìm ra nguồn lực đủ để thực hiện các nội dung trên thì khó hy vọng giải quyết triệt để tình trạng ngập.

Nhiều chuyên gia về chống ngập cũng cho rằng, giải pháp kỹ thuật để chống ngập không quá khó, cái khó nằm ở công tác huy động nguồn lực đầu tư và cơ chế quản lý, vận hành. Khi chưa tìm được hướng đột phá về nguồn lực tài chính để chống ngập một cách bài bản, thì câu hỏi đến bao giờ thành phố xử lý được ngập thật khó để trả lời với dân. 

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI