PNO - Bây giờ, cứ đến ngày rằm Trung thu, khi người lớn dắt trẻ con đến các khu tràn ngập các loại đồ chơi chủ yếu của Trung Quốc với tàu xe, súng ống và các siêu nhân…
Và ngay từ tháng Bảy âm lịch, dọc nhiều con đường ở Hà Nội đã dựng lên nhưng quầy bán bánh trung thu của đủ các hãng. Chưa bao giờ thế giới bánh trung thu với đủ các loại mẫu mã lại nhiều đến như thế. Nhưng quả thực, ngay từ khi các loại bánh trung thu công nghiệp này xuất hiện, nó chưa bao giờ mang lại cho tôi một cảm giác nào cả. Đặc biệt là bây giờ với sự đe dọa của thực phẩm bẩn và độc lại lại càng làm cho tôi khiếp sợ. Người ta sản xuất bánh trung thu bây giờ có hộp bánh giá đến một, hai chục triệu. Những hộp bánh như thế để bán cho các nhà giàu và để cho người ta đi biếu cấp trên. Và chính lúc này, tôi lại nhớ về những ngày rằm Trung thu thuở ấu thơ ở một làng quê nghèo khó. Và trong ký ức xa xôi và tĩnh lặng ấy, tôi lại thấy hiện lên màu đỏ tươi của những trái hồng mùa thu và cây đèn ông sao lấp lánh.
Ảnh: Internet
Thuở nhỏ, ăn rằm tháng Bảy xong là anh em tôi đã nghĩ tới rằm Trung thu và bắt tay vào chuẩn bị cho cái đêm trăng lộng lẫy niềm vui ấy. Công việc đầu tiên của chúng tôi là làm những chiếc đèn ông sao hoặc đèn trống bỏi. Thường là chúng tôi làm đèn ông sao. Chúng tôi phải kiếm những tờ giấy pơ-luya rất mỏng để làm đèn. Không hiểu sao thời đó người ta dùng giấy pơ-luya rất nhiều mà chủ yếu để viết thư. Thời nay tôi không còn nhìn thấy giấy pơ-luya nữa. Nếu không có giấy pơ-luya thì chúng tôi dùng giấy thường, nhưng dùng dầu hỏa thắp đèn để quết đều lên tờ giấy. Dầu hỏa làm cho tờ giấy trong hơn để ánh sáng từ ngọn nến nhỏ bên trong đèn tỏa sáng hơn. Trong nhà tôi bây giờ vẫn còn một chiếc đèn ông sao tôi cùng các con tôi làm. Chiếc đèn đã ố vàng theo thời gian và phủ nhiều bụi. Nhưng mỗi khi mò lên cái gác sép để tìm một thứ gì đấy, nhìn thấy chiếc đèn ông sao, tôi lại đứng lặng nhớ về những ngày đẹp đẽ và rung động đã trôi qua.
Mâm cỗ rằm Trung thu thuở ấy không có những loại bánh nướng, bánh dẻo phong phú như bây giờ mà chủ yếu là trái cây. Mâm cỗ ấy phụ thuộc vào từng vùng quê mà có những trái cây khác nhau. Nhưng có hai loại trái cây lúc nào cũng ngự trị trong mâm cỗ ấy cho đến tận bây giờ là bưởi và hồng. Bây giờ, chỉ lướt qua phố một lúc là người ta đã sắm đủ thứ quà Trung thu cho trẻ con. Trẻ con bây giờ hình như chẳng thiếu thứ gì và hình như chúng cũng chẳng mơ ước về một món quà náo đó trong ngày rằm Trung thu nữa. Nhưng có một thứ mà chúng nguy cơ không thể nào có được. Đó chính là sự náo nức lạ kỳ khi ngày rằm Trung thu đến gần.
Phá cỗ Trung thu. Ảnh: Tri thức trẻ
Thường là khi chúng tôi làm xong chiếc đèn ông sao cũng là lúc bà tôi ra vườn để hái những quả hồng vào dấm. Trong vườn nhà tôi ở quê có một cây hồng trứng. Trải qua một thời gian dài, nhiều cây cối trong vườn được thay thế, nhưng cha tôi vẫn giữ lại cây hồng cho đến khi nó chết cách đây chỉ mươi năm. Tôi còn nhớ hình ảnh cuối cùng khi tôi đưa các con tôi về quê đón rằm Trung thu năm đó trùng với ngày nghỉ. Cây hồng đứng im lìm trong vườn. Cả cây chỉ có một quả hồng duy nhất đỏ như một ngọn đèn lồng bé xíu. Tôi cùng các con tôi đã hái quả hồng đó bày vào mâm cỗ Trung thu nhưng không ai nói đến chuyện ăn quả hồng đó. Những năm trước đó khi cây hồng còn sai trĩu quả, cách rằm Trung thu mươi ngày, bà tôi bắt đầu hái hồng để dấm. Nếu để hồng chín trên cây sẽ bị bọn chuột hoặc lũ dơi ăn hết hồng chín. Bà tôi lót trấu vào một cái thúng nhỏ rồi nhẹ nhàng xếp từng quả hồng vào đó như xếp trứng. Sau đó phủ một lớp trấu lên và đậy cái thúng dấm hồng bằng những lớp lá chuối khô. Khi bà đi vắng, chúng tôi lại mở trộm thúng xem hồng đã chín chưa. Và mỗi lần mở ra, màu đỏ của những quả hồng mỗi lần như rực sáng hơn, chúng tôi đưa những ngón tay chạm vào những quả hồng mịn màng căng mọng và tự nhiên nước miếng ứa ra. Một cảm giác ngọt dịu, thanh mát lan tỏa. Có lần bắt được chúng tôi mở thúng hồng dấm, bà tôi bảo khi những quả hồng đang được dấm là chúng đang ngủ để chín, nếu chúng tôi mở ra sẽ đánh thức chúng dậy và như thế chúng sẽ không chín được nữa.
Không hiểu bằng cách nào mà bà tôi dấm hồng chín đúng ngày rằm Trung thu. Đến buổi chiều ngày rằm, bà tôi bắt đầu mở thúng hồng. Anh em tôi xúm quanh háo hức xem. Khi những tấm lá chuối khô được bỏ ra và lớp trấu được bới hết thì những quả hồng chín đỏ hiện ra. Bà tôi nâng từng quả hồng ra khỏi chiếc thúng và lau từng quả hết sức cẩn thận rồi đặt chúng lên chiếc mâm đồng. Những quả hồng sau khi được lau sạch bỗng rực sáng lên như những viên hồng ngọc. Cái màu đỏ ấy là màu đỏ lạ lùng. Nó theo tôi đến tận bây giờ như một nỗi ám ảnh huyền ảo.
Ảnh: Tri thức trẻ
Năm nào cũng vậy, sau khi lau sạch thúng hồng, bà tôi chọn những quả hồng đẹp nhất xếp vào chiếc đĩa sứ cổ và đặt lên ban thờ thắp hương. Sau đó, bà tôi chọn một chục hồng để chúng tôi mang biếu bà ngoại tôi ở cuối làng. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy ngay cả những năm tháng ấu thơ nhiều thiếu thốn nhưng những quả hồng quyến rũ chúng tôi không phải vì được ăn mà được sống trong không khí của những ngày chuẩn bị đón rằm Trung thu và đôi khi sự chuẩn bị giống như một nghi lễ. Đó là ngày bà tôi hái những quả hồng trên cây, là lúc bà tôi lót trấu vào chiếc thúng nhỏ, là lúc bà tôi xếp những quả hồng vào ổ trấu, là lúc vùi trấu lên và phủ những tấm lá chuối khô và đặt thúng hồng dấm ở một nơi sạch sẽ trong nhà, là lúc chúng tôi vụng trộm mở những tấm lá chuối khô ra xem hồng đã chín đến đâu rồi, là lúc bà chúng tôi mở thúng hồng dấm và một màu đỏ huyền ảo hiện ra làm chúng tôi như chết lặng…
Những cây hồng ở quê bây giờ ít đi rất nhiều. Những khu vườn ở quê cũng dần dần thu hẹp bởi nhu cầu nhà ở của con người mỗi ngày một tăng lên. Bây giờ các con tôi đi học xa, nhưng rằm Trung thu năm nào tôi cũng dặn vợ mua một chục hồng trứng. Và vào ngày rằm Trung thu, tôi thường trở về nhà sớm, ngồi với một ly cà phê và ngắm đĩa hồng trứng để trên bàn. Trong ánh sáng của buổi chiều chiếu qua ô cửa sổ, màu đỏ chín của những quả hồng tỏa sáng như những viên ngọc quí. Và trong tâm tưởng, tôi chầm chậm nhận vào mình ký ức lộng lẫy của những năm tháng ấu thơ đã trôi qua. Và lúc nào cũng vậy, trong tôi lại hiện lên hình ảnh cuối cùng cây hồng trong vườn nhà tôi với vụ quả cuối cùng và với một trái hồng duy nhất chín đỏ như một ngọn đèn không bao giờ tắt trong tâm hồn mình.
Ảnh: Tri thức trẻ
Những quả hồng trứng đã mờ xa, những chiếc đèn ông sao những đứa trẻ tự làm hoặc mua ở chợ Tía gần làng đã mờ xa và, vầng trăng của những Rằm trung thu thuở ấy cũng đã mờ xa trên bầu trời thu và cả câu chuyên gấu ăn trăng cũng mờ xa. Tôi nhớ vầng trăng cũ. Cái vầng trăng bây giờ vẫn là vầng trăng thuở ấy nhưng nó đã khác khi lòng người đã đổi thay. Giờ chẳng còn ai ngồi trên sân bên mâm cỗ trung thu và ngước nhìn vầng trăng trên trời nữa. Vầng trăng cũ đã không trở về. Vầng trăng cũ chính là cái đẹp. Và cái đẹp đã rời bỏ chúng ta trong những năm tháng này. Nhưng năm tháng mà chúng ta chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ vật chất chứ không phải hưởng thụ tinh thần.
Tôi vừa đọc một tuyển thơ của nhà thơ Ba Lan được giải Nobel: CZESLAW MILOSZ. Ông đã viết một bài thơ về Ngày Tận Thế. Điều gì đã hiện ra trong bài thơ này hay nói cái khác là những gì đang diễn ra trên thế gian này? Đó là ong vẫn bay, hoa vẫn nở, chim vẫn hót vang, những đứa trẻ vẫn được sinh ra, con người vẫn lao động trên đất đai này. Một ngày tận thế như những lời tiên tri với những tiếng kèn hiệu của Thánh thần hay sấm chớp đã không xảy ra. Và không ít người đã tin “ngày tận thế” đã không đến. Nhưng lời của một người nông dân bán cà chua làm cho tôi phải suy nghĩ. Người nông dân nói: “Sẽ không có ngày tận thế khác đâu”. Câu nói này cho tôi hiểu: không phải ngày tận thế không xảy ra mà chỉ không có một ngày tận thế khác với ngày tận thế đã xảy ra. Vậy ngày tận thế có xảy ra không và xảy ra như thế nào?
Thi hào CZESLAW MILOSZ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp nói về cái mà có thể cứu thế gian không gì khác ngoài Cái đẹp. Con người có thể sống trong đúng sai, trong xấu tốt, trong đói khát và bệnh tật, trong chiến tranh nhưng không thể vắng bóng Cái đẹp. Ông viết: “Bởi trong sự bất hạnh/Cũng cần có cái đẹp”. Tôi tin, thi hào CZESLAW MILOSZ đã gửi tới chúng ta một Thông điệp về Ngày tận thế. Đó là ngày khi mà Cái đẹp và Đức tin trong con người sụp đổ.
Với ông, đời sống con người chỉ có thể còn tồn tại khi nó tồn tại cả hai: Cái đẹp và Đức tin. Cái đẹp hiển hiện trên mặt đất. Nó ở ngay dưới chân con người. Cái đẹp được tạo hóa sinh ra trước khi chúng ta sinh ra, để chúng ta với trái tim trĩu nặng tình yêu, cúi xuống trong hơi thở nồng nàn và mãnh liệt của mình để đón nhận và để được sống. Còn Đức tin hiện ra khi con người biết ngước lên cao.
Tôi nghe được những hồi chuông cảnh báo rền rĩ của ông về sự độc ác, vô cảm, điên rồ và mù lòa của con người. Khi con người không còn nhận ra Cái đẹp ở trong chính ngôi nhà của mình, trên con đường của mình, trên cánh đồng của mình và nơi ngập tràn ánh Thiên thanh trên đầu thì Ngày tận thế đã đến. Cái Ngày tận thế mà tôi nhận thấy ông nói đến không phải là những sụp đổ vật chất mà là sự sụp đổ tinh thần. Cái ngày tận thế ấy là ngày tận thế của tình yêu thương, của nhân tính, của sự sáng tạo kỳ diệu. Khi bóng tối ngập tràn trong những con mắt của chúng ta thì lúc đó cũng là thời điểm Cái chết đến với chúng ta cho dù nó không một tiếng nổ, không có những khối lửa từ trời cao đổ xuống hay nước từ biển cả dâng lên. Nó im lặng, một sự im lặng khủng khiếp nhất biến chúng ta trở thành hoang thú.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.