Bánh tráng nướng... ‘tôi không thể nghe và nói’

03/02/2018 - 13:14

PNO - Đôi bàn tay chị thoăn thoắt. Hết lấy thứ này bốc qua thứ khác chẳng mấy chốc chiếc bánh tráng đã đầy ắp thức ăn. Đập 2 quả trứng cút, chị trải đều lên đó và bật lửa...

Đôi bàn tay chị thoăn thoắt. Hết lấy thứ này bốc qua thứ khác chẳng mấy chốc chiếc bánh tráng đã đầy ắp thức ăn. Đập 2 quả trứng cút, chị trải đều lên đó và bật lửa ...

Mầm sống của đôi vợ chồng câm điếc

Dòng chữ, "tôi không thể nghe và nói" dán trước tủ kính của xe bán bánh tráng nướng trước trường đại học Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng (P. Bến Nghé Q.1 TP.HCM) đã làm cho chúng tôi hiếu kỳ...

Chị vẫn miệt mài với công việc. Khách hàng - những sinh viên của trường - đứng chật kín. Chị làm liên tục. Cạnh chị, một người đàn ông cũng thao tác nhuần nhuyễn. Những chiếc bánh tráng nướng thơm mùi hành, mùi thịt được trao cho khách ...

Banh trang nuong... ‘toi khong the nghe va noi’
Món bánh tráng nướng của đôi vợ chồng nghèo vật chất nhưng giàu nghị lực. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Rồi đến người khách sau cùng. Một cô gái trẻ chỉ vào dòng chữ chà bông gà trên tấm biển. Chị gật đầu, nở nụ cười thật tươi. Chị lấy chiếc bánh tráng đã phết bơ đặt lên vỉ nướng. Muỗng thịt bằm được trải đều lên đó. Thêm một vốc tôm khô, một muỗng mỡ hành kèm theo 2 quả trứng cút được đập bể và kéo mỏng trên mặt chiếc bánh. Trước khi bật lửa nướng, một lớp chà bông gà được phủ lên.

Bật ga. Chị xoay bánh cho đều. Chẳng mấy chốc, bánh đã nướng xong, chị gấp đôi chiếc bánh bỏ vào bao trao cho khách ...

Món bánh tráng nướng là một món ăn chơi rất được giới trẻ ưa thích. Có nhiều loại bánh từ truyền thông với giá thấp nhất là 10.000đ đến cao nhất là thập cẩm 18.000đ, khách tha hồ lựa chọn.

Chúng tôi ghé vào. Anh chị nở nụ cười thật tươi thay cho lời chào. Tôi ghi vài dòng vào một cuốn sổ, anh bán ở đây lâu chưa? rồi trao cho anh. Anh đọc rồi ghi vào đó, "tôi đi bán bánh tráng đã 2 năm nhưng mới về đây vài tháng nay thôi"!

Qua câu chuyện trên giấy, được biết anh quê ở Quảng Ngãi, bị khuyết tật bẩm sinh. Chị cũng thế. Cả hai đến với nhau từ năm 2009 và hiện có 2 con. May mắn hơn, 2 cháu đều nói và nghe bình thường.

Chúng tôi nhìn thoáng dưới chân anh. Mâm cơm được dọn trên chiếc ghế thấp, đĩa thịt kho hột vịt và một chén canh. Tôi ra dấu, anh dùng cơm đi...

Chị bán hàng nước kế bên cho biết, đôi vợ chồng rất cần cù, chịu khó và vô cùng tiết kiệm. Bữa ăn của họ ngoài cơm với cá hoặc thịt nấu sẵn ở nhà mang theo, họ chỉ dám mua thêm một chén canh chừng vài ngàn đồng để ăn thêm. Mỗi ngày xe bánh tráng chỉ bán từ 11g - 18g. Bán đắt nhưng thu nhập lại không cao, anh có ý muốn bán thêm há cảo nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Banh trang nuong... ‘toi khong the nghe va noi’
Mỗi ngày xe bánh tráng chỉ bán từ 11g - 18g, tuy đắt hàng nhưng thu nhập lại không cao.

Anh chị bắt đầu bữa ăn trưa. Chị gắp cho anh từng miếng thịt. Không nói được với nhau bằng lời nhưng qua ánh mắt chứa chan tình cảm dường như họ đã hòa quyện được với nhau. Một người khách vào mua. Chị đứng dậy. Tôi ghi vào sổ đưa cho anh, xin anh địa chỉ phòng trọ có dịp sẽ ghé qua trò chuyện...

Học nghề từ Google

Chúng tôi đến phòng trọ của anh vào buổi tối. Căn phòng rộng. Trong phòng 4 người lớn đang trò chuyện với nhau... bằng tay. Chỉ có 2 đứa bé phát ra được tiếng nói ...

Thì ra anh chị đang tiếp khách. Khách một nam, một nữ cũng đồng cảnh ngộ. Nói với nhau bằng tay và thái độ hết sức thân thiện. Câu chuyện được giải bày, anh tên Lê Trường Sơn, 43 tuổi. Chị, Lê Thị Mộng Thúy 37 tuổi, quê ở Biên Hòa (Đồng Nai).

Trước khi đến với nghề bán bánh tráng nướng, hai vợ chồng đã làm rất nhiều việc để kiếm sống. 4 năm trước, bé Minh Quân ra đời. Cuộc sống có phần khó khăn nên anh cố xoay tìm cách vượt qua. Một dịp tình cờ vào mạng bằng chiếc điện thoại, anh học được nghề bánh tráng nướng.

Thế là anh mua nguyên vật liệu về nhà rồi tự mình chế biến. Dĩ nhiên, bước đầu chưa ngon, anh cùng chị kiên trì mày mò. Dần dần, những bí quyết lộ ra để cho anh chị cùng có tay nghề khá vững mạnh dạn bước vào cuộc mưu sinh.

Bé Ngọc Hà, đứa con thứ 2 của anh chị ra đời. Cuộc sống càng thêm khó khăn. Anh muốn học thêm nghề làm há cảo. Anh tìm trên mạng nhưng những chỉ dẫn không giúp anh thành công. Anh bày tỏ muốn xin vào làm việc tại một tiệm há cảo để học nghề nhưng chủ tiệm không đồng ý, đòi anh 5 triệu đồng mới được học. Không tiền, anh đành chịu bó tay.

Banh trang nuong... ‘toi khong the nghe va noi’
Cả hai vợ chồng đều lao động cật lực để sống, nuôi con mà không hề có lời than vãn nào.

Hàng ngày, buổi sáng anh đi chợ sắm sửa và chế biến nguyên liệu. Chị lo cho 2 cháu vệ sinh, ăn uống rồi đưa đến trường. Lo xong việc nhà, hai vợ chồng cùng nhau đến điểm bán.

Thú thật đây là lần đầu tiên chúng tôi mới có cuộc trò chuyện lâu với một người khiếm thính. Phải vận dụng trí óc rất nhiều mới có thể lĩnh hội được ý của người mình hỏi. Cũng nhờ đó, qua câu chuyện, chúng tôi mới ghi nhận được nghị lực của đôi vợ chồng kém may mắn này. Cả hai đã lao động cật lực để sống, nuôi con mà không hề có lời than vãn nào.

Anh Sơn viết vào cuốn sổ, khoảng 20 tết chúng tôi về Quảng Ngãi. Lâu lắm rồi chưa được ăn tết ở quê. Trả lời anh, chúng tôi viết chúc anh chị và các cháu có một cái tết thật vui, cũng mong anh chị gặp nhiều may nắm trong năm mới ...   

Trần Chánh Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI