Bánh tráng của má

05/03/2015 - 13:06

PNO - PN - Hôm trước Tết, bà ngoại gọi điện vô hỏi: “Tết nhứt răng rồi bây?”. Má cười tươi “Dạ cũng y rứa”. Đầu dây bên kia, ngoại mắng yêu: “Tổ cha bây. Năm mô cũng rứa”.

edf40wrjww2tblPage:Content

“Cũng rứa” trong ngày Tết của gia đình tôi là hũ dưa món, dăm đòn bánh tét, nồi bánh tổ và những chồng bánh tráng cao ngất. Nhớ hồi mới khăn gói vào Nam, hành trang của má là bộ đồ nghề tráng bánh ngoại cho với cái vá múc bột thiệt to, nồi và khuôn bằng vải. Ngoại dặn: “Vô trong nớ lỡ đâu không có việc gì làm thì tráng bánh cũng kiếm cơm qua bữa được”.

Cả xóm cười ngặt nghẽo, nói sao ngoại cứ lo xa tận đâu đâu, miền Nam rộng lắm, đông đúc lắm và cũng dễ có việc lắm, sợ gì. Nhưng, rốt cuộc, lời ngoại đã “vịn” vào má suốt mười lăm năm nay. Vô Nam một thời gian ngắn, ba đã lui cui chẻ tre đan vĩ, nhào đất đắp lò; má “nhịn” những bữa chợ thịt, cá, cả nhà chỉ ăn độc rau muống chấm mắm nêm để có tiền mua cái máy xay bột bằng điện. Má là con gái Quảng Nam, tráng bánh từ hồi tóc hãy còn xanh, giờ tóc chuyển màu tiêu muối rồi vẫn còn nhẫn nại bên lò lửa. Má tráng bánh để kiếm tiền, để vui, để buồn và hơn hết để vơi bớt nỗi nhớ quê.

Năm đầu tiên, những ngày Tết tha hương dài lê thê. Bữa mùng Một, cả nhà ngồi bó gối nhìn ra đường. Út hí hửng diện bộ quần áo mới, rối rít hối cả nhà qua ngoại, về nội mừng tuổi. Rồi như chợt nhớ ra hoàn cảnh hiện tại, Út tiu nghỉu. Năm đó, Út mới học lớp 2, vẫn thích tiền lì xì để mua bong bóng bay, thích xắn quần tới gối, tay xách giày, tay cầm chùm bong bóng lội sình từ thị trấn về nội.

Banh trang cua ma

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm đó, chị Hai 15 tuổi, chẳng biết nghĩ thế nào mà chị bỗng đánh tiếng: “Hay mình tráng bánh má hỉ”. Má gật đầu. Cả nhà xoay mòng mòng, người ngâm gạo, vo gạo, người rửa nồi, nhóm lửa bắc nước sôi, đặt khuôn tráng bánh, người xay bột, giã tỏi, xắt củ hành tím. Những cái bánh đầu tiên ra lò, mấy chị em hí hửng đem đi phơi nắng. Mùng Hai Tết “cũng rứa”. Dần dần, mọi thứ thành thân quen. Ngày thường má tráng bánh để bán, ngày Tết tráng vì nhớ quê.

Bánh má tráng rất dày, khi dùng mè trắng, khi rắc mè đen. Thi thoảng, khách yêu cầu thêm dừa, má đi chợ chọn mua dừa khô mang về nạo bằng tay. Má nói nạo tay sợi dừa mới dài và trắng đẹp. Bánh phơi khô xong thì nướng trên lò than đỏ rực, bánh phồng lên, thơm mùi hành, mùi gạo, mùi vị beo béo của dừa, mằn mặn của muối, bỏ vô miệng nhai nghe giòn rụm. Bao nhiêu cái bánh ra lò là chừng đó nhọc nhằn hằn lên mắt má. Bây giờ máy móc hiện đại, ngay như dừa cũng đã có máy nạo sẵn. Dù vậy, má vẫn tráng bánh bằng tay, nạo dừa bằng tay.

Chị em tôi lớn lên, đi học, đi làm nhờ những cái bánh tráng dày, khổ lớn “quê mùa, cục mịch” của má. Hồi còn học sinh, mỗi đứa một việc, cố gắng phụ má tráng bánh. Nhiều bữa tới trường trên áo quần còn dính đầy bột. Tụi bạn ít gọi tên thiệt, suốt ngày kêu “con cô bánh tráng!”. Riết rồi cũng quen. Má thường nói: “Đời tau với ba bây ít chữ. May có cái nghề. Miễn răng chị em bây học hành nên người là tau không thấy cực chi nữa”. Bây giờ, dù cuộc sống đã khá lên nhiều nhưng ngày mùng Một, mùng Hai Tết má vẫn giữ thói quen ngồi tráng bánh bên lò lửa. Khách trong xã biết tính má nên bữa 29, 30 ghé mà không có bánh cũng chẳng than phiền, chỉ vui vẻ hẹn: “Sáng mùng Hai qua lấy”.

Đời má, qua bao thăng trầm từ miền Trung vào đất phương Nam nắng gió luôn có những cái bánh tráng đồng hành. Má tôi tráng bánh đâu chỉ để kiếm cơm...

 THẢO NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI