Bánh phồng miền Tây nóng hổi

07/02/2021 - 11:38

PNO - Những ngày giáp tết, đến các làng quê miền Tây thường nghe tiếng chày gõ nhịp rộn ràng, đó là tiếng chày quết bánh phồng đón tết của bà con quê tôi.

Nhà tôi chỉ có bà nội là có bí quyết làm bánh phồng ngon nhất. Bánh của bà làm bao giờ cũng nở to, béo và giòn rụm. Nếp dùng để quết bánh phồng, nội tôi chọn loại nếp mới, không lẫn gạo. Nấu nếp phải canh sao cho không bị khô, không quá nhão.

Kế đến là công đoạn giã nếp. Lũ con nít chúng tôi bu quanh phụ nội xúc nếp cho vào cối. Việc giã nếp rất cực, rất mỏi tay, vì nếp dẻo quánh, dính chặt vào chày.

Chúng tôi tranh nhau giã được vài cái đã nhăn nhó nhường lại cho nội. Khi nếp đã được giã mịn, nội cho vào ít nước cốt dừa, chút muối, đường và mè rang thật thơm… rồi trộn đều. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kế đến là công đoạn ép bánh. Từng cục bột được ép mỏng giữa hai tấm thớt, rồi trải lên tấm liếp đan bằng lá dừa để phơi khô. Chúng tôi luôn dành vài cục bột để làm những chiếc bánh cho riêng mình. Không cần cân đo, vậy mà nội tôi vẫn ép được những miếng bánh rất đều nhau. Trong khi bánh của chúng tôi làm, cái thì to, cái thì nhỏ xíu, cái mỏng, cái dày, chủ yếu là phá cho vui, nhưng nội vẫn không rầy la.

Sáng mùng một tết, sau khi thắp nhang cúng tổ tiên, chúc tết ông bà nội và ba mẹ, đám con nít chúng tôi liền háo hức chạy ra sân gom lá khô, rơm rạ để đốt, chuẩn bị nướng bánh phồng. Nội tôi dùng hai nẹp tre được chẻ từ hai khúc tre tươi (phải dùng tre tươi để không bị cháy) kẹp miếng bánh phồng vào giữa. Lửa cháy đượm, nội đưa nẹp bánh vào trở qua trở lại trên lửa thật đều tay. Chiếc bánh mỏng nhỏ xíu bằng cái đĩa, từ từ phồng lên, to bằng chiếc nón lá. Chúng tôi bu quanh đống lửa, thích thú nhìn chiếc bánh trong tay nội “giãy giụa”, biến hóa to lớn như có phép thuật. Những chiếc bánh nóng giòn thơm phức, béo ngậy được chúng tôi giành nhau nhai rao ráo rất ngon lành.

Năm nào bánh phồng nở to, tròn đầy, nội tôi cũng mãn nguyện vì biết chắc năm mới sẽ may mắn, phúc lộc đầy nhà. Tết đến, nhà nào cũng có món bánh phồng để khách ăn chơi, để khoe khéo với xóm giềng, và nhất là để lũ con nít đang tuổi ăn tuổi lớn ăn cho đã thèm. Trong không khí xuân lành lạnh, cả nhà xúm xít bên bếp lửa hồng ấm áp, cùng ăn món bánh thơm giòn nóng hổi thật là ngon.

Mấy năm sau, nội tôi yếu nhiều. Muốn lũ trẻ có tết, mẹ tôi cũng bắt chước nội quết bánh phồng. Dù học hỏi kinh nghiệm từ nội, nhưng món bánh mẹ làm không thể khéo bằng của nội. Cầm chiếc bánh nướng chai ngắt, chỗ phồng chỗ xẹp, mẹ tôi buồn xo thở dài: “Bánh này coi dễ mà khó à nghen”.

Nội nằm trong nhà nghe mùi bánh nướng thơm lừng liền hỏi vọng ra: “Bánh nhà mình năm nay phồng đẹp không con?”. Không muốn nội buồn, chúng tôi phải nói dối nội rằng bánh phồng đẹp lắm, giòn lắm. Chắc chắn sang năm nội sẽ khỏe lại, nhà mình sẽ lại có bánh phồng để ăn, để gặp được nhiều may mắn…

Tết bây giờ hiếm thấy nhà nào quết bánh phồng. Thỉnh thoảng bắt gặp ở một góc chợ quê, một chiếc lò than đang đỏ lửa nướng bánh phồng. Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, nghe mùi bánh nướng thơm lừng, chợt rưng rưng nhớ những mùa xuân xưa còn nội ở bên…

Thuỳ Gương

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI