Bánh nhiều bao nhiêu vẫn ít

26/08/2022 - 06:15

PNO - Đi đám giỗ quê xưa, người ta không mang bao thư tiền mà chỉ là lít rượu, con gà hay ký thịt, có khi vài trái xoài, trái bưởi vườn nhà.

“Đám giỗ vẫn gói bánh ít như hồi xưa ngoại gói hử cậu?”, em tôi hỏi. Hơn nửa đời tha hương nơi đất khách, câu hỏi bất ngờ của em tôi khiến cậu mợ, dì và mấy chị em họ ngẩn người nhìn nhau. Tôi hiểu ánh mắt của mọi người. Hình như đã lâu, đám giỗ nhà tôi cũng như đám hiếu hỉ khắp miền Tây Nam bộ không còn nhiều nhà gói bánh ít nữa.

Dì Hai tôi cười cười. “Gói bánh chứ con! Gói chứ! Mai nhà mình gói bánh!”. Dì khẽ quay đi, giọng nhỏ dần như tiếng nghẹn. Mọi người lặng im, ai nấy dường như đang nhìn thấy cái bóng gầy gầy trong chiếc áo bà ba ngắn tay, cái búi tóc củ tỏi màu muối tiêu, vẻ mặt hiền từ của ngoại. Ngoại ngồi đó, giữa bộ đi-văng thoăn thoắt bắt bột cho các dì các mợ gói bánh ít.

Ký ức của gần nửa thế kỷ trước, lúc nào có dịp trỗi dậy là trào dâng trong chúng tôi những cảm xúc không sao diễn tả được. Trên vùng quê nghèo khó và thiếu thốn ấy, đám giỗ như ngày hội của cả dòng họ, làng xóm. Trước đám giỗ ba, bốn ngày, phải rọc lá chuối đem về phơi qua nắng sao cho vừa héo tới. Lau lá cho sạch, xé ra những miếng lành, to và đẹp để bên ngoài. Lá hơi xấu nhỏ, có khi có vài chỗ rách để bên trong.

Tôi nhớ, câu thành ngữ “Lá lành đùm lá rách” được hiểu một cách thông suốt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là do ông nội giảng giải lúc nhà gói bánh ít đám giỗ. Rồi nạo dừa khô thắng để lấy dầu dừa, dầu phải mới cho bánh được thơm. Nếp, đậu xanh chọn loại ngon nhất ngâm từ đêm trước. Hôm gói bánh, đàn bà trong nhà dậy trước khi gà gáy thật lâu. Người xay bột bằng cối đá, người đãi vỏ đậu xanh, người nạo dừa xào nhân bánh. Tiếng lầm rầm, tiếng xoong chảo chạm vào nhau, tiếng hỏi tiếng thưa bao bọc lấy bọn trẻ mơ mơ màng màng mê ngủ chúng tôi. Không chỉ suốt những ngày cũ thân thương ấy mà đến cả bây giờ, khi tóc đứa nào cũng lấm tấm sợi bạc, không khí ấy vẫn chờn vờn vỗ về như cái xoa lưng vuốt tóc của mẹ, của ngoại.

Ngày ấy, quanh năm, trẻ con có mấy dịp được ăn quà bánh. Mỗi lần nhà ai trong xóm hay họ hàng có giỗ thì thể nào lũ trẻ cũng háo hức chờ bánh ít. Đi đám giỗ, người ta không mang bao thư tiền như bây giờ, mà chỉ là lít rượu, con gà hay ký thịt, có khi vài trái xoài, trái bưởi vườn nhà. Ai sang lắm mới đi bịch đường hay gói bột ngọt, bịch bánh tây. Chủ yếu là quây quần tình làng nghĩa xóm, con cháu tưởng nhớ ông bà, kết nối tình thân.

Khi khách ra về, bao giờ cũng được gia chủ gói theo bọc bánh ít cho trẻ con ở nhà. Tôi còn nhớ như in cảm giác ngóng ông bà, ba mẹ đi đám giỗ về. Mấy chị em giành nhau cái bánh có râu hay không có râu - cách làm dấu để đánh dấu nhân dừa hay đậu xanh. Đứa được bánh nhân dừa là hả hê còn đứa được bánh đậu xanh thì mặt mũi méo xẹo. Trẻ con gần như đứa nào cũng thích vị ngọt ngọt béo béo của bánh nhân dừa, hơn là bánh đậu xanh.

Ngày nay, thế hệ trước đã già. Con cháu lớn lên đi xa hoặc làm công sở, giờ giấc không thoải mái. Trẻ con bây giờ không thiếu thốn và thích bánh ít như ngày xưa, nên đám giỗ cần bánh cúng ông bà, cậu dì tôi cũng đặt mua.

Rất lâu rồi, tôi mới lại thấy cảnh mấy chị tôi rọc, lau, xé nâng niu từng miếng lá chuối. Dì tôi ngồi co chân thoăn thoắt bóc từng miếng bột, bỏ nhân, vo thành viên tròn tròn, thấm dầu cho các chị tôi gói bánh. Những cái bánh hình tam giác, có cái mang râu có cái không, nằm ngay ngắn trên sàn như cảnh mười mấy chị em cùng một bà ngoại chúng tôi chen chúc trên chiếc giường xiêu vẹo trong mái lá ngày nảo ngày nao ở nhà ngoại.

Tiếng nói cười lẫn trong tiếng mùi dầu dừa thơm sực, tiếng gió đuổi nhau trên lá dừa xào xạc cùng với tiếng gáy trưa của chú trống choai nhà ai. Tôi như thể thấy mình là con bé của ngày cũ, tóc Maika, chân trần, tay cầm bánh chạy theo các anh các chị em hát bài đồng dao: “Bánh gì mình dẹt, nhưn tròn/ Tên là bánh ít, thảo thơm thì nhiều/ Bánh gì ăn ít mà nhiều?/ Bánh gì cả thúng vẫn kêu chưa vừa?”.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI