“Tôi đã sống một cuộc đời đầy lưu lạc, đúng kiểu "ba chìm bảy nổi với nước non": Từ thiếu gia con nhà giàu; trở thành người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời dưới chế độ diệt chủng Pôn Pốt; đến cuộc đào thoát khỏi tử thần, cuộc li hương ròng rã suốt một tháng trời để qua được bên kia biên giới, làm cu-li đúng nghĩa ở Sài Gòn với đủ thứ nghề, miễn sao được sống; rồi bây giờ, trở thành “vua bánh mì”, một trong 28 thợ bánh mì nổi tiếng nhất thế giới.
Trong thâm tâm, tôi vẫn luôn muốn nói hai từ "Cảm ơn" với Việt Nam vì đã cho tôi một số phận, một cuộc đời mới. Bánh mì thanh long là một trong những món quà mà tôi dành tặng cho Việt Nam - đất nước đã cưu mang tôi trong những tháng ngày cơ cực nhất của cuộc đời”, ông Kao Siêu Lực (64 tuổi), người Campuchia gốc Hoa, chủ hệ thống cửa hàng ABC nổi tiếng - “cha đẻ” của những chiếc bánh mì thanh long đang “gây bão” tại TPHCM trong những ngày qua - chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM.
|
|
Bánh mì thanh long sản xuất không kịp, người tiêu dùng vẫn xếp hàng chờ để mua - Ảnh: Đ.D |
|
Trái thanh long “lênh đênh”, “tội nghiệp”
Sau khi thông tin ở TPHCM có bánh mì thanh long, ngay lập tức, loại bánh mì đặc biệt này trở thành chìa khóa “hot” nhất trên các diễn đàn mạng cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng trong suốt mấy ngày trở lại đây. Tại chi nhánh trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), ngay trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 lẽ ra khiến người ta e ngại, lại diễn ra một khung cảnh chưa từng có, đó là người dân xếp hàng mua bánh mì thanh long từ sáng tới chiều, những mẻ bánh ra lò liên tục cũng không đủ cung cấp.
“Xưa giờ chỉ nghe bỏ ra vài ngàn đồng/kg để giải cứu thanh long, giải cứu dưa hấu… Lần đầu tiên nghe có loại bánh mì giải cứu thanh long cho bà con nông dân nên tui muốn tới mua ủng hộ. Quý cái tình của người làm bánh quá nên dù có xếp hàng rồng rắn mới mua được, tui cũng không nề hà”, chị Hương, ở quận Bình Thạnh chạy xe máy lên tận quận 5 - chia sẻ.
Ông Kao Siêu Lực, “cha đẻ” của loại bánh mì này cũng không ngờ lại nhận được sự ủng hộ rất lớn từ mọi người như vậy.
Hai tuần trước, ông đi công tác Vĩnh Long, thấy thanh long chín đầy ruộng, nghe nông dân kể không xuất được hàng đi Trung Quốc, có 300 container thanh long do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đang ách tắc lại ở biên giới. Thanh long rớt giá đã đành, có khi, còn không có ai mua nữa.
“Sao tôi thấy người nông dân mình khổ quá. Lúc đó, tôi không biết phải giúp họ làm sao. Trên xe về lại thành phố, những ánh mắt của bà con cứ ám ảnh, thôi thúc tôi làm một điều gì đó. Ý tưởng làm bánh mì thanh long chợt lóe lên; ngay sáng hôm sau, tôi triệu tập gia đình, anh em trong công ty xây dựng kế hoạch; mọi người đều nhiệt liệt ủng hộ”, ông Kao Siêu Lực nhớ lại.
|
Những chiếc bánh mì thanh long gây bão suốt mấy ngày qua - Ảnh: Đ.D |
Sau hai ngày mày mò nghiên cứu, mẻ bánh đầu tiên ra đời nhưng thất bại. Không nản lòng, ông tiếp tục nghiên cứu, làm mẻ bánh thứ hai thì thành công. Tôi hỏi cảm xúc khi cầm những chiếc bánh mì thanh long đầu tiên đã thành hình trên tay, ông Lực nói rằng, ông rất vui mừng vì những trái thanh long “lênh đênh”, “tội nghiệp” ấy giờ đây đã trở thành những ổ bánh mì không chỉ đẹp mắt mà còn giàu chất dinh dưỡng, giá cả hợp túi tiền người tiêu dùng.
“Khi cầm chiếc bánh mì trên tay, tôi nghe được cả mùa vụ của bà con nông dân đang "chảy" trong đó. Điều đó khiến tôi phải suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn nữa: Sau đây, tôi sẽ làm gì với những “thức quà” nông sản khác của Việt Nam?”.
Tôi đoán hôm đó, mọi người trong công ty ông đã có một ngày trọn vẹn; vì khi chào đón mẻ bánh ra lò thành công, họ mới ôm nhau hạnh phúc như thế.
“Cha đẻ” bánh mì thanh long tiết lộ, khi làm thử lần đầu, ông chỉ sử dụng 1,5kg bột, làm thủ công bằng tay. Lần 2, sử dụng 10kg. Sau đó, tăng lên 25kg. Sau khi tung ra thị trường, cung không đủ cầu nên ông phải sử dụng máy với công suất lớn hơn, 1 giờ đồng hồ cho ra 6.000 chiếc bánh. Lúc đầu, ông dự trù một ngày giải phóng được 200kg thanh long cho bà con nhưng với sức mua và sức làm hiện tại, có thể giải phóng tới hơn 1 tấn thanh long/ngày. Hiện tại, đối tác ở Nhật Bản đã liên hệ để bàn chuyện hợp tác về loại bánh mì mới này.
Sau khi thành công với sản phẩm đầu tiên dùng nguyên liệu là trái thanh long thay cho nước (60% thanh long, 40% nước) để làm bánh mì baguette, ông Kao Siêu Lực tiếp tục thử nghiệm và cho ra đời thêm bánh mì thanh long khoai môn, bánh thanh long phô mai và hứa hẹn sẽ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm từ trái thanh long trong hai tháng tới. Ngoài ra, ông cũng đang chú ý tới những nông sản khác như sầu riêng, bơ…
|
Ông Kao Siêu Lực cho biết, từ dự trù giải phóng được 200kg thanh long/ngày cho bà con nay đã đạt hơn 1 tấn/ngày - Ảnh: Đ.D |
Triết lí chia sẻ
Thông thường, ai cũng muốn giữ bí mật kinh doanh, để khác biệt và phát triển. Ông Kao Siêu Lực khác. Ông sẵn sàng chia sẻ công thức làm loại bánh mì này cho các tiệm bánh để có càng nhiều người làm càng tốt.
“Trong cuộc đời này, cái gì xài mãi cũng hết. Làm hoài thì sẽ có hoài. Yên tâm, chẳng mất đi đâu mà sợ. Nếu chỉ có một mình làm, giới hạn cũng chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Một mình ABC sẽ không thể tạo nên một điều gì ý nghĩa lớn cả. Ở đây, không chỉ là câu chuyện thương hiệu của ABC hay một doanh nghiệp nào đó, mà còn là câu chuyện thương hiệu Việt Nam, câu chuyện cộng đồng chung tay giải cứu nông sản Việt trên một chiến lược lâu dài, bền vững và ổn định”, ông Lực nói.
"Tôi là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, nước ngoài hỏi công thức tôi còn chỉ huống chi là người trong nhà" - "vua" bánh mì nói.
Khi nói chuyện, tôi để ý có một vết sẹo nhỏ trên ngón út của ông. “Bị liềm cắt đấy. Chuyện mấy chục năm rồi. Hồi đó, tôi cũng là nông dân chính hiệu, trồng lúa giỏi có tiếng. Cũng là nông dân nên tôi hiểu lắm nỗi vất vả của bà con”, ông hóm hỉnh.
Tôi hỏi, theo ông, con buôn và doanh nhân khác nhau ở đâu? Văn hóa kinh doanh thể hiện qua câu chuyện bánh mì thanh long như thế nào? Ông cười một cách sảng khoái. Có lẽ, con buôn chỉ dừng lại ở việc mua đi bán lại nhằm kiếm lời, chộp giật; còn doanh nhân là những người tạo ra giá trị cho cộng đồng thông qua việc kinh doanh của mình. Triết lí và văn hóa kinh doanh của ông Kao Siêu Lực gói trọn trong hai từ: Chia sẻ. Ông chia sẻ nỗi vất vả với người nông dân; ông chia sẻ công thức với đồng nghiệp; người tiêu dùng chia sẻ với doanh nghiệp cũng là chia sẻ với nông dân; ông chia sẻ giá trị Việt Nam ra thế giới.
|
Giơ vết sẹo trên ngón út, ông Lực nói ông cũng là nông dân nên thấu hiểu nỗi vất vả của bà con - Ảnh: Đ.D |
Lời cảm ơn Việt Nam
Ít ai biết, trước khi trở thành ông chủ của bánh mì Đức Phát nổi tiếng Sài Gòn một thời, một trong 28 thợ bánh nổi tiếng nhất thế giới rồi chủ nhân của ABC ngày nay, ông Kao Siêu Lực có một cuộc đời đầy sóng gió và không kém phần li kì.
Cha mẹ ông vốn là người gốc Hoa, điều hành hai cửa hàng tổng hợp ở Phnom Penh cho đến khi Khmer Đỏ tràn vào thành phố vào năm 1975, bắt đầu một chế độ khủng bố kéo dài bốn năm. 11 thành viên của gia đình ông được chuyển đến một trang trại tập thể với hơn 130 gia đình khác trong một ngôi làng xa thành phố. Từ thiếu gia, ông Kao Siêu Lực trở thành người nông dân đúng nghĩa. Cuối năm 1978, gia đình ông cùng hàng ngàn người Campuchia khác trốn sang Việt Nam. Đó là quãng đường dài hơn 200km, đi bộ suốt một tháng trời, với một chiếc nồi và một ít gạo, trải qua các trại tị nạn ở Tiền Giang, Bến Tre, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương)… rồi đến TPHCM năm 1979.
|
Ông Kao Siêu Lực bưng mẻ bánh thanh long phô mai, còn gọi là thanh long núi lửa mới ra khỏi lò - Ảnh: Đ.D |
“Có người hỏi tôi lập nghiệp bằng cách nào? Tôi nói: Bằng ba không. Đó là: Không bà con, bạn bè thân thích ở Việt Nam; không tiền bạc, tài sản ở Việt Nam. Đến cái quần mặc còn lủng hai cái lỗ gió tràn vào, nói gì tài sản. Ba là không biết nói tiếng Việt” – ông Lực hài hước.
Khó khăn lắm, ông mới kiếm được một công việc cu-li. Nhưng vì người ta nói mà ông không hiểu, họ sai ông làm mà còn cực hơn họ làm nên đã cho ông nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên đi làm. Ngày thứ 2, ông làm phu kéo xe đẩy ở Bến xe miền Tây. Cũng vì không biết tiếng, muốn xin thêm tiền công cũng không biết nói sao, đành phải ngửa tay ra xin mà người ta cũng không cho.
“Tại sao tôi phải tới mức này? Ở Campuchia, tôi cũng là thiếu gia chớ bộ. Sao ở đây, lại khổ vậy?” – ông kể, lúc đó, ông cũng hoang mang, không biết có nên tiếp tục ở đây hay quay về? “Khi sang Việt Nam, tôi cũng không hi vọng làm ông này hay bà nọ, chỉ hi vọng được sống sót, một ngày ăn hai bữa cơm thôi. Chẳng cần biết ngày mai, tương lai ra sao. Có trải qua những khoảnh khắc cận kề cái chết, mới hiểu, khát khao được sống mạnh mẽ như thế nào” – ông Lực nói. Ông đã sống ở Việt Nam bằng ý chí đó.
Sau đó, ông làm đủ thứ nghề khác nữa cho tới năm 1984, gầy dựng được một tiệm bánh mì nhỏ tên là Đức Phát. Hiện nay ông nói được 6 thứ tiếng: tiếng Trung Quốc phổ thông, tiếng Quảng Đông, tiếng Triều Châu, tiếng Anh và tiếng Việt.
|
"Chiếc bánh mì thanh long là món quà tôi muốn dành tặng Việt Nam" - Ông Kao Siêu Lực chia sẻ - Ảnh: Đ.D |
Tôi hỏi, là người Campuchia gốc Hoa nhưng có gần nửa thế kỉ sống, lập nghiệp ở Việt Nam, giờ đây ông cảm thấy mình là người nước nào? Ông nói mà không cần phải suy nghĩ, băn khoăn: “Là người Việt Nam chớ. Đi đâu mà thấy lá quốc kì, tôi cũng vui lắm”. Vừa nói, ông vừa chỉ hình ảnh lá cờ in trên chiếc áo đồng phục mà ông đang mặc.
“Việt Nam có ơn với tôi. Tôi lúc nào cũng tự nhủ với lòng mình rằng, tôi phải trả ơn cho đất nước đã cưu mang mình. Nếu không có Việt Nam, có lẽ không có Kao Siêu Lực như bây giờ. Khi những người trong gia đình tôi qua đời, mồ mả cũng được chôn cất trên đất này. Việt Nam – nói theo một cách nào đó, đã là quê hương thứ hai của tôi. Một quê hương đất lành chim đậu. Chiếc bánh mì thanh long này, là món quà, tôi dành tặng Việt Nam. Xin cảm ơn Việt Nam”.
Đậu Dung