Sài Gòn ngày nay vẫn còn các xe hàng rong, chạy khắp phố, rao “bánh mì Sài Gòn đê!”. Và không có hình ảnh nào mở ra tinh thần chia sẻ của cộng đồng người Sài Gòn nổi bật hơn những chiếc thùng bày bên lề đường, biếu không những ổ bánh mì cho bất cứ ai cần đến chúng.
Ngày xưa, nếu một sáng nào đó, bạn muốn đổi món điểm tâm bằng việc chọn bánh mì, có nghĩa là bánh mì luôn được lưu trong bộ nhớ ẩm thực của bạn, như món phở, cháo lòng, hủ tíu, bún bò...
Không bàn đến chuyện bánh mì đôi lúc bị cho là món theo gót thực dân, chỉ riêng quá trình bánh mì vượt qua hàng rào kỳ thị vì có gốc từ xứ Tây cũng đáng nể. Người Việt, nhất là người nông thôn, ăn bánh mì, không còn thấy đó là món “mắc nghẹn muốn chết”, mà lại thấy: “Thèm bánh mì quá, ghé chợ mua giùm một vài ổ coi bây!”.
Sài Gòn - TP.HCM hôm nay là thiên đường ẩm thực, là nơi châu tuần của thức món trăm miền. Vậy đâu là món ăn Sài Gòn chánh hiệu, để hễ gọi tên nó, thì dứt khoát Sài Gòn hiện ra từ… miệng, gợi nỗi nhớ tái tê, vừa như một bảo chứng dù có “trăm hoa đua nở” thì món ăn hay chính là hồn cốt người Sài Gòn vẫn không đổi thay?
Liệu có tranh cãi được không, khi đây, ba món đặc sản không lẫn vào đâu được: cơm tấm, bánh mì và trà đá, từ đậm đà đến mát lành như gan ruột người miền Nam… Ba món đó như kiềng ba chân, neo tâm thức Sài Gòn dẫu qua bao biến động, vẫn hoài nguyên không chút sứt mẻ.
|
Người bình dân Sài Gòn trước đây thường ăn bánh mì nóng, để trong bội cần xé, đậy bằng bao bố hoặc giấy dầu. Thuở ấy, khắp các con hẻm Sài Gòn, sáng chiều lúc nào cũng có những người đàn ông khòm lưng trên xe đạp rao, “bánh mì nóng hổi đây”. Con nít vẫn thích móc ruột bánh mì ăn trước, còn người lớn thì khoái ăn vỏ bánh giòn giòn.
Nhưng ăn bánh mì không hoài cũng ngán nên dân lao động chế ra món bánh mì chấm nước tương. Cái chén nước tương rắc chút tiêu xay, nặn chút chanh đúng là chấm bánh mì ăn “ngon bá phát”. Tất nhiên, trong các món bánh mì giản dị nhưng lại thành ký ức khó phai của dân đô thành Sài Gòn và phố tỉnh miền Nam còn có món bánh mì chấm đường cát, bánh mì rưới sữa bò hiệu Ông Thọ, Kim Cương.
Đến thời đói kém sau chiến tranh, nhiều người phải xếp hàng chầu chực để mua bánh mì với bột mì, hẳn sẽ không quên cám ơn cái chất bột được du nhập này đã đỡ đần bụng dạ biết bao lương dân.
Giờ thì người Sài Gòn ăn vịt quay của người Hoa Chợ Lớn với bánh mì, với món cà-ri Ấn Ðộ cũng đòi có bánh mì để chấm. Trước đây, ở một số tiệm phở bình dân của người Bắc di cư, có những thực khách đến ăn phở mà tay cầm thêm ổ bánh mì. Có người cho chuyện ăn phở chấm bánh mì là vì người lao động cần ăn no, nên thêm bánh mì để “dằn bụng”.
Nói như vậy là sai. Đâu có ai chấm bánh mì với nước bún riêu. Phải tin rằng, khẩu vị người Việt tinh tế lắm, cái bánh gốc Tây này phải hợp khẩu vị lắm người ta mới dùng nó chung với món phở quốc hồn quốc túy.
|
Đến Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ăn bánh mì kiểu Việt |
Một trường hợp khác là món bánh mì chả lụa rắc muối tiêu, ngò rí. Hoàn toàn không có gì sai khi gọi món bánh mì là món đa văn hóa. Với các món gốc Hoa thì có bánh mì heo quay, xá xíu, xíu mại... Các món gốc Ấn thì có bánh mì cà-ri gà, cà-ri vịt, cà-ri dê.
Với các món Việt thì có bánh mì chả lụa, chả cá, bì heo mỡ hành, bò kho... Còn nếu kẹp các món có gốc lai Tây hoặc Mỹ thì có vô vàn, nào là bánh mì ốp-la, pa-tê, phô-mai, giăm bông, thịt nướng, xúc xích…
Nhiều người thắc mắc vì sao người Việt chỉ khoái ăn bánh mì Tây kiểu nướng cứng giòn, dẫu đã du nhập đủ loại bánh mì, trong đó có cả bánh mì Nga. Có lẽ đó là mối duyên tiền định: bánh mì cứng của Tây đã thành dòng thành họ bánh mì Việt rồi, chẳng thay đổi được nữa.
Người viết đã từng hết sức ngạc nhiên khi thấy tận bên Mỹ, người Việt mình vẫn cứ khoái ăn bánh mì cứng theo kiểu Việt. Có lẽ nhờ vậy mà những thương hiệu bánh mì Việt trên đất Mỹ hay ở các xứ khác có cơ hội chứng minh và đóng góp cho thế giới cái kiểu ăn bánh mì ngon lành của Việt Nam.
Trần Tiến Dũng