Muốn được là một phần của Sài Gòn
Anh Hoàng Huy (33 tuổi, quê Hải Phòng) và các cộng sự tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho bà con gặp hoàn cảnh khó khăn tại Sài Gòn trong mùa dịch. Từ ngày 1/7, anh và những người bạn trong ngành vận tải gom góp mua 100 cái bánh mì để tặng những người nghèo trên hè phố. Chỉ 15 phút sau khi lăn bánh, giỏ bánh mì trống trơn.
Sang ngày thứ hai, vì muốn giúp nhiều người hơn, nhóm của anh chuẩn bị số lượng bánh gấp ba lần, nhưng mới chạy được nửa đoạn đường dự kiến, chẳng còn chiếc bánh mì nào trên xe mà người khó khăn còn quá nhiều. Thế rồi, công ty “siêu lợi nhuận” Bánh mì Sài Gòn 0 đồng ra đời.
|
Anh Hoàng Huy bên chuyến xe Bánh mì Sài Gòn 0 đồng trước giờ xe lăn bánh |
“Trước đây, chúng tôi không gần với cuộc sống như thế. Mỗi sáng, chúng tôi quần là áo lượt đi làm, tối đến lại xập xình quán xá. Những ngày chưa có dịch bệnh, sự ồn ã, hào nhoáng che lấp những phận đời khốn khó lẩn khuất đâu đó. Thỉnh thoảng, tôi có thấy những người ăn xin, bán vé số nhưng không nhiều hoặc tôi ở những nơi không thể thấy bóng dáng của họ. Còn bây giờ, Sài Gòn như một người ốm đang co ro kéo lại chiếc chăn, càng kéo thì càng để lộ ra những mảnh đời cơ cực. Khi mọi người đều muốn về nhà để an toàn thì những người còn ở ngoài đường là những người cùng khổ”, anh Hoàng Huy chia sẻ.
Thương những hoàn cảnh chật vật trong đại dịch, lần đầu tiên trong đời, anh Hoàng Huy đứng ra kêu gọi mọi người trao niềm tin để anh có thể… start-up với công ty “siêu lợi nhuận” Bánh mì Sài Gòn 0 đồng, trao cho bà con lúc khốn khó. 100.000 đồng, 300.000 đồng, vài triệu đồng… những người quen có, lạ có bắt đầu đóng góp. Tới giờ, con số quyên góp đã hơn 1,3 tỷ đồng quy đổi thành hai hình thức hỗ trợ.
Nhóm đã “bán” hơn 30.000 suất ăn và đưa nhu yếu phẩm đến hơn 100 xóm trọ (mục đích để bà con có cái ăn trong vòng một tuần, chờ có người khác đến hỗ trợ - PV). Anh Hoàng Huy lập ra Bánh mì Sài Gòn 0 đồng và tổ chức hoạt động như một công ty chuyên nghiệp với đủ các phòng ban từ nhóm hậu cần, vận tải, thu mua, kế hoạch tài chính… để hơn 20 con người hỗ trợ nhau tốt nhất, trao gửi có hiệu quả từng đồng của các nhà hảo tâm.
“Tôi hay gọi đùa nhóm Bánh mì Sài Gòn 0 đồng là một công ty và các nhà hảo tâm là những người rót vốn. Tôi muốn nói thế để làm nhẹ đi công việc tình nguyện mà chúng tôi đang làm. Chúng tôi cũng không gọi là cho hay tặng mà chúng tôi bán và giá bán là 0 đồng. Ở một thời điểm nào đó, họ có thể trả lại hoặc có thể tiếp tục “bán” miễn phí cho người khác như chúng tôi đã từng làm. Người Sài Gòn tự trọng, dù họ tàn tật, khiếm thị nhưng nếu ra đường được, họ vẫn đi bán vé số, vẫn hát rong và hiếm khi ngửa tay xin nên cách cho của chúng tôi phải khéo, phải chân thành, đủ tình cảm”, anh Hoàng Huy nói thêm.
|
Một nhóm khử khuẩn gặp xe Bánh mì Sài Gòn 0 đồng trên đường phố và chào nhau bằng ký hiệu yêu thương |
Công ty Bánh mì Sài Gòn 0 đồng xác định doanh thu sẽ mãi là số không tròn trĩnh nhưng lãi thu về là niềm vui, nụ cười của thực khách. Có những ngày, các tình nguyện viên vác gạo đến mỏi nhừ cả người, trở về nhà khi đã quá nửa đêm nhưng chỉ cần nhẩm tính hôm nay đã có bao nhiêu mảnh đời có bữa ăn ngon, bao người bớt lo cho một hai ngày dài sắp tới thì lòng đã đủ vui, đủ mãn nguyện.
“Việc làm này cho chúng tôi cảm giác được là một phần của Sài Gòn. Từ ngày mở dự án, chúng tôi thường nói với nhau rằng đây là lúc để con tim mình làm việc, nghĩa là thấy thương thì làm, thấy muốn giúp là giúp không suy nghĩ”, anh Hoàng Huy tâm sự.
Bánh mì, Sài Gòn và tuổi trẻ sôi nổi
Thật lạ! Trong nhóm Bánh mì Sài Gòn 0 đồng, không ai là dân Sài Gòn mà đều là dân nhập cư từ khắp miền đất nước. Họ đến Sài Gòn với nhiều lý do: học tập, mưu sinh, lập nghiệp, kết hôn… và ở lại. Với anh Hoàng Huy, Sài Gòn là vùng đất có tiếng cười, tiếng khóc, có những lời trêu ghẹo lẫn cái ôm ấm áp cuối ngày.
Năm 1993, tròn năm tuổi, cậu nhóc Hoàng Huy đến Sài Gòn cùng cha mẹ. Đó là chuyến đi xa đầu tiên trong đời. So với thành phố nhỏ xinh như Hải Phòng, Sài Gòn lung linh hệt một vương quốc trong cổ tích. Đến 5 năm sau, một lần nữa, Hoàng Huy trở lại Sài Gòn cùng bố sau khi mẹ qua đời. Chọn sống ở một thành phố khác để hai bố con quên đi nỗi đau mất người thân nhưng chỉ hai năm sau, cả hai về lại thành phố cảng. Bẵng đến 16 năm không gặp lại, năm 2015, dòng đời xô đẩy đưa anh về lại thành phố nhiều kỷ niệm và cũng từ đó “Tôi biết mình thuộc về Sài Gòn”, Hoàng Huy nói.
Sài Gòn và người Sài Gòn với “ông chủ” công ty Bánh mì Sài Gòn 0 đồng không chỉ là địa danh xuất hiện trên hộ khẩu hay căn cước công dân đơn thuần mà nói đến người Sài Gòn là nói đến một phong cách, một lối sống bao dung, có nghĩa có tình. Cứ sống hệt như những gì anh vừa nói thì tự khắc đến một ngày nào đó, bạn trở thành người Sài Gòn lúc nào không hay.
“Sài Gòn trong ký ức của tôi thật lung linh nhưng không phải lúc nào cũng náo nhiệt, ồn ã như những gì người ta nghĩ. Có lúc, Sài Gòn cũng ngã bệnh như hiện tại. Sài Gòn cũng cần được cảm thông, được thương vì đã phải gánh gánh, gồng gồng quá lâu. Đừng nói nặng với thành phố lúc này bởi như vậy là thiếu tình thương và cũng chưa thấu hiểu về cách sống của người Sài Gòn”, anh Hoàng Huy chia sẻ.
Tên gọi Bánh mì Sài Gòn 0 đồng cũng xuất phát từ tình thương khó diễn tả trọn vẹn bằng vài ba câu. Chỉ biết rằng trong ký ức của anh Hoàng Huy, những ngày sống tại thành phố hoa phượng đỏ, tiếng rao “Bánh mì Sài Gòn, một ngàn một ổ/Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon” là một thanh âm sống động của tuổi thơ. Những đứa trẻ miền Bắc ngày ấy nghe tiếng rao là túm tụm chạy đến để hít hà chút dư vị của thành phố xa xôi. Lớn lên, nhiều người di trú vào Nam lại càng khẳng định bánh mì là món ăn không thể thiếu mỗi khi nhắc về ẩm thực Sài Gòn.
“Bánh mì là món ăn bình dân, gần gũi với cuộc sống của người dân lao động Sài Gòn. Nhắc Hà Nội, người ta nhớ đến phở còn nhắc đến Sài Gòn, bánh mì là món trứ danh. Bánh mì không chỉ là niềm tự hào của người dân Sài Gòn mà còn là món thực phẩm dễ trao gửi, dễ ăn, không cần chế biến cầu kỳ. Bánh mì cũng gần với phương châm của nhóm chúng tôi là kịp thời mang đến một bữa no cho bà con. Từ đó, chúng tôi biến tấu một chút câu rao ngày xưa thành “Bánh mì Sài Gòn, 0 đồng một ổ/ Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thương nhau”, anh Hoàng Huy nói thêm.
Ông chủ và các nhân viên công ty Bánh mì Sài Gòn 0 đồng vẫn ngày đêm miệt mài trao gửi tình thương đến bà con. Ai trong nhóm cũng được trang bị đồ bảo hộ vì phía sau họ vẫn còn gia đình - những người luôn ủng hộ việc làm tình nguyện nhưng cũng cần họ bình an trở về. Như anh Hoàng Huy, mỗi lần anh đi là mỗi lần bố anh lo lắng, gọi điện hỏi thăm liên tục để chắc rằng con mình vẫn an toàn. Các thành viên của nhóm là những người dũng cảm bởi dũng cảm không phải là không biết sợ mà dũng cảm là biết sợ nhưng vẫn lên đường.
Mỗi người một lý do để đồng hành cùng chuyến xe Bánh mì Sài Gòn 0 đồng - vì lòng trắc ẩn, nghĩa đồng bào, vì tình thương dành cho Sài Gòn… - nhưng đơn giản hơn, hãy cứ đi để khi trở về nhà sau một ngày dài, cởi bỏ lớp bảo hộ, đặt lưng lên chiếc giường quen thuộc và nghĩ về những đôi mắt cười hạnh phúc…
Diễm Mi