Bánh kẹo tẩm chất gây nghiện, mối nguy đối với trẻ em

07/12/2022 - 06:48

PNO - Thoạt nhìn, sản phẩm trông giống như một túi kẹo hoặc đồ ăn nhẹ mà trẻ em ưa thích. Nhưng bên trong, chúng có thể chứa thành phần gây nghiện nguy hiểm cho sức khỏe.

 

Các sản phẩm chứa hoạt chất gây nghiện có thể trông giống bánh kẹo trẻ em, từ đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho trẻ - Ảnh: Kẹo dẻo gấu và cần sa khô - Getty Images
Các sản phẩm chứa hoạt chất gây nghiện có thể trông giống bánh kẹo trẻ em, từ đó dẫn đến nguy cơ ngộ độc cho trẻ - Ảnh: Kẹo dẻo gấu và cần sa khô - Getty Images

Ngụy trang thành bánh kẹo trẻ em

Theo một nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Sức khỏe bang Oregon (Mỹ), số vụ trẻ em và thanh thiếu niên cần hỗ trợ y tế vì vô tình hoặc cố ý sử dụng cần sa đã tăng 245% trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2020, với mức tăng lớn nhất vào những năm 2017-2020.

Alok Patel - bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Stanford Children's Health, bang California - cho biết: “Thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận cần sa dưới nhiều hình thức, như mua tại cửa hàng, từ bạn bè, người thân hoặc qua giao dịch trực tuyến”. Các cuộc gọi phản ánh về các chế phẩm cần sa ăn được chiếm tỉ lệ gia tăng cao nhất trong số những cuộc gọi đến các trung tâm chống độc tại Mỹ. 

Tháng Mười một vừa qua, cảnh sát bang New York đã nhắc nhở các bậc cha mẹ kiểm tra số bánh kẹo mà con cái họ nhận được trong dịp lễ Halloween, sau khi 1 đứa trẻ 5 tuổi phải nằm viện vì ăn kẹo dẻo tẩm cần sa.

Trong cùng khoảng thời gian, một đứa trẻ ở thành phố Richmond, Canada được đưa đến bệnh viện vì ăn kẹo Halloween tẩm THC (hợp chất kích thích thần kinh có trong cần sa). Kẹo dẻo tẩm cần sa là sản phẩm phổ biến dành cho người lớn, nhưng chúng cũng có thể bắt chước bao bì bánh kẹo của trẻ em. Vì thế, các bậc cha mẹ nên đọc nhãn sản phẩm cẩn thận để đảm bảo rằng con mình đang ăn kẹo thật. 

Đáng quan tâm, những kẻ xấu có thể cố tình phát kẹo bánh chứa chất gây nghiện cho trẻ. Jocelyn Cordeiro - một người mẹ ở thành phố Winnipeg, Canada - đã vô cùng sốc khi cô con gái 9 tuổi tìm thấy kẹo tẩm THC trong giỏ quà Halloween. Cordeiro kể: “Con bé cầm túi kẹo lên xem rồi hỏi “Thời gian tác dụng là 60 phút - điều đó nghĩa là gì vậy mẹ?”. Gói kẹo chắc chắn sẽ không thu hút sự chú ý của tôi nếu con bé không đọc những gì ghi trên bao bì”.

Danielle Ompad - phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Toàn cầu thuộc Đại học New York (Mỹ) - cho biết, việc ăn phải dù chỉ một lượng nhỏ sản phẩm chứa THC cũng đủ sức làm trẻ bị sốc. Theo giáo sư Ompad, hiện hầu hết sản phẩm chứa chất gây nghiện với bao bì bắt chước bánh kẹo trẻ em không in tên nhà sản xuất, bởi ai cũng có thể mua các bao bì rỗng làm giả, nhái các nhãn hiệu đồ ăn nhẹ và kẹo bánh với số lượng lớn từ internet.

Riêng những nhà sản xuất bánh kẹo lớn trên thế giới như Mars Wrigley, Hershey, Mondelez và Ferrara Candy đã tiến hành các hành động pháp lý chống lại một số công ty công khai bán sản phẩm chứa chất gây nghiện nhái thương hiệu của họ. Dù vậy đây chỉ là phần nổi của tảng băng. 

Người lớn phải cùng nhau bảo vệ trẻ

Trong nghiên cứu của Đại học Khoa học và Sức khỏe bang Oregon, nhóm tác giả nghi ngờ sự gia tăng nhanh chóng các báo cáo về việc trẻ em sử dụng cần sa có thể liên quan đến việc hợp pháp hóa cần sa tại Mỹ trong những năm gần đây. 

Vào tháng 6/2022, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa. Từ đó, hàng trăm cửa hàng cần sa mọc lên, bao gồm các quầy thuốc di động và quầy hàng trên đường phố. Những nơi này bán vô số loại cần sa, cũng như các sản phẩm bánh kẹo tẩm hoạt chất cần sa. Điều này dẫn đến sự bùng nổ số vụ sử dụng cần sa trong thanh thiếu niên, và các phương tiện truyền thông cảnh báo về nguy cơ những người trẻ tuổi phải nhập viện sau khi tiêu thụ sản phẩm chứa chất gây nghiện.

Nhiều nhà hoạt động xã hội hiện đang kêu gọi Chính phủ Thái Lan đưa ra những hạn chế khắt khe hơn. Trong một động thái nhằm giảm bớt áp lực, chính quyền công bố một số quy định giúp làm rõ rằng cần sa không được bán cho trẻ em hoặc mua bán gần trường học và đền thờ, đồng thời đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt về lượng THC trong thực phẩm và thuốc.

Nhìn chung, cho đến khi việc mua bán sản phẩm chứa chất gây nghiện được kiểm soát tốt hơn bằng luật pháp, trách nhiệm bảo vệ trẻ em phụ thuộc nhiều vào người lớn. Shannon Nolte - Giám đốc dịch vụ phi học thuật của Học khu St. Joseph, Mỹ - nhận định: “Trường học phải giảng dạy về việc lạm dụng chất kích thích và tác hại của chúng. Đồng thời, nỗ lực chung của phụ huynh và cộng đồng là vô cùng cần thiết để tạo ra thông điệp nhất quán. Tất cả học sinh của chúng tôi cần phải biết những tác động mà sản phẩm chứa chất gây nghiện có thể gây ra”. 

Các nhân viên thực thi pháp luật địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này. Shawn Collie - chỉ huy của lực lượng chống ma túy quận Buchanan, bang Missouri, Mỹ - cho biết, điều quan trọng nhất có thể giúp tránh những tình huống đáng tiếc là đảm bảo rằng mọi người liên quan đều được thông tin đầy đủ. Các phụ huynh phải tìm hiểu và chia sẻ để con trẻ nhận thức được mối nguy tiềm tàng. 

Linh La
(theo CNN, Yahoo, The Diplomat, ABC, CBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI