Bánh giáng sinh truyền thống ngọt ngào ở châu Âu

22/12/2023 - 07:37

PNO - Cùng điểm tên món bánh yêu thích trong dịp Giáng sinh của người Pháp, Anh, Đức...

Người Pháp có bánh có hình khúc gỗ; người Anh làm bánh puding màu tối, có hình tròn; ở Đức có bánh mì trái cây làm từ các loại hạt được gọi là Dresdner Stollen; còn người Slovenia ăn bánh potica được xuất hiện vào 448 năm trước.

Pháp - Bûche de Noël

Đây là món tráng miệng tinh túy vào lễ Noel của người Pháp. Nguyên liệu chính gồm có: bột mì, trứng, đường, sữa, bơ, hạt cacao, vani, chocolate. Bánh được cuộn thành hình trụ tròn, phết lên kem, chocolate và tạo hình giống như vỏ cây. Sau đó, trang trí lên bánh những món như: quả mọng nước, chocolate bào, kẹo mềm, bánh quy hoặc mạng nhện, nấm meringue.

Bánh giáng sinh hình khúc gỗ này phổ biến vào thế kỷ XIX và được người Pháp làm với nhiều màu sắc, hương vị khác nhau. Ngày nay nó trở thành bánh Giáng sinh truyền thống nước Pháp. Ở Việt Nam, chiếc bánh này cũng được ưa chuộng vào ngày Noel.

Anh - bánh puding màu tối

Bánh pudding này là món tráng miệng chủ yếu trong bữa tối Giáng sinh của mỗi gia đình người Anh.

Ở các phiên bản đầu tiên, bánh có thịt bò hoặc thịt cừu, cùng với rượu, hành tây, trái cây sấy khô và gia vị. Ngày nay, bánh pudding Giáng sinh không có thịt mà thay vào đó là trái cây khô, trứng, mỡ, mật đường, rượu cùng với bột mì, vụn bánh mì và gia vị theo công thức riêng của mỗi gia đình. Sau đó, đem trộn thành một khối rồi cho vào khuôn và hấp trong vài giờ. Bánh pudding được bảo quản ở nơi tối và lạnh. Nó luôn được hấp nóng lên trước khi ăn.

Slovenia - bánh Potica

Potica là một loại bánh truyền thống thường được ăn vào lễ Giáng sinh và Phục sinh của người Slovenia. Có khoảng 60 loại potica với nhiều kiểu nhân khác nhau như: hạt óc chó, hạt phỉ, mật ong, phô mai, chocolate... Bánh có trong các nhà hàng và được bán tại siêu thị nhưng người Slovenia cho rằng potica tự làm vẫn là ngon nhất.

Món tráng miệng này xuất hiện từ năm 1575, lúc đó là bánh bột cuộn lại và chỉ dành cho giới thượng lưu. Theo thời gian, nó trở nên phổ biến và là một phần rất quan trọng của ẩm thực Slovenia. Rất thú vị là Potica được xuất hiện hai lần trên tem bưu chính của Slovenia - một quốc gia nhỏ ở Nam Trung Âu.

Đức - bánh Dresdner Stollen

Dresdner Stollen là loại bánh mì trái cây thơm của Đức gắn liền với lễ Giáng sinh. Nó bao gồm bột men bơ được tẩm gia vị và thường được đính kèm kẹo cam, vỏ chanh, nho, hạnh nhân ngọt và đắng, và vỏ chanh và các loại hạt. Bánh được phủ lên lớp đường bột trông đẹp mắt. Trọng lượng truyền thống của ổ bánh là khoảng 2kg, nhưng hiện nay kích thước bánh đã nhỏ hơn.

Bánh mì Giáng sinh truyền thống của Đức xuất hiện đầu tiên vào năm 1545 với thành phần gồm bột mì, yến mạch và nước. So với phiên bản cách nay 478 năm thì Stollen hiện đại đã sử dụng rất nhiều nguyên liệu.

Ý - Bánh Panettone 

Món bánh mì ngọt nổi tiếng của Ý thường được thưởng thức vào dịp Giáng sinh. Món ngon này thường được dùng với chocolate nóng, kem hoặc rượu trứng. Panettone được trao tặng cho nhau như món quà giữa bạn bè và gia đình. Bánh cũng được coi là tượng trưng cho một hành động tử tế và lời chúc cho một kỳ nghỉ vui vẻ.

Bánh có hình mái vòm này ra đời từ Milan và được làm từ rất nhiều nguyên liệu như: nho khô, việt quất khô, anh đào khô, vỏ cam, kẹo chanh, rượu rum cùng với bột mì, trứng, sữa, men nở, muối, đường. Ổ bánh được bán ở Ý có trọng lượng 1kg và cao từ 12-15cm.

Bồ Đào Nha - bánh Bolo rei

Bolo Rei còn gọi là bánh của vua. Đây là món tráng miệng chủ yếu của Bồ Đào Nha được ăn theo truyền thống trong dịp lễ Giáng sinh, từ ngày 25/12 đến ngày 6/1. Chiếc bánh tròn có lỗ ở giữa này thường được phủ đường kết tinh, trái cây sấy khô và các loại hạt.

Mặc dù có nguồn gốc từ Pháp nhưng Bolo Rei đã du nhập vào Bồ Đào Nha vào thế kỷ XIX.  

Thụy Sĩ - bánh Hefekranz

Hefekranz phổ biến khắp Thụy Sĩ vào dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh. Đây là bánh mì men hơi ngọt được tạo hình thành vòng hoa, có hương vị vỏ chanh và nhồi thêm nho khô. 

Người ta tin rằng hefekranz xuất hiện đầu tiên ở Thụy Sĩ vào năm 1256, cách chúng ta 767 năm.

Xuân Bình (theo TasteAtlas)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI