edf40wrjww2tblPage:Content
Mồ côi
Bà Hạnh đã dùng tình thương của người mẹ để nuôi đứa con riêng của chồng
Cách đây hơn một năm, vào ngày mùng Ba Tết năm 2013, mẹ bé Nguyễn Thị Phương (học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Quốc Tuấn, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) đột ngột qua đời. Nhớ lại chuyện cũ, Phương vẫn còn hoảng sợ. Hai khóe mắt cô bé đầy lệ, bàn tay run run khiến người đối diện có cảm giác em như một con chim non sau ngày gió bão.
Ba mẹ Phương lấy nhau nhưng không có hôn thú, trước khi đến với nhau, cả hai đều đã có gia đình riêng. Ba có bốn người con trai, mẹ có một con trai đã lớn. Họ “quen” nhau ở Cẩm Mỹ. Khi lấy nhau, họ chọn thị trấn Minh Hưng, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Hằng ngày ba Phương chạy xe ôm, mẹ đi bán vé số.
Năm Phương lên sáu tuổi, ba bị đột quỵ qua đời. Từ đó, hai mẹ con nương tựa nhau sống. Mẹ của em vẫn tiếp tục thuê phòng trọ ở Bình Phước và ngày ngày đi bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhưng thật không may, mẹ bị suy thận giai đoạn cuối. Biết bị bệnh nặng nhưng không có tiền chạy chữa nên bà chỉ có thể gắng gượng được ngày nào hay ngày ấy. Rồi chuyện gì đến cũng phải đến, mùng Ba Tết năm 2013, trong khi những gia đình khác đang vui vẻ đón xuân thì mẹ của Phương vĩnh viễn rời xa em.
“Mẹ không trăng trối gì với em cả. Mẹ cứ vậy lặng lẽ đi. Lúc đó chỉ có một mình em. Em đã gọi điện báo cho những người anh cùng mẹ khác cha và cùng cha khác mẹ biết. Em cũng báo cho dì (em ruột của mẹ) ở Đồng Nai nhưng dì không đến. Các anh và chính quyền địa phương đã lo đám tang cho mẹ em. Ngay sau đám tang, anh Hai (con của ba) đã đưa em về Cẩm Mỹ sống cùng má Hạnh”, Phương kể lại.
Tấm lòng bao dung
Bà Nguyễn Ngọc Hạnh năm nay 56 tuổi, sinh sống bằng nghề buôn bán cá tại chợ Xuân Tây (thuộc xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ). Bà có dáng người đậm, nụ cười hiền. Người đối diện có thể dễ dàng nhận ra nét chất phác của người miền Tây khi trò chuyện với bà.
Ở khu vực xung quanh chợ Xuân Tây không ai là không biết và cảm mến bà. Người ta cảm mến, ca ngợi bà bởi bà có một tấm lòng bao dung, rộng lượng. Bà đã cưu mang, yêu thương, chăm sóc đứa con riêng của chồng như chính con ruột của mình, trong khi những người thân nhất của đứa bé lại thờ ơ với nó.
Chồng bà là người có tính trăng hoa nên khi “phải lòng” mẹ của bé Phương, họ đã cùng dắt nhau lên Bình Phước sống. Sau khi bé Phương ra đời, ông có quay về và đề nghị được đưa mẹ con bé Phương về sống gần nhà rồi “chia” ra, “bên này nửa tháng, bên kia nửa tháng”.
Không đồng ý cảnh chồng chung, bà Hạnh chấp nhận cho chồng đi theo người tình. Một năm sau, trong lần đưa mẹ con bé Phương về thăm ngoại (cũng ở huyện Cẩm Mỹ), ông có ghé về nhà chơi vài ngày. Không ngờ, lần này ông bị đột quỵ, qua đời. Biết tin mẹ con bé Phương cũng đang ở gần đó, bà Hạnh chủ động cho người gọi về chịu tang. Đó là lần đầu tiên bà Hạnh gặp bé Phương.
“Ổng về đây chơi đâu có dám nói với tui là về nhà ngoại của bé Phương, cho nên khi ổng mất, mẹ con con Phương cũng không dám qua. Nhưng tui biết hết nên đã gọi mẹ con nó đến. Người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận” mà”, bà Hạnh kể.
“Hồi còn sống, có lần ổng về thăm nhà, ổng nói muốn quay lại với tui nhưng không thể bỏ mẹ con bé Phương được, tại ổng thương con bé quá. Chắc tại tui chỉ sinh toàn con trai. Bởi vậy, ngay từ lần gặp con bé trong đám tang, tui đã có cảm tình. Nhiều người nói là vì tui với nó có duyên với nhau. Hôm cháu gọi điện báo tin mẹ mất, trong bụng tui đã tính kêu thằng Hai lên đón nó về đây ở cho có anh có em. Đến khi lên đó, thằng Hai gọi về nói “con đón bé Phương về nha má, tội nghiệp lắm”, nghe con nói vậy tui đồng ý liền. Nhiều người cũng thắc mắc là tại sao tui có thể chấp nhận được việc nuôi con chồng. Tui nghĩ đơn giản là lúc ổng còn sống thì đúng là khó, nhưng ổng mất rồi thì nên để anh em chúng được ở với nhau, dù sao cũng cùng chung dòng máu. Với lại, chuyện người lớn không nên kéo trẻ nhỏ vào; chúng vô tội, đáng thương, cần đùm bọc”, bà Hạnh kể về quyết định cưu mang bé Phương.
Bé Phương phụ má Hạnh buôn bán
Tình thương xóa mọi rào cản
Sau ngày ba mất, thỉnh thoảng, mẹ ruột của Phương lại đưa cô bé về thăm ngoại và thắp nhang cho ba. Bà Hạnh nhớ lại: “Mỗi lần mẹ con nó về thắp nhang cho ổng, hai “chị em” tui cũng tâm sự với nhau đủ chuyện. Nếu ổng còn sống thì chắc không được như vậy đâu, nhưng ổng mất rồi thì còn gì nữa đâu mà tranh giành. Mỗi lần Phương về chơi, tui cũng hay mua đồ cho cháu lắm, rồi tình cảm cứ tăng dần. Hôm nghe cháu báo mẹ nó mất, tui còn tính lên tận Bình Phước với cháu nhưng vì bận việc nên không đi được”.
“Lúc mới về, cháu ốm, nhỏ xíu và đen thui à. Về đây, tui chăm sóc nên mới được như vầy đó. Tui không có con gái nên khi có cháu, tui thương lắm. Hôm nào đi chợ, thấy cái gì đẹp là tui mua sắm cho con bé”, bà Hạnh trìu mến nhìn Phương, kể với khách.
Những ngày đầu mới về, Phương lo lắng rất nhiều vì mọi thứ đều lạ lẫm, thậm chí tiếng gọi “má” với bà Hạnh cùng khiến em phải e dè. Biết cô bé đang thiếu thốn tình cảm, bà Hạnh tìm nhiều cách bù đắp cho em, rút ngắn dần khoảng cách giữa hai mẹ con. Buổi tối, hai mẹ con thường ngủ chung với nhau và tâm sự mọi chuyện. Những hôm Phương học bài khuya, bà Hạnh nhắc nhở con đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe. Mùa thi, Phương phải thức học bài nhiều, bà mua sữa về cho Phương bồi dưỡng.
Phương cho biết: “Em về đây thì điều kiện để tiếp tục học thuận lợi hơn nhiều, bởi má buôn bán ngoài chợ, tuy thu nhập không cao nhưng có để lo cho em ăn học. Em biết má Hạnh là một người tốt. Mặc dù em không phải ruột rà gì nhưng má đã dành hết tình cảm cho em; không bao giờ phân biệt con riêng hay con chung”.
Về phần mình, bà Hạnh rất hài lòng về cô “con gái út”. Phương suy nghĩ chín chắn và biết lo cho mẹ. Ngoài một buổi đi học, thời gian rảnh rỗi, Phương thường phụ mẹ bán cá ngoài chợ, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước cho gia đình. Bà Hạnh kể: “Là con gái nên nó tình cảm hơn hẳn mấy đứa anh. Hôm nào đi chợ về cũng có cơm nước sẵn sàng, những lúc mình mệt, con bé còn hỏi han, pha cho ly nước chanh để uống”.
Đối với bà Hạnh, Phương không chỉ trở thành niềm vui, nguồn động viên trong cuộc sống mà còn trở thành niềm tự hào của bà bởi Phương học rất giỏi. “Tui muốn đầu tư cho con bé học tập đến nơi đến chốn. Tui chỉ cần nó học giỏi chứ không phải làm lụng phụ gì cho tui hết”, bà Hạnh mong muốn.
Bà Hạnh yêu thương bé Phương bằng tấm lòng bao dung của một người mẹ. Trong lòng em, “má Hạnh” đã trở thành một người mẹ thực sự. Những người sống xung quanh, quen biết bà Hạnh đều tin rằng trên đời này, vẫn có chuyện “bánh đúc có xương”.
MAI HOA