Bánh đập Hội An

08/05/2021 - 06:48

PNO - Buổi sớm se lạnh, mấy chiếc đèn lồng Hội An đung đưa theo gió gợi cho tôi cảm giác thèm một bếp lửa ấm, trên bếp là chiếc chảo đang xèo xèo một món ngon gì đó...

Đây rồi, quán nhỏ bên đường, một bà lão đang dùng gáo dừa để múc bột tráng bánh đập. Tráng một lớp mỏng thôi, nhưng không quá mỏng như bánh cuốn. Lửa lò nóng rực, khi bột chín, bánh sẽ phồng nổi lên, bà rắc chút hạt mè đều khắp mặt, đậy vung lại để bánh phồng lần nữa là được.

“Xếp bánh trên những chiếc trành phơi ngoài nắng, khoảng nửa ngày là khô”, bà chậm rãi nói. Tôi tròn mắt hỏi: “Cái này là cái trành”?

Thật khó mà miêu tả cho người vùng khác hình dung ra vật dụng được làm bằng tre đan ấy. Để phân biệt nào rổ, nào rá, nào trành, nào là thúng, mủng... ắt cần rất nhiều thời gian. Vào những hôm trời ít nắng phải phơi bánh tráng cả ngày mới đạt.

Vào mùa bắt đầu lắc rắc những giọt mưa lớn, hay trời mưa phùn dầm dề, bánh phơi lâu khô, có khi bà phải mang trành bánh để gần bếp than củi cho khô. Bánh khô mang nướng trên bếp than hồng cho phồng chín vàng, để sẵn.

Thành bại của món bánh đập, phụ thuộc rất nhiều vào chén mắm nêm. Mắm nêm hay còn gọi là mắm cái theo “tiếng Quảng”. Làm sao pha ra chén mắm ngon, lại là công phu khác của bà mẹ quê. Vị mặn đậm đà của mắm được điều hòa lại bằng vị béo của những lát hành phi vàng ruộm.

Những người sành ăn sẽ chọn chén mắm cái còn nguyên con cá cơm, thưởng thức hương vị biển nồng nồng trong mắm cái, miệng xuýt xoa vị cay của ớt. Giống ớt trồng ở miền Trung có một vị cay rất đặc biệt, cắn miếng ớt là nhận ra ngay, không lẫn vào đâu được.

Và bây giờ tới công đoạn ăn bánh đập. Dùng một lát bánh ướt (hay có người nói đó là trọn một lá mì Quảng) trắng mịn màng như dung nhan của bột đem trải lên lớp bánh tráng giòn. Tại sao có tên là bánh đập, đơn giản thôi, bởi vì trước khi ăn phải dùng tay đập nhẹ để gấp đôi cái bánh tráng nướng đá lót lá mì. Khi ăn, chỉ cần bẻ miếng bánh vừa miệng, chấm mắm cái.

Món bánh đập ngon hay dở tùy vào độ mỏng và giòn của bánh tráng, độ mướt của lá mì và hương thơm của dầu phộng quết vào, hòa quyện với vị đậm đà của chén mắm nêm. Nhai kỹ một chút khách sẽ cảm nhận được vị ngọt mặn hòa quyện, để thấy món ngon tròn vị đôi khi chỉ do những thứ thật giản đơn tạo thành.

Tôi đi nhiều mới thấy, đất nước mình đâu cũng là quê hương. Có những bà ngoại, bà mẹ… chăm chút món ngon cho khách như chăm chút người thân, món ngon vì có vị tình.

Kỳ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI