Bánh cuốn hẻm Quảng Trị

17/10/2024 - 21:14

PNO - Gọi là bánh cuốn hẻm đơn giản là vì nó nằm ngay trong hẻm của đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Quán đã mở bán được gần 30 năm.

Bánh cuốn hẻm Quảng Trị
Bánh cuốn hẻm ở kiệt 299 Trần Hưng Đạo

Mỗi lần đi xa, trở về quê nhà Quảng Trị, tôi lại tìm đến quán bánh cuốn hẻm. Bánh cuốn là món ăn quen thuộc, dễ tìm thấy ở nhiều địa phương. Nhưng làm nên đặc biệt cho bánh cuốn hẻm Quảng Trị, là hương vị cay, nồng đượm sự hanh hao, nắng gió của vùng đất miền Trung.

Gọi là bánh cuốn hẻm đơn giản là vì nó nằm ngay trong hẻm của đường Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị. Quán đã mở bán được gần 30 năm.

“Linh hồn” của món ăn này, góp phần tạo ra sự khác biệt với bánh cuốn ở các nơi khác chính là chén nước chấm ăn kèm. Quán làm nước chấm bằng mắm nêm, xay nhuyễn cùng thơm, ớt, tỏi và các gia vị khác theo công thức gia truyền. Chính vì vậy, nước chấm nơi đây có hương vị rất đặc biệt và khó quên.

Khi ăn bánh cuốn phải nhúng bánh thật sâu xuống chén nước chấm để gia vị thấm quyện vào bánh, như thế có thể thưởng thức trọn vẹn hương vị của nước chấm. Vị cay nồng đến nức mũi, khiến người thưởng thức phải hít hà, vừa ăn vừa cảm nhận để rồi “lưu luyến” không thôi hương vị này.

Nhớ ký ức xưa, mỗi khi đến mùa gặt lúa ở quê tôi sẽ có người đi xe đạp với chiếc loa rao: "Ai đổi thóc lấy bánh ướt không?". Tụi nhỏ trong xóm lại kêu réo nhau xin ba mẹ cho một thúng lúa để đổi bánh ướt.

Sau này, bánh ướt nơi quê tôi được “cải tiến” thành bánh cuốn, mang một diện mạo mới, hấp dẫn hơn. Khác với bánh ướt, thì nay bánh cuốn là ăn kèm với những thớ thịt mông hai đầu da và rau sống. Thịt được cắt hai đầu da, phần thịt cũng được lấy ở phần mông của mỗi con heo. Điều quan trọng là khi cắt thịt phải có hai đầu da để cho miếng thịt ngon và beo béo. Ở bánh cuốn hẻm Quảng Trị, thịt chỉ được luộc khi khách gọi món để phần da không bị đứt lìa với phần nạc trong mỗi lát thịt. Đây cũng là một cách làm khiến bánh cuốn nơi đây trở nên thu hút với thực khách hơn.

Loại rau ăn kèm cũng khá là bắt mắt khi có trên dưới chục loại như xà lách, tía tô, diếp cá, ngò, hành, rau má, bắp chuối, đu đủ chua ngọt... được sắp xếp theo trình tự để thực khách dễ chọn và cuốn.

Mỗi phần ăn như vậy giá từ 60 ngàn đồng/phần nhưng ăn thỏa cái bụng. Nhất là ăn vào mùa đông. Cái vị cay nồng không lẫn vào đâu được, càng ăn càng cay càng thấy ấm người.

Chỉ chừng ấy vị thôi cũng khiến ai đi xa trở về lại thấy nhớ mỗi khi nghĩ về món ăn của quê hương.

Vân Trình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI