Má Năm gọi điện lên hỏi tết này tôi có về quê gói bánh không. Dù đang rối bời với hàng tá công việc đang cần giải quyết trước khi công ty nghỉ tết, tôi vẫn trả lời má Năm chắc như đinh đóng cột rằng tôi sẽ về để kịp nấu bánh cùng má Năm vào đêm giao thừa.
Thói quen nấu bánh chưng, bánh tét ở quê ngoại vào mỗi dịp tết đã có từ hồi tôi còn nhỏ, lúc ngoại còn sống. Có khi là vào đêm 27, 28 tết, có năm ngoại tổ chức nấu bánh vào đêm 30 tết. Ngoại nói, nấu càng trễ thì bánh càng mới và giữ được lâu. Mỗi lần nấu bánh, ngoại huy động lực lượng khá đông. Hôm nào nhà ngoại nấu bánh, những người tham gia sẽ hoãn lại các việc khác để tập trung gói bánh. Thường sẽ là ngoại, má Năm, mẹ con tôi và có khi thêm vài người hàng xóm, họ hàng thân thiết.
Tôi sống ở thành phố, đi học rồi lớn lên là đi làm, bận rộn cỡ nào tôi vẫn thu xếp để về quê ngoại mấy ngày sát tết. Tôi không muốn bỏ qua dịp cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh truyền thống của ngoại. Biết ý đứa cháu cưng là tôi, ngoại thường đợi tôi về đến nhà mới bày ra gói, nấu.
Cả ngày, ngoại chỉ huy mọi người từ khâu rửa, lau lá dong, lá chuối đến đãi đậu, ướp thịt làm nhân, gói bánh. Ăn tối xong là đến phần nấu bánh. Cậu Tư sẽ bắc chiếc nồi to đùng ra gần mấy gốc dừa, chỗ đặt bếp lửa.
Sau khi châm củi xong, tôi thường đánh đu tòn teng trên chiếc võng mắc giữa hai cây dừa chờ bánh chín. Nằm đu đưa trên chiếc võng, nghe gió hiu hiu trong tiếng lá dừa xào xạc, nghe bản hợp ca về đêm của lũ côn trùng là những cảm giác khó thể phai mờ trong ký ức dù năm tháng đã vô tình phủ lên nhiều lớp bụi thời gian.
|
Mấy đòn bánh tòn teng gói cả ký ức về những ngày tết ở quê (ảnh minh hoạ) |
Trước kia tôi hay ngồi vừa đút mấy thanh củi, nhìn lửa nhảy nhót vừa tưởng tượng đủ điều, có lúc ngủ gục. Giờ có chiếc điện thoại để nghịch, việc canh bánh đỡ nhàm chán hơn, mấy tiếng đồng hồ chờ bánh chín cũng nhờ chiếc điện thoại mà đỡ dài lê thê. Vậy mà cũng không tránh khỏi có lúc ngủ gục không hay. Chỉ đến khi cảm giác ai đó đang phủ nhẹ tấm chăn lên người mới nhận ra ngoại đang ngồi cạnh bên tự bao giờ, vừa canh cho đứa cháu cưng không bị muỗi cắn vừa châm thêm củi cho nồi bánh đang sôi lục ục.
Tôi thích nhất là mấy chiếc bánh gói sau cùng, hoặc nếp nhiều hoặc nhân nhiều hơn, hình dáng có khi không đẹp như mấy chiếc bánh trước do không còn đủ nguyên liệu. Nhưng đó là những chiếc bánh mà tôi có thể sáng tạo theo ý thích riêng của mình, đó có thể là chiếc bánh chưng mini vuông vức hoặc chiếc bánh tét ốm nhách, dài ngoằng, có khi mập, lùn, ngộ nghĩnh.
Bánh nấu xong, ngoại đem biếu giáp xóm, phần cho con, cháu đem về thành phố làm quà nên dù nồi bánh năm nào cũng siêu to khổng lồ nhưng rốt cục cũng chỉ còn lại vài đòn ngoại giữ lại để đãi khách hoặc con cháu về chơi.
Từ ngày ngoại mất, nồi bánh nhỏ lại hẳn. Phần vì thực phẩm tết sau này có nhiều món ngon vật lạ. Phần vì nhiều người bây giờ ăn kiêng nên không còn mặn mà với món bánh truyền thống nhiều calories ấy nữa. Tôi thầm biết ơn má Năm vẫn giữ thói quen nấu bánh ngày tết để con cháu như tôi có cái hẹn để tìm về. Tôi hiểu trong thâm tâm má Năm cũng nhớ ngoại nên muốn giữ gìn nếp nhà như khi có ngoại, dù chẳng biết giữ được đến bao giờ khi bọn trẻ sau này chẳng hứng thú với phong tục nấu bánh chưng như những ngày tết xưa.
|
Tôi thầm biết ơn má Năm vẫn giữ thói quen nấu bánh ngày tết để con cháu như tôi có cái hẹn để tìm về (ảnh minh hoạ) |
Nhắc tết xưa, mắt tôi lại cay cay. Tết này tôi sẽ về quê, để được đắm mình giữa không khí gia đình yêu thương, đầm ấm. Tôi sẽ chạy ra mộ thắp hương cho ngoại, sẽ lại gà gật bên nồi bánh chưng chờ đón giao thừa để rồi vài ngày sau trở lại thành phố với mấy đòn bánh tòn teng gói cả ký ức về những ngày tết ở quê.
Có ai thấy mình thiệt thòi khi những ngày cuối năm lại chẳng có nơi để tìm về, chẳng có ai để đợi chờ, ngóng trông? Có thấy chạnh lòng khi ký ức chẳng lưu dấu chút kỷ niệm nào, khi có dịp lại xới lên mà bồi hồi, nhung nhớ?
Lê Thị Ngọc Vi
(Tặng T. A.)