Bánh chín chưa, bà ơi?

11/08/2023 - 07:32

PNO - Những câu chuyện gần nửa thế kỷ nghe như mới hôm qua.

 

Bánh rau mơ tên đẹp, lại ngon
Bánh rau mơ tên đẹp, lại ngon

Bánh rau mơ còn có tên gọi mộc mạc là bánh cục. Đến giờ, tôi vẫn thường tự hỏi, không biết sao người xưa gọi là bánh cục. Còn gọi là bánh rau mơ vì trong bánh có nguyên liệu vô cùng quan trọng: lá mơ. Lá mơ này là lá mơ trơn (còn gọi là lá mơ rừng) mọc thành dây, có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ; khác với lá mơ lông có nhiều ở miền Bắc nước ta, hay được ăn như một loại rau sống.

Tôi nhớ những ngày tháng Bảy, đầu tháng Tám âm lịch, xen giữa những trưa hè nắng đổ đom đóm mắt là những cơn mưa dầm ủ ê. Ngồi co ro nghe gió thốc phần phật, cái lạnh xồng xộc xông vào nhà, cơn đói cồn cào kéo đến. Những ngày ấy, ăn gì cũng ngon. Chỉ là cơm nóng với mấy con khô cá sặc, mấy trứng gà trứng vịt luộc dầm nước tương, hay nồi nước mắm kho quẹt, vài củ khoai lang khoai mì hấp thôi mà sau này cứ xuýt xoa mãi. 

Những ngày mưa dầm giữ chân người lớn không đi làm, đi vườn đi ruộng, giữ chân con nít không tung tăng ngoài đồng ngoài bãi nên ngoại, mẹ, các dì sẽ bày ra làm bánh. Bánh rau mơ dễ làm nhất. Gạo có sẵn, rau mơ, lá mít, lá chuối, dừa, lá dứa ngoài vườn. Chỉ mất công là có những cái bánh nóng hổi no lòng, thoang thoảng mùi vị lạ lùng vỗ về những đứa trẻ cho đến tận mấy mươi năm sau.

Gạo làm bánh phải ngâm trước, tốt nhất là ngâm qua đêm hoặc vội thì ngâm bằng nước ấm. Gạo nở mềm, bỏ vào cối đá, xay. Bột ngâm xong được đem đi tẻ nước nhiều lần cho sạch rồi mới xay. Xay bột là một công đoạn khá vất vả, vì cối đá nặng nên chỉ có người lớn làm. Xay bột phải xay chậm chậm, thêm nước từ từ, vừa phải. 3 muỗng gạo 1 muỗng nước, 1 muỗng rau mơ rửa sạch xắt nhuyễn. Đôi khi nhìn thấy bột xay chưa vừa ý, bà nội tôi bắt phải xay lại. 

Xay xong, cho bột vào túi vải, cột chặt, dùng phần trên của cối đá đè lên để cho nước chảy ra hết, đến khi còn lại tinh bột dẻo mịn là đem ra nhào cho đều, thêm vào chút đường để bánh đậm đà. Lá mơ mùi rất đặc trưng, cũng như sầu riêng vậy, nếu không quen, không ăn được, nghe sẽ khó chịu, nhưng khi đã quen và thích thì thoáng tí mùi đã ứa nước miếng.

Nhà tôi thường làm 2 loại bánh rau mơ. Một loại chỉ đơn giản là nắn lớp bột thật mỏng trên lá mít hoặc lá dừa nước được cắt gọn, rửa thật sạch để hấp là xong. Bánh có mùi thơm đặc biệt của rau mơ hòa với mùi của lá. Loại thứ hai là bánh có nhân. Nhân bánh được làm từ cơm dừa nạo - loại dừa hơi cứng, xào thật khô với đường, hoặc nhân đậu xanh hấp. Bánh này cần nắn bột tràn ra như bánh tráng, tròn tròn, trên lá chuối. Nhân bánh ở giữa, gấp lại như hình cánh quạt rồi cho vào nồi hấp cách thủy.

Ngày nhỏ, bà ngoại luôn cho chúng tôi nắn bánh. Bọn trẻ háo hức rửa sạch tay, đón cục bột từ tay bà nâng niu như vật báu, rồi tẩn mẩn nắn nắn trên lá. Nhưng chỉ chốc lát là mỏi hết cả tay. Bánh chúng tôi nắn, cái thì mỏng quá nên lủng lỗ chỗ, cái thì dày mo chứ không đều tay và lành lặn như của bà. Trong những lúc chộn rộn ấy, ngoài trời, những hạt mưa vẫn rả rích. Bài học về sự kiên trì, tỉ mẩn, niềm vui trong việc tạo ra một giá trị, mang giá trị đẹp đẽ ấy dành tặng cho người khác đã được ngoại, mẹ tôi dạy một cách tự nhiên.

Món bánh rau mơ cần nước chấm. Đó là nước cốt vắt từ dừa khô, đem nấu chín. Nước cốt ngon phải có đủ vị béo của dừa, ngọt của đường, mặn của chút muối và thơm thoang thoảng của lá dứa. Những miếng bánh rau mơ chín có màu đen đen, thơm lừng, chấm vào chén nước cốt dừa trắng tinh béo ngậy, trong không khí xúm xít của đại gia đình luôn khiến anh chị em chúng tôi hằng nửa thế kỷ vẫn đau đáu nhớ thèm.

Mới đây, chị em chúng tôi cùng các anh chị em con dì con cậu, nghỉ hè, hẹn nhau làm bánh rau mơ. Những chiếc bánh vẫn còn nguyên hương vị ngày cũ. Những câu chuyện gần nửa thế kỷ nghe như mới hôm qua. Trong góc bếp nhà ngoại tôi, vẫn hệt như ngày ấy, có các dì tôi tóc trắng, có chúng tôi cũng đã đi qua nửa đời và lấp xấp con cháu chạy lăng xăng lát hỏi, lát hỏi: “Bánh chín chưa ngoại ơi, dì ơi?”. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI