Bánh canh 'Mạ tôi', hương vị miền Trung mộc mạc gây thương nhớ

07/01/2020 - 07:28

PNO - Đến đây người ta không chỉ thưởng thức tô bánh canh cay nồng đúng vị miền Trung mà còn muốn lắng mình trong chất giọng Huế ngọt ngào, thân thương.

Cái tên "Mạ tôi" đối với nhiều người Sài Gòn nghe có vẻ lạ nhưng đó lại là âm điệu thân thương đối với bất kì người con miền Trung nào. Để rồi, giữa đất thành thị xa xứ, tìm được hương vị thân quen cùng chất giọng Huế, nhiều người không khỏi bồi hồi. Bởi lẽ đó, quán bánh canh "Mạ tôi" như một chốn dừng chân giản dị nhưng đầy nghĩa tình sưởi ấm những nỗi lòng nhớ quê.

"Mạ tôi" nằm ven đường Vạn Kiếp sầm uất với nhiều hàng quán nhưng vẫn đủ nổi bật để khiến người đi đường ngoảnh lại. Có lẽ, ấn tượng ban đầu ai cũng ngạc nhiên "Có gì hấp dẫn mà đông khách đến vậy?". Và câu trả lời sẽ được giải bày ngay khi bạn dừng chân thưởng thức tô bánh canh miền Trung dung dị nhưng thơm ngon ở đây.

Chủ quán là gia đình người gốc phố cổ Bao Vinh di cư vào Sài Gòn lập nghiệp cũng gần hơn chục năm nay. Tuy tuổi đời quán không phải là con số lớn nhưng cái vị miền Trung trong món ăn cùng giọng nói xứ Huế đằm thắm đã làm quán dần trở nên hút khách. Mỗi ngày, mở cửa từ 3 giờ chiều đến tận tối, trung bình chị chủ phục vụ hơn 8 nồi bánh canh to đầy.

Không gian quán đơn giản là phía trước hiên nhà, nồi bánh canh liu riu trên bếp than, kế bên là mâm chả, giò, cua và hành tiêu. Đến cả phong cách phục vụ cũng vẫn giữ đúng chất gánh hàng rong quen thuộc ở Huế. Khách cứ chọn cho mình một chỗ yên vị, gọi một tô bánh canh thập cẩm để hít hà cái cay the, đậm đà lạ miệng. 

Bánh canh miền Trung khác hẳn những kiểu bánh canh giò, bánh canh thịt bạn thường thưởng thức ở Sài Gòn. Từ hình thức đến hương vị, món ăn mang đến một trải nghiệm mới lạ. Sợi bánh làm từ bột gạo, xắt thủ công bằng tay nên hình dáng trông không đều đẹp nhưng lại rất thơm ngọt và dân dã. Từng sợi bánh vuông dày, trắng đục được nấu trực tiếp cùng nước dùng để thấm đậm hương vị.

Nước dùng vẫn ninh từ xương nhưng không trong vắt mà sánh sệt do phần bột của bánh quyện vào. Nguyên liệu bao gồm huyết, giò heo ninh thật mềm và nêm nếm đậm đà, cay nồng đặc trưng xứ Huế. Thoạt nhìn, ai cũng có phần e ngại vì màu sắc món ăn chẳng có gì bắt mắt, thậm chí trông hơn đơn điệu. Nhưng một lần chạm môi, đảm bảo bạn sẽ bất ngờ với hương vị truyền thống này.

Tô bánh canh thập cẩm gồm lớp cua lót dưới đáy, thịt nạc hoặc giò, huyết, chả cua, trứng cút che kín bề mặt. Trên bàn lúc nào cũng đầy đủ nước mắm, ớt và chanh để khách tự thêm thắt gia vị cho vừa miệng. Cái vị cay the khiến người ăn bất ngờ ngay lần thử đầu tiên nhưng dần dần vị ngọt thơm, mặn mà dung hòa một cách tinh tế. Sợi bánh dai dai, ngậy bột thấm đều với nước dùng.

Đặc biệt, xớ thịt càng cua ngọt tươi kết hợp thêm miếng chả giòn giòn hay giò heo béo béo đã làm tô bánh thêm bắt vị. Nhiều thực khách nhận xét, quán đã giữ nguyên đúng cái "chất miền Trung" từ nước lèo đậm đà, thơm thoảng mùi nước mắm và cái cay the nồng nàn của tiêu.

Người con xa xứ đến đây không chỉ muốn tìm về hương vị quê hương mà còn muốn lắng nghe âm điệu thân thương của chất giọng Huế của người bán. Thật chẳng dễ gì tìm được dư vị quê nhà giữa đất thành thị phồn hoa này, bạn nhỉ?

Địa chỉ: 86 Vạn Kiếp, Quận Bình Thạnh

Giờ mở cửa: 17 giờ - 21 giờ

Giá: 30.000 - 40.000 đồng/phần

Trúc Nguyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI