Bánh canh cá lóc ở Đinh Văn

09/04/2024 - 05:57

PNO - Bánh canh cá lóc ở Đinh Văn, theo tôi là độc nhất vô nhị - từ quy trình chế biến đến phong cách thưởng thức độc đáo.

Bánh canh được phục vụ trong thố
Bánh canh được phục vụ trong thố

Một ngày giữa mùa xuân, tự dưng tôi thèm món bánh canh cá lóc ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Bánh canh cá hầu như ở đâu cũng có nhưng bánh canh cá lóc ở Đinh Văn, theo tôi là độc nhất vô nhị - từ quy trình chế biến đến phong cách thưởng thức độc đáo: nấu trực tiếp trên bếp gas, ăn bằng thố thay vì tô.

Cá nước ngọt không phải ai cũng thích ăn, trong đó có tôi, vì chúng thường nhiều xương và tanh. Thế nên khi nghe cô bạn rủ đi ăn bánh canh cá lóc ở Đinh Văn, tôi đành miễn cưỡng. Đến quán tôi mới ngỡ ngàng…

Những thố bánh canh cá lóc ở đây được đặt trên bếp gas. Nước dùng trong từng thố sôi sùng sục, thơm phưng phức. Những miếng cá lóc được xắt vuông vức, trắng ngần, ăn vào không thấy xương. Thịt cá chắc, mềm mại, đặc biệt không có mùi tanh như tôi vẫn e dè. Sợi bánh canh dẻo quẹo, mỏng manh, sợi nào ra sợi nấy. Nước dùng hợp khẩu vị, nêm nếm vừa phải, đậm đà. Trong thố bánh canh, ngoài miếng cá lóc thơm lừng còn có chả lụa, chả quế. Cắn miếng chả, ta cảm nhận được vị ngọt bùi, sừn sựt từ thịt xay nhuyễn.

Thông thường, ở các quán bánh canh thường chỉ có nồi nước dùng, chủ quán chỉ cần múc vào tô cho khách thưởng thức. Nhưng ở quán bánh canh cá lóc tại Đinh Văn, sau khi múc nước dùng vào thố, chủ quán đặt thố trên bếp gas, sao cho những chiếc thố sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút, thơm nức mũi. Xong công đoạn nêm hành cùng tiêu sọ, chủ quán mới đưa cho khách thưởng thức. Tôi nghĩ sức hấp dẫn, thú vị của bánh canh cá lóc Đinh Văn một phần nhờ vào công đoạn này.

Trong tiết trời giá lạnh, bảng lảng sương mù của Lâm Đồng, của cao nguyên lồng lộng gió với thông xanh reo bên đèo, được ăn một thố bánh canh cá lóc nóng hổi thơm lừng như vậy thì còn gì bằng. Món ăn hấp dẫn đến nỗi tôi không muốn nêm thêm gì vào thố nữa để giữ trọn vẹn vị ngon.

Dĩa rau sống ăn kèm chỉ gồm rau đắng và giá mà thật cuốn hút. Những rau đắng, những giá này đều là “của nhà trồng được”. Ra về, tôi vẫn tâm đắc mãi dĩa rau tươi ngon, bắt mắt đó. Cái vị đắng tái tê của rau đắng không phải ai muốn ăn sống cũng được. Thông thường, rau đắng chỉ dùng để nấu canh chua cá. Các bà nội trợ thường bỏ vào nồi canh cá vài cọng rau đắng để làm giảm mùi tanh của cá và giúp nồi canh chỉ ở mức chua thanh chứ không chua gắt.

Với tôi, ăn rau đắng sống là cả một thách thức. Vậy nhưng khi ăn rau đắng sống với bánh canh cá lóc thì đó không còn là thách thức mà trở thành thưởng thức. Nhúng rau đắng vào thố bánh canh với nước dùng đang bốc khói kèm theo lát cá rồi đưa lên miệng thì vị đắng đã dịu đi một nửa.

Tôi cứ thắc mắc sao không ăn bánh canh cá lóc với xà lách, bắp chuối thái rối hay các loại rau thơm… mà chỉ ăn kèm rau đắng và giá. Thật ra mọi thứ đều có lý do. Đó là cái hay của sự kết hợp hài hòa mà chủ quán là người sành ăn đã phát hiện được.

Thảo nào quán vô cùng đông khách. Bạn tôi kể nhiều lúc không có chỗ ngồi, vào phải xếp hàng đợi. Khi tôi tỏ vẻ thắc mắc sao chỉ 35.000 đồng cho một thố bánh canh cá lóc chất lượng cao giữa thời buổi vật giá ngày càng leo thang, chủ quán nhẹ nhàng mỉm cười: “Lấy công làm lời”.

Thưởng thức thố bánh canh cá lóc ở miền sơn cước, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị của núi rừng, của cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Thị trấn Đinh Văn cách thành phố Đà Lạt tầm 50 cây số nhưng cho tôi cảm giác mình đang ở Đà Lạt. Khí hậu mát mẻ, buổi sáng se lạnh và có sương bảng lảng giăng mắc ở đèo Phú Sơn, đèo Chuối. Phố huyện vắng vẻ, sạch sẽ, thoáng đãng, người dân văn minh, hiếu khách. Những quán cà phê tràn ngập hoa cỏ rực rỡ.

Tôi còn phát hiện người dân huyện Lâm Hà chủ yếu là người Hà Nội, di cư vào từ lâu lắm rồi. Họ yêu quê, nhớ Hà Nội đến mức đặt tên cho khu vực mình sinh sống theo tên những địa danh quê hương như: xã Đan Phượng, khu Ba Đình, khu Hoàn Kiếm, xã Phúc Thọ, thôn Thạch Thất… Rất Hà Nội!

Chợt nghĩ nếu trung tâm thành phố Đà Lạt quá tải, ùn tắc khách du lịch vào những ngày lễ tết, dịp cuối tuần, du khách có thể đến các vùng ngoại ô còn hoang sơ, trong lành như thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là một sự lựa chọn thông minh, tiết kiệm.

Với những bạn trẻ thích khám phá những miền đất mới và thưởng thức những món ăn ngon nhưng túi tiền eo hẹp, 1 tour du lịch bình dân tới thị trấn Đinh Văn hứa hẹn không làm bạn thất vọng.

Tạm biệt thị trấn Đinh Văn, tôi nhớ mãi món bánh canh cá lóc. Có dịp, tôi sẽ quay lại nơi đây nhiều lần nữa để thưởng thức cho thỏa cơn thèm.

Lò Duy Bưu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI