Bánh căn, món bình dân gây thương nhớ

05/08/2023 - 12:15

PNO - Nếu nói về tác động lên vị giác cũng như mức độ gây thương nhớ, hẳn món bánh căn dân dã không chịu thua bất kỳ món cao lương mỹ vị nào.

Nếu ai đó hỏi tôi thích ăn gì mỗi khi lên Đà Lạt, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay là bánh căn - một món ăn vỉa hè không có gì bắt mắt nên có phần "kém sang". Tuy vậy, nếu nói về tác động lên vị giác cũng như mức độ gây thương nhớ cho người ăn, hẳn món bánh căn dân dã không chịu thua bất kỳ món cao lương mỹ vị nào.

Bánh căn là một loại bánh bằng bột gạo, hình tròn nhỏ, dẹt như cái chén cạn, phổ biến ở khu vực miền Trung, có hình dáng giống với bánh khọt ở các tỉnh phía Nam nhưng có màu trắng (bánh khọt màu vàng).

Ngoại hình mộc mạc vậy nhưng hấp dẫn không thua món cao lương mỹ vị nào (ảnh: Cao Hoàng Yến)
"Ngoại hình" mộc mạc vậy nhưng hấp dẫn không thua món cao lương mỹ vị nào - Ảnh: Cao Hoàng Yến

Tôi biết đến món bánh dễ gây nghiện này trong một lần lên Đà Lạt cách đây khá lâu. Thoạt nhìn cái quán vỉa hè dạo ấy còn bày biện bàn ghế sơ sài, bếp đổ bánh nằm ngay trước cửa quán trông không được vệ sinh lắm, tôi hơi chờn chợn. Nhưng khi ăn một lần rồi, cái dư vị nơi quán ấy cứ thôi thúc tôi trở lại Đà Lạt mãi. Thậm chí có lần tôi đi Nha Trang, lịch đi không ghé Đà Lạt nhưng bận về bỗng dưng nỗi cơn thèm bánh căn khi có đứa em trên xe vui miệng nhắc. Cậu em rể thương tình nên lái xe ghé qua Đà Lạt cho bà chị xấu nết ăn thỏa cơn thèm. Cũng cần mở ngoặc đóng ngoặc là cả nhà đều "bồ kết" món này chứ chẳng riêng gì tôi.

Mỗi lần thưởng thức món bánh căn ở Đà Lạt, tôi thường gọi luôn combo: bánh căn - yaourt phô mai - sữa đậu nành nóng. Không như bánh khọt, bột làm bánh căn không có nước cốt dừa nên dù ăn nhiều chỉ thấy no chứ không ngán.

Nguyên liệu làm bánh căn không có gì đặc biệt ngoài bột gạo mà thứ quyết định món bánh này ngon hay dở tùy thuộc vào nước chấm ăn kèm.

Lạ một điều, dù là nước mắm tỏi ớt pha hay mắm nêm ăn kèm bánh căn cũng thấy hợp, cả hai đều đậm đà, hấp dẫn như nhau. Cách pha nước chấm cũng là nét đặc trưng của từng quán, có thể nói nhìn vào quán bánh căn đông hay thưa khách là biết "trình" nước chấm của quán ấy thế nào. Và để món bánh căn kích thích vị giác tột độ thì không thể thiếu xoài băm ăn kèm xíu mại.

Ngày nay, bánh căn được "biến tấu" với nhiều loại "topping" đi kèm khác nhau như trứng cút, trứng gà, tôm, mực, bò, chả lá... để phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của khách. Nhưng với tôi, chỉ cần một dĩa bánh căn không topping ăn kèm một chén xíu mại, nước mắm (hoặc mắm nêm), xoài băm là đã đủ ngon rồi.

Đĩa bánh căn thập cẩm với đủ loại topping (ảnh: Cao Hoàng Yến)
Dĩa bánh căn thập cẩm với đủ loại topping - Ảnh: Cao Hoàng Yến

Tôi, một du khách thích khám phá các món đặc sản địa phương, không có ý định "review" cho những quán ăn ngon, nổi tiếng vì khẩu vị cũng như cái "gu" ẩm thực không ai giống ai. Chỉ là vào một buổi chiều mưa rả rích, bỗng dưng thấy nhớ một món ăn luôn nằm trong danh sách "phải ghé" mỗi khi tôi đặt chân đến thành phố này dù một năm có khi tôi lên Đà Lạt những ba lần và Đà Lạt có nhiều món cũng gợi thèm không kém. Có đôi lần, tôi lò dò đi tìm một vài nơi bán bánh căn ở TPHCM để rồi nhận về cảm giác thất vọng dù những người bán đã cố gắng đưa vào đó cái hồn của món "bánh căn Đà Lạt" thần thánh.

Không biết có phải do bánh căn ở TPHCM không ngon bằng bánh căn Đà Lạt thật hay do ngồi ăn trong không khí nóng nực, giữa mớ thanh âm ồn ã xô bồ nơi phố thị thay vì cảm giác se se lạnh, vừa ăn vừa đút tay vô túi áo khoác xuýt xoa, nhìn ra phố sương mù đang mưa phùn bay lất phất nên thiếu hẳn hương vị của một món ăn đặc trưng nơi phố núi. 

Vi Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI