Bangladesh xem xét áp dụng án tử hình cho những tội phạm tình dục

11/10/2020 - 17:20

PNO - Các cuộc biểu tình làm rung chuyển Bangladesh hôm 10/10 khi hàng ngàn người xuống đường đòi công lý sau hàng loạt vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục khiến chính phủ buộc phải xem xét áp dụng hình phạt tử hình cho những kẻ phạm tội.

Người biểu tình ở thủ đô Dhaka xuống đường đòi công lý cho một nạn nhân bị hãm hiếp - Ảnh: Reuters
Người biểu tình ở thủ đô Dhaka xuống đường đòi công lý cho một nạn nhân bị hãm hiếp - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn nguồn nhóm nhân quyền Ain-o-Salish Kendra cho biết tội phạm tình dục gia tăng mạnh ở Bangladesh trong những năm gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận gần 1.000 vụ án, trong đó riêng các vụ cưỡng hiếp tập thể đã chiếm hơn 1/5 trường hợp.

Con số này tương tự với số vụ cưỡng hiếp được báo cáo cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng so với năm 2018. Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết con số thực tế cao hơn nhiều vì hầu hết phụ nữ e ngại khai báo việc họ bị tấn công tình dục.

Người dân Dhaka xuống đường đòi công lý cho nạn nhân một vụ cưỡng hiếp tập thể - Ảnh: Reuters
Người dân Dhaka xuống đường đòi công lý cho nạn nhân trong một vụ cưỡng hiếp tập thể - Ảnh: Reuters

Hàng trăm người Bangladesh đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác trong tuần này để đòi “không gian an toàn cho phụ nữ” và bắt giữ những kẻ hiếp dâm sau khi video vụ tấn công được phát tán trên mạng xã hội.

“Hãy treo cổ những kẻ hiếp dâm!”, đám đông những người biểu tình – trong đó có hàng trăm sinh viên tham gia - hô lớn khẩu hiệu ở thủ đô Dhaka và các thành phố khác trên đất nước Bangladesh. Nhiều tấm áp phích mang thông điệp “Không khoan nhượng đối với những kẻ hiếp dâm” và “Làm ơn cho tôi biết, tôi có phải là nạn nhân tiếp theo không?”.

Các cuộc biểu tình đã khiến chính phủ buộc phải xem xét áp dụng án tử hình đối với những kẻ vi phạm, và nội các sẽ nhận được đề xuất sửa đổi luật khẩn cấp vào ngày 12/10.

Bộ trưởng Tư pháp Bangladesh Anisul Huq cho biết: “Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất theo lệnh của Thủ tướng Sheikh Hasina theo hướng những kẻ có tội sẽ phải chịu mức trừng phạt cao nhất”.

Sinh viên và các nhà hoạt động ở Dhaka chuẩn bị biểu ngữ để tham gia một cuộc biểu tình chống tội phạm tình dục - Ảnh: Reuters
Sinh viên và các nhà hoạt động ở Dhaka chuẩn bị biểu ngữ để tham gia một cuộc biểu tình chống tội phạm tình dục - Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình hôm 10/10 “được châm ngòi” bởi một video quay cảnh một nhóm đàn ông tấn công một phụ nữ ở huyện Noakhali, đông nam Bangladesh. Một cuộc điều tra của Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) - một cơ quan độc lập của nhà nước - phát hiện người phụ nữ trong video, năm ngoái đã bị một nhóm cưỡng hiếp nhiều lần và bị chúng khủng bố bằng vũ khí.

Ông Alamgir Hossain, cảnh sát trưởng thị trấn Noakhali cho biết cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 10 nghi phạm liên quan đến đoạn video.

Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật đòi công lý cho một nạn nhân bị hiếp dâm - Ảnh: Reuters
Các nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật đòi công lý cho một nạn nhân bị hiếp dâm - Ảnh: Reuters

Hai tuần trước đó, vụ cưỡng hiếp tập thể một phụ nữ trong ký túc xá sinh viên ở thành phố Sylhet, đông bắc Bangladesh, đã gây ra làn sóng biểu tình tương tự trên các đường phố và lời kêu gọi chính phủ thực hiện các bước giải quyết tình trạng bạo lực tình dục.

Các nhà hoạt động quy lỗi tình trạng cưỡng hiếp ngày càng gia tăng là do  người dân thiếu ý thức, do tập quán không trừng phạt tội phạm và những người có ảnh hưởng bảo vệ nghi phạm vì lý do chính trị.

Hôm 9/10, nhà hoạt động Meenakshi Ganguly của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) tuyên bố, “Chính phủ Bangladesh cần lắng nghe phụ nữ, chính phủ nên đảm bảo rằng tất cả những nạn nhân bị tấn công tình dục được đối xử tôn trọng nhân phẩm”.

Ngày 10/10, bộ trưởng Tư pháp Huq tuyên bố sẽ có hành động pháp lý chống lại bọn tội phạm bất kể chúng có các mối quan hệ chính trị thế nào, ông khẳng định sẽ trừng phạt chúng không chậm trễ "một cách không cần thiết".

Hình phạt nghiêm khắc nhất đối với tội hiếp dâm ở Bangladesh hiện tại là tù chung thân, nhưng các nhà hoạt động nữ quyền nước này cho biết chính phủ nên đảm bảo thực hiện đúng luật hiện hành thay vì chỉ tập trung vào việc làm cho luật nghiêm khắc hơn. Ngay cả khi những nạn nhân tội phạm tình dục nộp đơn tố cáo, việc khởi tố là rất hiếm và thường mất nhiều năm để hoàn tất.

Liên Hợp Quốc và các nhóm nhân quyền đã kêu gọi cải cách khẩn cấp hệ thống tư pháp hình sự để đảm bảo thủ phạm tấn công tình dục phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Salma Ali, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Luật sư Bangladesh, cho biết các hình phạt cứng rắn hơn vẫn chưa đủ. Bà nói, “chỉ tập trung vào hình phạt tử hình sẽ không hiệu quả vì Tòa án Phòng chống Đàn áp Phụ nữ và Trẻ em của chúng ta đang quá tải, số lượng các tòa án cũng phải tăng lên”. Bà nhấn mạnh, “chúng ta cũng cần tập trung vào việc bảo vệ nạn nhân, đồng thời một số khía cạnh khác liên quan đến luật này cũng cần được cập nhật”.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI