Bangladesh tìm mua 50.000 tấn gạo từ Việt Nam

11/03/2021 - 14:14

PNO - Bên cạnh nguồn gạo từ Ấn Độ và Thái Lan, Bangladesh cũng đang làm việc với Việt Nam để nhập 50.000 tấn gạo từ Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2).

Ngày 10/3, Hãng tin ANI dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Bangladesh Mustafa Kamal xác nhận, chính phủ nước này đã phê duyệt một loạt kế hoạch mua 350.000 tấn gạo từ 3 quốc gia châu Á.

Theo đó, Ủy ban phụ trách các vấn đề kinh tế Bangladesh đã đồng ý về nguyên tắc cho 3 bản đề xuất cụ thể để thu mua gạo từ Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ theo phương thức mua sắm trực tiếp (DPM).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Bangladesh Mustafa Kamal - Ảnh: UNB
Bộ trưởng Bộ Tài chính Bangladesh Mustafa Kamal - Ảnh: UNB

Quyết định này được đưa ra sau cuộc thảo luận giữa các thành viên nội các tập trung vào chủ đề quan hệ kinh tế diễn ra hôm thứ Tư (10/3), và là cuộc họp lần thứ tám được tổ chức trong năm nay.

Phát biểu ngay sau cuộc họp, ông Mustafa Kamal cho biết, Bangladesh đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu 50.000 tấn từ Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) của Việt Nam. Công ty Punjab State Civil Supplies Corporation Ltd (PUNSUP) của Ấn Độ và Hiệp hội Nông dân Sakonnakhon của Thái Lan là 2 đơn vị tiếp theo sẽ cung ứng nguồn gạo cho Bangladesh.

“Đại sứ quán Bangladesh tại các nước nêu trên đang khẩn trương làm việc với đối tác liên quan để đàm phán và thống nhất giá cả”, ông Mustafa Kamal cung cấp thêm thông tin.

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) tích cực chuẩn bị nguồn cung phục vụ công tác xuất khẩu gạo - Ảnh:
Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) tích cực chuẩn bị nguồn cung phục vụ công tác xuất khẩu gạo - Ảnh: VNEconomy

Theo báo cáo hàng năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì Bangladesh đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu cao thứ hai trên toàn cầu trong thập kỷ qua (2008-2018) và cao nhất trong số các quốc gia Nam Á, trong đó có cả xuất khẩu gạo.

Thế nhưng mức dự trữ lương thực quốc gia của nước này hiện nay giảm xuống còn 656.000 tấn, thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Tổng dự trữ hiện tại ít hơn nhiều so với mức dự trữ tối ưu là 1 triệu tấn mà Bộ Lương thực Bangladesh đặt ra.

“Điều này có nghĩa là các chương trình chính phủ phân phát thực phẩm miễn phí hoặc trợ giá sẽ bị ảnh hưởng, tác động đến an ninh lương thực của nhiều người nghèo”, tiến sĩ Quazi Shahabuddin, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Bangladesh (BIDS) cho biết.

Người nghèo ở Bangladesh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong vài năm gần đây - Ảnh: Star
Người nghèo ở Bangladesh đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong vài năm gần đây do ảnh hưởng của lũ lụt - Ảnh: Star

Trung tâm Đối thoại Chính sách Bangladesh (CPD) cho biết: sản xuất lúa gạo của nước này trong năm tài khóa 2020-2021 đã bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.

Chính vì vậy, Bangladesh cho rằng giải pháp nhập khẩu gạo cần được ưu tiên thúc đẩy trong thời gian tới.

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI