Bangladesh ‘hợp pháp hóa tảo hôn’

06/03/2017 - 17:45

PNO - Trong tuần này, Bangladesh đã thông qua một luật mới cho phép gia đình thông qua tòa án gả chồng con gái dưới 18 tuổi trong những hoàn cảnh đặc biệt, được xác định là vì lợi ích tốt nhất của bé gái.

Quốc hội Bangladesh đã thông qua Dự luật ràng buộc hôn nhân trẻ em năm 2017 bằng cách biểu quyết. Luật mới cho phép các ngoại lệ đối với tuổi kết hôn tối thiểu – hiện là 21 tuổi đối với nam và 18 tuổi đối với nữ.

Bangladesh ‘hop phap hoa tao hon’
Nhân viên xã hội tư vấn cho một bé gái ở Ashkarpur, Bangladesh - Ảnh: CNN

Theo luật mới, cha mẹ hay người giám hộ có thể xin lệnh của tòa án cho phép trẻ em kết hôn vì lợi ích tốt nhất của các em. Luật mới không quy định tuổi tối thiểu để áp dụng, cũng như không đưa ra định nghĩa thế nào là "lợi ích tốt nhất", khiến cho các nhóm nhân quyền lo ngại nó có thể dẫn đến việc các nạn nhân bị hiếp dâm hay các bé gái có thai không mong muốn sẽ được gả cho những kẻ lạm dụng các em.

Nur Khan Liton, phát ngôn viên của Liên minh vận động quyền trẻ em tại Bangladesh nói với báo giới rằng “nhiều kẻ cơ hội có thể lợi dụng những kẽ hở của luật mới”, vì luật chỉ nói đến sự đồng ý của cha mẹ đối với cuộc hôn nhân, chứ không nói về tâm tư của cô gái.

Bangladesh ‘hop phap hoa tao hon’
Sonamoni (ảnh chụp năm 2013) được gả chồng khi cô mới lên 8 tuổi - Ảnh: UNICEF.

Chính phủ Bangladesh bảo vệ luật mới ban hành khi nói rằng nó không khuyến khích hiếp dâm và kêu gọi người dân tin vào tòa án địa phương trong việc quyết định những trường hợp đặc biệt.

Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW) chỉ trích luật mới và gọi việc thông qua luật này là một "bước lùi nghiêm trọng trong cuộc chiến chống tảo hôn”.

Bangladesh là nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất châu Á. Theo Báo cáo về tình trạng trẻ em thế giới năm 2016 của Tổ chức Nhi đồng LHQ (UNICEF), hiện nay 52% phụ nữ Bangladesh kết hôn trước tuổi 18, trong đó, 18% kết hôn năm 15 tuổi – một trong những tỷ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới.

Bangladesh ‘hop phap hoa tao hon’
Sharmin (ảnh chụp năm 2010) sống trên đường phố với con nhỏ mới sinh sau khi bị chồng bỏ rơi - Ảnh: UNICEF

Phát biểu về vấn đề này, ông Heather Barr, nhà nghiên cứu cấp cao về quyền phụ nữ của HRW lên án luật mới mang tính phá hoại. Ông nói, trọng tâm hiện nay là khống chế những thiệt hại gây ra khi chính phủ Bangladesh “hợp pháp hóa tảo hôn”.

Đáp lại những lời chỉ trích từ quốc tế, nghị sĩ Rebecca Momin, chủ tịch Ủy ban Phụ nữ và trẻ em của Quốc hội Bangladesh nói rằng luật mới đã bị hiểu lầm. Bà nói, những ai chống lại luật này không hiểu về xã hội cơ sở của Bangladesh, đó là một đứa trẻ sinh ra do có thai không mong muốn cũng có quyền đòi hỏi danh tính trong xã hội. Ngoài ra, các trường hợp đặc biệt đã có sự xem xét của tòa án và chính quyền địa phương, “chắc chắn họ sẽ có những phán đoán tốt nhất trước khi cho phép kết hôn”.

HOÀNG DIỆU (Theo CNN, The Hindu, Channel NewsAsia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI