Bangladesh đóng cửa 18 nhà máy may sau thảm họa

09/05/2013 - 11:13

PNO - PNO - Bangladesh đã đóng cửa 18 nhà máy may trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ lặp lại vụ sập nhà xưởng ở ngoại ô Dhaka, một thảm họa khiến 912 người thiệt mạng tính đến ngày 9/5, sau khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm...

Bangladesh dong cua 18 nha may may sau tham hoa

Các công nhân may làm việc trong tòa nhà bị sập chờ nhận tiền lương của mình ở Savar ngày 8/5 - Ảnh: AFP

Công bố việc đóng cửa các nhà máy diễn ra sau khi Bangladesh đồng ý với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) "xem xét cao nhất" để đảm bảo an toàn cho người lao động ngành may giữa lúc chính phủ lo ngại các công ty phương Tây có thể quay sang tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ các nước khác.

"Mười sáu nhà máy bị đóng cửa ở Dhaka và hai nhà máy khác tại Chittagong", Bộ trưởng Dệt may Bangladesh Abdul Latif Siddique nói với các phóng viên tại thủ đô, và cho biết chính quyền sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một số nhà máy khác như là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn lao động cho công nhân may ở Bangladesh.

Bangladesh dong cua 18 nha may may sau tham hoa

Việc dọn dẹp đống bê tông gạch đá còn chưa "chạm đến đáy" - Ảnh: AFP 

Trong khi đó, Chuẩn Tướng Siddiqul Alam Sikder, quan chức phụ trách công tác cứu hộ nói với AFP rằng họ hi vọng sẽ tìm thấy thêm các thi thể còn bị mắc kẹt dưới đống bê tông gạch đá, vì hiện tại việc dọn dẹp mới đạt hơn 70% công việc và còn chưa “chạm đến đáy”.

Hơn 3.000 công nhân may làm việc trong ca ngày 24/4 khi tổ hợp Rana Plaza chín tầng sụp đổ lúc họ đang làm hàng giao cho các nhà bán lẻ phương Tây nổi tiếng như Primark của Anh và Mango của Tây Ban Nha.

Nhà chức trách Bangladesh cho biết, tổng cộng có 2.437 đã được cứu sống từ đống đổ nát.

Điều tra sơ bộ của chính phủ “đổ lỗi” thảm họa sập nhà xưởng là do chấn động của các máy phát điện khổng lồ đặt trong tòa nhà và cảnh sát đã bắt giữ 12 người trong đó có chủ sở hữu của khu phức hợp và bốn chủ sở hữu của nhà máy may liên quan đến thảm họa.

Đất nước Bangladesh nghèo khó là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới. Ngành công nghiệp này chiếm hơn 40% lực lượng lao động công nghiệp và 80% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh.

THANH HIỀN (Theo AFP, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI