edf40wrjww2tblPage:Content
Bằng thật chỉ thay ảnh nên khó phát hiện
Bằng thật hình giả
Hiện nay, nhiều sinh viên (SV) ra trường bị vướng chuẩn đầu ra, trong đó môn SV “nợ” nhiều nhất là ngoại ngữ. Vì thế, nhiều SV đã tìm cách chạy bằng.
Qua giới thiệu của người quen, chúng tôi liên lạc với một người tên Bắc đang học tại Thủ Đức để nhờ giúp đỡ làm bằng. Bắc nói thẳng: Mình có thể móc trực tiếp với giáo viên coi thi, chấm thi để làm chứng chỉ của một số trường thuộc ĐHQG TP.HCM. Có hai cách để lấy bằng thật: tổ chức cho người đi thi hộ, lấy được bằng thì bóc hình của người đi thi thay vào hình của người mua, đóng lại dấu giáp lai như cũ, đảm bảo y như thật, cách này tốn năm triệu đồng/bằng; cách thứ hai là người mua trực tiếp đi thi nhưng Bắc bao giáo viên chấm thi đảm bảo kết quả đậu. Cách thứ hai có giá cao hơn, 10 triệu đồng, vì phải chia cho thầy cô. Bằng là bằng thật 100%, người mua có thể kiểm tra lại ở đơn vị tổ chức thi. Cách của Bắc là làm bằng thật, còn những chỗ nhận làm chỉ vài ngày là giao bằng thì chắc chắn là bằng giả.
Chúng tôi quyết định chọn cách đầu, đặt cọc trước hai triệu đồng và chứng minh nhân dân thật để Bắc làm thủ tục dự thi. Sau một thời gian chờ đợi, chúng tôi được Bắc hẹn giao bằng, là Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B do Viện Đào tạo Quốc tế ĐHQG TP.HCM cấp. Khi nhìn kỹ, chúng tôi phát hiện có một vệt nhỏ gần tấm hình nên đặt vấn đề đó là bằng giả, không đồng ý đưa thêm tiền. Bắc trấn an: "chúng tôi đã thay hình của người thi hộ vào chứng minh nhân dân của bạn để dự thi. Vì vậy, trong hồ sơ lưu và trên bằng đều là thông tin của bạn, nhưng hình là của người đi thi giùm. Khi có bằng, chúng tôi mới thay hình của bạn vào, đóng lại dấu giáp lai. Bạn yên tâm, người đi thi hộ rất giống bạn, cứ nộp bằng, không dễ bị phát hiện đâu".
Để khẳng định mức độ chân thực của tấm bằng, Bắc lấy điện thoại gọi thẳng lên trung tâm để xác nhận tên tuổi, ngày tháng năm sinh của người nhận bằng là thật; sau đó đưa chúng tôi đến UBND P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức) để chứng thực. Mọi thứ đều trót lọt, chúng tôi đành phải đưa thêm hai triệu để lấy bằng (bớt một triệu vì hình giả).
Gặp "cò" làm bằng giả
Xử lý chưa nghiêm
Do nhu cầu mua bán bằng cấp ngày càng lớn, nên nhiều trang rao vặt trên mạng thường xuyên xuất hiện những lời quảng cáo “lo” bằng cấp, thậm chí nhận lo luôn điểm đầu vào đại học, giải quyết nợ môn cho SV… Một trang rao vặt mới đăng hồi giữa tháng 11 thông tin: “Nhận lo bằng cấp chứng chỉ đại học, cao đẳng, trung cấp… Tất cả có gốc 100%, làm và nhận tại phòng đào tạo trường. Hoàn tất nợ điểm cho SV. Lo đầu vào các trường 2013. (Vì hồ sơ có hạn ưu tiên người đến trước, không nhận tiền cọc, lo xong mới nhận tiền)…”. Khi chúng tôi điện thoại liên lạc, người nhận điện thoại kể vanh vách tên hiệu trưởng các trường nhưng nhất quyết không gặp mặt trực tiếp mà chỉ yêu cầu người mua bằng gửi tiền vào tài khoản, sau mới gặp để đưa bằng.
Theo “cò” bán bằng tên Long, quy trình làm bằng giá rẻ khá dễ. Chỉ cần lấy hai tờ giấy bìa các-tông, có phết keo ở giữa, đặt vào máy nén để nén lại thành một tờ. Tiếp đó kéo lụa cho lên màu đỏ hoặc xanh, scan logo trường, quốc huy… in một bên tiếng Việt, bên tiếng Anh là xong.
Thực tế, người sử dụng bằng giả rất dễ bị phát hiện, hậu quả là tiền mất và mất luôn cơ hội thi lại. Các trường ĐH-CĐ đều hậu kiểm chứng chỉ, bằng cấp khá kỹ khi SV nộp vào. Mới đây, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM phát hiện 10 trường hợp thi hộ khi kiểm tra chứng chỉ ngoại ngữ do SV nộp và một trường hợp nghi dùng chứng chỉ giả. Trước đó, Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM đã hậu kiểm, phát hiện ba SV làm bảng điểm giả chứng chỉ TOEIC. Hậu quả là không chỉ không được xét tốt nghiệp mà những SV này còn bị cấm thi TOEIC trong ba năm.
Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm, việc SV ra trường nhưng vẫn không được lấy bằng vì nợ chuẩn ngoại ngữ phần lớn là do ý thức học tập chưa cao. Nhiều SV “mắc nợ” vì tâm lý chủ quan, đợi nước đến chân mới nhảy nên nhảy không kịp.
TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: Khâu hậu kiểm được tổ chức rất chặt chẽ, không chỉ kiểm tra trên hồ sơ, trường còn gửi về đơn vị cấp bằng để hậu kiểm nên rất khó “lọt sổ” những trường hợp gian lận.
Theo LS Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, các nhà tuyển dụng thường đòi hỏi, yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ mà chưa chú ý, kiểm tra năng lực, kỹ năng, phẩm chất của người lao động đối với việc mình cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị đào tạo cũng như các đơn vị sử dụng lao động, kể các cơ quan Nhà nước ít chú trọng tới khâu kiểm tra tính xác thực của văn bằng. Do đó, người mua văn bằng, chứng chỉ giả vẫn vô tư sử dụng. Thêm nữa, việc xử lý người làm văn bằng, chứng chỉ giả, người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trên thực tế chưa triệt để. Đối với người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả thì đa phần các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi phát hiện chỉ xử lý nội bộ như kỷ luật cảnh cáo, cao nhất là buộc thôi việc mà không đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Gia Tuệ - Nguyễn Tường
Theo điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai-bảy năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn-bảy năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 50 triệu đồng. Riêng đối với người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, nếu trường hợp chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ theo quy định tại khoản 2 điều 14 Nghị định 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 40/2011/NĐ-CP ngày 8/6/2011 của Chính phủ. |