Băng rừng, vượt suối đi “bắt” học trò

28/08/2023 - 06:14

PNO - Học sinh theo cha mẹ lên rẫy để thu hoạch mùa vụ, nhiều giáo viên ở các xã vùng cao Nghệ An phải “cắm bản” cả tháng trước năm học mới để tìm gặp phụ huynh, vận động cho con em tới trường.

Rút ngắn kỳ nghỉ hè đi tìm học trò

Một ngày trung tuần tháng Tám, hàng chục giáo viên Trường mầm non xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chia thành 5 tốp đi vào điểm trường lẻ để tìm gặp phụ huynh, vận động họ cho con em tới trường. Trường mầm non xã Tri Lễ có 5 điểm trường với 100% học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc Mông. Phải mất hơn 3 giờ vừa chạy vừa đẩy xe máy, các cô giáo mới vào được bản Mường Lống. Cô Lô Thị Liên - dạy ở điểm trường Mường Lống - nói: “Cũng may hôm nay trời không mưa nên đường dễ đi hơn. Nhưng trên đường có rất nhiều luống khoai sâu hoắm, chỉ cần sảy tay lái là ngã ngay”. 

Thấy cô giáo đến, 3 đứa trẻ người Mông chạy trốn ra phía sau nhà. Cô Liên bảo, việc này khá phổ biến do bất đồng ngôn ngữ. Đây cũng là một trong những khó khăn của các giáo viên khi đi vận động HS. “Nhiều gia đình chỉ có bà già, trẻ nhỏ ở nhà. Những người này chỉ nói được tiếng Mông nên có nhiều em thấy người lạ đến thì chạy trốn. Bởi thế chúng tôi thường phải đi theo nhóm, có trưởng bản, hoặc ít nhất có một cô giáo người Mông để nói chuyện với phụ huynh, HS” - cô Liên cho hay.

Năm học 2023-2024, điểm trường Mường Lống dự kiến có 64 cháu, nhưng đến nay cô Liên mới tìm gặp được 50 cháu. Thời điểm này đang là vụ mùa thu hoạch của người Mông, nên rất khó để gặp phụ huynh. Không ít lần các cô giáo “tay trắng” ra về vì cửa nhà bị khóa trái. Thời gian ngày một gấp rút, nhiều giáo viên thậm chí còn “cắm bản” để gặp được phụ huynh đi rẫy về nhà. 

 

Giáo viên Trường mầm non xã Tri Lễ đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tới trường học - ẢNH: LÔ HƯƠNG
Giáo viên Trường mầm non xã Tri Lễ đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em tới trường học - Ảnh: Lô Hương

Cô Lầu Y Pay - điểm trường Huồi Mới, Trường mầm non xã Tri Lễ - cho biết: “Phần lớn các em ở với ông bà, nhiều em 3, 4 tuổi vẫn chưa đi học được vì cha mẹ làm ăn ở miền Nam, chưa về làm giấy khai sinh cho con. Một số cháu lại theo ông bà lên rẫy, khi mình gọi điện thúc giục thì họ bảo không về được, 1 năm gặt lúa có lần, bỏ về lỡ mưa làm hỏng lúa lấy chi ăn. Thế nên để gặp họ, chúng tôi phải đi từ sáng sớm, hoặc đêm khuya”.
Từ đầu tháng Tám đến nay, các cô giáo chỉ ở nhà ngày Chủ nhật, còn lại đều vào bản để vận động phụ huynh. Cô Hoàng Thị Đài - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tri Lễ - chia sẻ: “Năm nay mưa nhiều nên việc đi vận động HS rất khó khăn. Không chỉ các cô đi lại vất vả mà phụ huynh cũng vậy. Nếu nắng thì ngày đi gặt lúa đêm họ về, các cô còn gặp được, chứ mưa họ đưa con lên rẫy ở trên đó luôn”.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để trẻ đến trường

Xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm lọt giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Để vào “gieo chữ” ở đây, giáo viên vượt nhiều chặng đường từ thuyền, xe máy, tới đi bộ nửa ngày trời. Cô Nguyễn Thị Xoan - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Hữu Khuông - cho hay, dù đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để tuyên truyền, song vì nhiều người bận lên rẫy thu hoạch lúa, các cô phải tìm lên tận nương rẫy để gặp HS và phụ huynh. Để tiết kiệm tối đa cho phụ huynh, trường không thu tiền thuê người nấu ăn. Thay vào đó cử luân phiên 1 ngày 2 phụ huynh tới trường đi chợ, nấu cơm trưa cho các em.
 

Các cô Trường mầm non xã Hữu Khuông băng rừng vào bản tìm học trò - ẢNH: LÔ HƯƠNG
Các cô Trường mầm non xã Hữu Khuông băng rừng vào bản tìm học trò - Ảnh: Lô Hương

Còn ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cô Lô Thị Hà - Hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Lý 2 - thông tin, hiện có gần 40 gia đình gửi con lại cho người thân chăm sóc để đi làm ăn xa. Ông bà không biết chữ, cũng hiếm khi ra khỏi bản, các cô lại thay nhau đến tận nhà hỗ trợ các cháu làm thủ tục nhập học, kịp hưởng tiền trợ cấp ăn trưa theo quy định. “Khó nhất hiện nay là các cháu lớp nhà trẻ, vì không được hưởng tiền trợ cấp ăn trưa, về nhà cũng khó nên nhiều ông bà chỉ muốn để cháu ở nhà. Nhiều cháu đi học mang cặp lồng cơm với miếng cá đi ăn trưa, xót quá các cô phải san sẻ thức ăn hỗ trợ” - cô Lô Thị Hà nói.

Ông Cụt Văn May - Phó chủ tịch UBND xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn - cho biết, nhiều HS được cha mẹ gửi lại cho người thân rồi vào miền Nam làm thuê. Có em ở với ông bà, người quen, song cũng có nhiều em ở nhà cùng anh chị mới học cấp II. Trước tình hình đó, UBND xã đã thành lập tổ vận động để phối hợp cùng các trường đi vận động HS tới trường. Tổ vận động còn có nhiệm vụ giám sát HS. Khi có em nào nghỉ học dài ngày, tổ sẽ phối hợp cùng nhà trường đến nhà tìm hiểu. Nếu nghỉ học vì quá khó khăn thì sẽ tìm cách hỗ trợ. 

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI