Chồng tôi vốn là một người hoạt bát, vui vẻ và được người xung quanh đánh giá là rất tốt tính. Khi yêu, tôi thấy anh gần như không có khuyết điểm gì nên đã tự tin nhận lời lấy anh. Lúc mới cưới, anh vẫn đang là nhân viên kỹ thuật của một hãng xe tại Sài Gòn. Nhờ ngoại hình khá cùng khả năng giao tiếp tốt nên anh được đề nghị chuyển sang lĩnh vực sale (bán hàng) tại showroom. Anh cũng muốn thử sức với công việc này nên nhận lời.
Bằng sự cầu tiến của mình, chỉ sau ba năm anh đã được cất nhắc lên vị trí quản lý một showroom lớn. Tất nhiên, mức lương anh nhận được tăng lên vài lần, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực công việc cao hơn trước nhiều. Có những chỉ tiêu cố định về doanh số hàng tháng ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí cũng như thu nhập của anh. Anh phải gặp gỡ khách hàng nhiều hơn và dành cả thời gian khi ở nhà để giải quyết nhiều công việc khác.
|
Chồng tôi được cất nhắc và tăng lương, đồng nghĩa với áp lực công việc cũng tăng theo. Ảnh minh họa |
Tôi thông cảm với anh và chủ động san sẻ phần lớn việc nhà cũng như việc chăm con. Tuy nhiên, dần dần tôi nhận thấy chồng mình có biến đổi rõ rệt về tâm lý. Lúc bình thường, khi công việc thuận lợi, anh vui vẻ hoạt bát đúng “chất” con người anh trước giờ. Dù bận nhưng hễ về tới nhà là anh sà vào chơi với con, tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để dạy con học hay đỡ đần vợ. Anh cười nói, chuyện trò với tôi không ngớt, buổi tối hễ xong việc nhà cửa, con cái là anh rủ tôi đi chơi rồi mua sắm quần áo, váy vóc, mỹ phẩm cho vợ.
Tôi bảo không cần thì anh hào hứng khoe vừa được thưởng khoản này khoản nọ, nhiều lúc cao hứng anh còn rủ tôi và bạn bè đi hát karaoke, ăn uống đến khuya. Những lúc như vậy anh cũng yêu chiều con hết mức, con xin gì đòi gì cũng cho, số đồ chơi anh mua cho con giờ chất được thành đống lớn trong phòng.
|
Bình thường, anh tỏ ra vui vẻ, phấn chấn, yêu đời tha thiết và rất quan tâm vợ con, thậm chí nuông chiều con quá mức. Ảnh minh họa |
Nhưng những ngày công việc ở showroom có trục trặc, hoặc tháng đó bị trừ lương hay phạt tiền, là anh về nhà với thái độ khác hẳn, thậm chí như biến thành một người khác. Tôi đủ trưởng thành để hiểu rằng việc mệt mỏi ở chỗ làm gây ảnh hưởng tinh thần cả khi đã về nhà là điều bình thường, đáng thông cảm, nhưng đến mức như anh thì không ổn. Có những ngày anh không nói với ai một lời, tôi hỏi đến thì cáu gắt, cơm cũng không buồn ăn. Anh nói chuyện với vợ cộc cằn đã đành, còn khó chịu với con ra mặt, thậm chí sẵn sàng đánh con rất mạnh tay khi con làm gì không đúng ý, dù chỉ là những chuyện rất nhỏ nhặt.
Bình thường mỗi khi tôi bệnh, dù bệnh vặt, anh cũng rối rít lo lắng và chăm bẵm từ miếng ăn, cốc nước rồi bóp tay chân cho tôi ngủ. Nhưng trong những ngày anh khó chịu, tôi có bị điện giật la lớn gọi anh, anh cũng sầm mặt đi vào và buông một câu: “Điện giật mà làm như sắp chết!”. Có lần anh đang xem đá bóng con đi tới đòi xem hoạt hình, trẻ con hay mè nheo, nhưng con chỉ mới nói lần thứ hai anh đã bật dậy tát con mấy cái liền in hằn cả dấu tay lên mặt.
|
Nhưng có những ngày anh như biến thành người khác, anh nổi điên dễ dàng và đánh con rất đau. Ảnh minh họa |
Lần khác, con vô tình vấp ngã khi đang chơi, vô tình chống khuỷu tay lên bụng anh, anh lấy mắc áo vụt con tới tấp, đỏ lằn hết lưng. Ban đầu thấy vậy tôi rất giận dữ và không nói chuyện với anh mấy ngày liền. Nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi thấy anh có vẻ rất buồn và khổ tâm. Tình trạng này kéo dài trong vài tháng, tôi để ý thấy những “cơn điên” của anh ngày càng kéo dài hơn, có khi cả tuần lễ. Rồi một đêm anh không ngủ được, nằm tới gần sáng anh lay tôi dậy rồi xin lỗi.
Anh bảo không hiểu sao những lúc gặp chuyện không như ý bên ngoài, anh lại thấy chán nản cùng cực và nổi cáu rất dễ dàng, thậm chí vô cớ. Nghe anh nói vậy, tôi bất chợt nảy ra ý nghĩ, có lẽ anh tinh thần anh đang bị ảnh hưởng xấu do phải chịu áp lực công việc lâu ngày. Tôi không giận anh nữa mà nhẹ lời khuyên anh đi khám. Tôi nói mãi, cuối cùng anh cũng chịu đi.
|
Tôi động viên anh đi khám và phát hiện anh mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Ảnh minh họa |
Sau khi làm các bài kiểm tra và được bác sỹ chuyện trò thăm khám, anh được kết luận đang bị rối loạn lưỡng cực. Khi anh vui quá mức, lúc lại suy sụp tinh thần gần như trầm cảm, những thay đổi này không phải việc thay đổi cảm xúc nhất thời như một người bình thường mà do tác động của chứng rối loạn lưỡng cực. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến qua rối loạn thần kinh, khi ấy sẽ nguy hiểm hơn nhiều.
Nhờ phát hiện bệnh kịp thời, chồng tôi được chữa khỏi hẳn sau gần nửa năm điều trị. Chúng tôi bàn bạc và quyết định để anh làm lại công việc cũ, là một nhân viên kỹ thuật. Tôi biết áp lực là một phần tất yếu của cuộc sống và công việc, nhưng mỗi người có khả năng thích nghi, chịu đựng một mức độ áp lực khác nhau.
Có những người khi phải chịu áp lực quá lâu dễ bị rối loạn tâm lý, thậm chí mắc những bệnh khó chữa, ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân họ cũng như cuộc sống gia đình, vợ chồng, con cái… Từ câu chuyện của gia đình mình, tôi muốn cảnh báo mọi người, hãy luôn quan tâm đến chồng/vợ mình để biết được những vấn đề người kia đang gặp phải thay vì vội vàng kết tội.
L.A.