Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với bạn bè facebook của ông một lá thư đặc biệt: thư của một phụ nữ Việt (em họ nhà văn) đang làm dâu ở Trung Quốc. Lá thư nhắc đến những lần tranh luận giữa bà và chồng về các hành động xâm lược trắng trợn biển đảo Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ban đầu, người chồng đã phản đối dữ dội, thậm chí thét lên bảo bà hãy về Việt Nam mà sống. Nhưng thật may, vợ chồng họ yêu thương nhau; người chồng là tiến sĩ đã âm thầm nghiên cứu những tài liệu liên quan đến lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc để có được chính kiến. Đến “sự kiện bãi Tư Chính” vừa rồi, chồng bà mới công nhận “đây thực sự là một cuộc xâm lược”.
Có lẽ, vị tiến sĩ đó chỉ là một trong số hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người dân Trung Hoa bị nhà cầm quyền của đất nước mình nhồi sọ về “chủ quyền nhận vơ” của họ đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nói riêng, và cả Biển Đông nói chung.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến độc giả những phân tích của tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, người có vai trò rất quan trọng trong Hiệp định biên giới Việt - Trung - về chiêu trò “lộng giả thành chân” này của nhà cầm quyền Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông, cũng như “lỗ hổng” về giáo dục biên giới, chủ quyền trong nhà trường của ta lâu nay.
|
Cần đưa nội dung biển đảo vào chương trình giáo dục chính khóa |
Cuộc “xâm lược mềm” mang tên “nhồi sọ”
Phóng viên: Thưa tiến sĩ, 30 năm gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia, hẳn ông đã tiếp xúc với không ít trường hợp như vị trí thức người Hoa kia. Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện “nhồi sọ” của nhà cầm quyền Trung Quốc?
Tiến sĩ Trần Công Trục: Trung Quốc luôn âm mưu độc chiếm Biển Đông, muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ và dùng Biển Đông làm bàn đạp để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
Trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị, địa - chiến lược, địa - kinh tế, địa - kế hoạch, Trung Quốc áp dụng rất nhiều biện pháp, rất nhiều hình thức khác nhau. Một trong những biện pháp mà Trung Quốc đẩy mạnh nhất, đó là giảng dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng, Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Họ nói Biển Đông là biển Hoa Nam - biển phía nam của Trung Hoa.
Tôi có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà nghiên cứu người Trung Quốc. Các giáo sư ở tuổi 60-70 nói rằng: “Từ khi cắp sách đến trường, tôi đã được học trong sách giáo khoa, được nghe các thầy cô giáo dạy rằng, Biển Đông mà các bạn thường nhắc là biển nam Trung Hoa, và Tây Sa, Nam Sa cũng là của Trung Quốc, vì người Trung Quốc cách nay hàng ngàn năm đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu và thực hiện chủ quyền ở đây”.
Đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường là cách Trung Quốc “nhồi” những điều vô lý đó vào nhiều thế hệ nhân dân của họ. Họ đã chuẩn bị rất kỹ về giáo dục tư tưởng cho các thế hệ Trung Quốc, biến nó thành sức mạnh để họ quyết tâm tiến xuống độc chiếm Biển Đông.
Tất cả thông tin trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đó, họ không chỉ đưa vào sách giáo khoa mà còn in ấn, xuất bản bản đồ cùng rất nhiều tài liệu khác. Họ dùng các loại bản đồ để thể hiện yêu sách, thể hiện cái mà họ nói là họ có chủ quyền đối với hai quần đảo bất khả xâm phạm là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bây giờ, họ tiếp tục đưa vào sách giáo khoa, cũng là nối dài thủ đoạn cũ, chỉ khác là nâng nội dung thông tin để tăng thêm sự thuyết phục đối với thế hệ trẻ Trung Quốc. Lâu nay, chúng ta cũng không ít lần gián tiếp hoặc trực tiếp nêu ra vấn đề này trong các cuộc giao tiếp, đàm phán hoặc các cuộc trao đổi giữa các học giả hai nước.
* Trung Quốc “lộng giả thành chân”, họ nhồi sọ nhiều thế hệ của họ, trong khi ta có chính nghĩa nhưng kiến thức về biên giới, biển đảo vẫn chỉ là một nét rất mờ trong chương trình phổ thông và vị thế môn lịch sử cũng như cách giảng dạy môn lịch sử của ta cũng đang rất có vấn đề…
- Tôi rất chia sẻ sự so sánh này. Và tôi nghĩ, đúng là có nghịch lý. Những yêu sách, đòi hỏi, hành động, hành vi, kể cả lập trường pháp lý của Trung Quốc đều sai trái, không hề có sự phù hợp nào với nguyên tắc của luật pháp quốc tế, không phù hợp với các quy định của UNCLOS 1982. Nhưng họ vẫn làm, vẫn tuyên truyền, giáo dục, nhồi nhét tất cả những điều sai trái đó vào nhiều thế hệ người Trung Quốc.
Đúng là “lộng giả thành chân”, nhiều thế hệ người Trung Quốc từ lâu đã luôn xem Biển Đông là biển nam Trung Hoa của họ.
Việt Nam ta, thời gian vừa qua đã đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ về các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, về vấn đề Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về vai trò, vị trí của hai quần đảo này trong việc xác lập các vùng biển trong Biển Đông thuộc các quyền hợp pháp của chúng ta như thế nào.
Nhưng, nó đã trở thành một nội dung mang tính chất giáo dục (đúng với lập trường pháp lý mang tính chính nghĩa của chúng ta) trong nhà trường hay chưa, thì phải thừa nhận rằng chưa đầy đủ.
Đến nay, trong các bộ sách giáo khoa ở các cấp học của ta, có nhiều vấn đề chỉ được nói đến chung chung. “Chủ quyền”, “lãnh thổ” bị đưa lẫn với môi trường, tài nguyên biển, chứ không nói đến các quyền và lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông như thế nào, với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển ra sao.
Ta có công lý, dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào UNCLOS 1982 thì tại sao chúng ta phải tránh những điều mà chúng ta đúng? Như thế là trốn tránh lịch sử và không công bằng với lịch sử. Trong khi Trung Quốc sai thì họ lại làm mọi thứ, tiếp tục in sách, tiếp tục in bản đồ… Đó là những mũi tấn công của cuộc “xâm lược mềm” hiện nay mà Trung Quốc đang thực hiện với thềm lục địa của chúng ta.
Cần trang bị kiến thức nền về biên giới, lãnh thổ cho thế hệ trẻ
* Để trống kiến thức về biên giới, biển đảo, chủ quyền trong nhà trường phổ thông sẽ dẫn đến những hệ quả nào, thưa tiến sĩ?
- Cho tới nay, có thể nói, trên thông tin chính thống của ta vẫn còn không ít “sạn”, thậm chí sai sót. Ví dụ, từ quan trọng nhất mà chúng ta hay nói là “Biển Đông”.
“Biển Đông” là tên riêng của khu vực biển phía đông Việt Nam mà người Việt Nam thường gọi. Trong tài liệu chính thức của Chính phủ Việt Nam gửi cho tổ chức Khí tượng thế giới: đề nghị dùng Biển Đông như là tên riêng của người Việt Nam hay gọi cho vùng biển mà quốc tế thường gọi là South China Sea.
Đó là tính chính thức chúng ta công khai cái tên “Biển Đông” cho quốc tế biết. Trong các văn bản tuyên bố chính thức của ta, những công hàm, công văn của Bộ Ngoại giao đều dùng “Biển Đông”.
Nhưng hiện nay, trên truyền thông, nhiều nơi viết sai “Biển Đông” thành “biển Đông”, hoặc vẫn dịch ra là East Sea, Eastern Sea. Dù cái tên không có giá trị pháp lý, nhưng đó là tên riêng. Hơn nữa hiện nay, Trung Quốc lại đang muốn lợi dụng cách gọi South China Sea. Họ “lý luận”, người phương Tây gọi South China Sea có nghĩa biển đó là của Trung Hoa.
Trung Quốc có ý đồ đó. Họ còn dùng một số thuật ngữ khác, tên gọi khác (họ thay đổi rất nhiều tên gọi của quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa, Tam Sa…) để nói rằng người Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên. Họ dùng việc đặt tên đó như một mũi tấn công trong cuộc xâm lăng về chủ quyền đối với vùng biển này, và với các quần đảo của chúng ta. Nên chúng ta phải lưu ý điểm đó để tránh sự lợi dụng của phía Trung Quốc.
Câu chuyện tôi muốn nói ở đây là, do không có được kiến thức nền, đến nay, các phương tiện truyền thông của ta vẫn có những hạt sạn chưa nhặt hết được. Chúng ta đang mạnh về pháp lý nhưng lại đuối về kiến thức nền nên chúng ta không thể nói để người dân hiểu rõ. Điều đó đồng nghĩa với việc ta đang để trống một mặt trận rất quan trọng.
Và cũng vì thiếu kiến thức nền mà trong các vụ Trung Quốc gây ra trên Biển Đông, mặt trận truyền thông của ta luôn ở thế bị động. Thời gian đầu khi xảy ra việc tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 xâm phạm bãi Tư Chính, rất nhiều người ở khắp nơi gọi điện đến hỏi tôi: “Ông Trục ơi, sao lần này yên ả thế, không thấy bất kỳ thông tin nào”. Tôi không biết trả lời họ ra sao. Vì theo tôi, Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng. Vấn đề là chúng ta có chủ động đưa ra thông tin hay không.
Bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam và quan ngại về Trung Quốc, nhưng chúng ta không chủ động lên tiếng nên sâu xa, họ vẫn không hiểu Việt Nam có thực sự đúng không, Trung Quốc nói như vậy thì Trung Quốc đúng hay Việt Nam đúng.
Theo tôi, trước mắt và cấp thiết, chúng ta cần có một “ban cố vấn” tập hợp các chuyên gia, những người có tri thức cần thiết để nghiên cứu, đánh giá, phân tích tình hình và đưa ra những giải pháp để truyền thông có thể đưa thông tin chủ động, kịp thời và chính xác, dần dần chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trên mặt trận quan trọng này.
* Tôi rất xúc động khi được biết mới đây, tiến sĩ đã có những buổi tọa đàm, hội thảo giáo dục về chủ quyền, lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông với giảng viên và sinh viên của các trường đại học. Ta chưa đưa được kiến thức đó vào sách giáo khoa và giảng dạy trong nhà trường thì ta thắp dần lên từng ngọn lửa để hợp lại thành bó đuốc…
- Gần đây, tôi tham dự hội thảo với các thầy cô giáo và sinh viên Trường đại học Hùng Vương, Trường đại học Sư phạm II. Khi tôi trình bày xong, có sinh viên hỏi tôi về việc tiếp cận và tiếp nhận những thông tin về Biển Đông bằng cách nào, ứng xử ra sao với những nguồn thông tin trên mạng xã hội.
Tôi trả lời: “Tôi rất hoan nghênh câu hỏi thú vị và thiết thực đó của các em. Để phân biệt được những đúng, sai của các thông tin trên mạng xã hội, chúng ta cần phải có cái nền kiến thức. Có được nền tảng kiến thức cơ bản, đúng đắn, chuẩn xác, khách quan, khoa học thì khi đọc những thông tin trên mạng xã hội, các em sẽ phân biệt được cái nào thật, cái nào giả, cái nào đúng, cái nào sai”.
Nhưng thực tế hiện nay, có lẽ với nhiều em, đó là lần đầu được nghe nói về chủ quyền, lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong lịch sử đất nước, bảo vệ và giữ vững biên giới, lãnh thổ luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Tôi nghĩ, điều cần rèn luyện cho thế hệ trẻ (bên cạnh rèn luyện tư tưởng, lập trường, đạo đức) là một kiến thức nền về biên giới, lãnh thổ quốc gia, về các quyền chủ quyền, các lợi ích hợp pháp của ta ở từng vùng, từ đất liền cho tới biển đảo… để họ có thể phân tích, nhìn nhận một cách khách quan nhất, đúng theo luật pháp nhất, trước những công bố, tuyên bố ở cả phía ta và Trung Quốc.
Uông Ngọc (thực hiện)