Giao bán bằng giả tiếp tục... "vào mùa"
Chỉ với 1 cú nhấp chuột trên google với từ khóa "bằng giả" hoặc chỉ cần ngồi lướt facebook, hàng loạt những bài đăng "NHẬN LÀM BẰNG GIẢ" nhan nhản trước mắt, người đọc sẽ thoải mái tham khảo dịch vụ bằng giả với hàng loạt mê cung lời chào hấp dẫn mà không biết mình đang dính một vố lừa đau.
"Chúng tôi làm bằng ĐH, CĐ… chất lượng tốt nhất, rẻ nhất thị trường, sử dụng công nghệ phôi in chuẩn, tem 7 màu 6 cánh chuẩn (99%). Sản phẩm giống thật trên 90%"
Hay: "Bằng phôi xịn, sản phẩm giống thật đến 95-98%. Chỉ nhận thanh toán của khách hàng khi làm xong và khách hàng hài lòng"...
Hình thức lừa đảo không phải là mới, nhưng nó đánh trúng tâm lý nhu cầu của khách hàng nên dễ dùng lừa gạt tiền bạc.
Vào vai một người đi mua bằng, PV Báo Phụ nữ TP.HCM liên hệ với số điện thoại 0902.282.33XX của người tên Gia H. vừa đăng bài quảng cáo "bán bằng" uy tín "đảm bảo bằng tốt 100%".
Trao đổi qua điện thoại, người bán bằng giả này báo giá: "Bằng cấp 3 cùng với học bạ là 3 triệu, bằng đại học với bảng điểm là 7 triệu, cao học khoảng chục triệu... bằng càng cao giá càng đắt. Giá cả như vậy là hợp lý, có những nơi rẻ hơn nhưng không đảm bảo. Chúng tôi làm uy tín, có mối quan hệ với các trường đại học nên hoàn toàn yên tâm.
Việc trao đổi làm bằng hết sức đơn giản, bạn nhắn thông tin, địa chỉ, trường lớp, nguyện vọng cho tôi... tôi sẽ làm cho bạn. Sau đó, chúng tôi sẽ cử người giao bằng tận nhà, chúng tôi sẽ nhận tiền qua tài khoản, không nhận tiền trực tiếp lỡ có chuyện gì không hay xảy ra cũng ngại, nhân viên không cãi lại được".
Tiếp tục liên hệ với "trung tâm bán bằng giả" khác qua số điện thoại mời chào 0938063XXX, người đầu dây bên kia lập tức nhấc máy và tư vấn với những lời lẽ đúng như nguyện vọng mong đợi của khách hàng.
Khi được hỏi về tính an toàn cũng những chiếc bằng này, những người bán bằng giả ở đầu dây bên kia đưa ra những lưu ý:
"Tôi lưu ý là chỉ làm cho những người dùng bằng để đi làm, hay để nhằm mục đích lên chức thôi, chứ không làm để lấy bằng học lên. Muốn học lên từ bằng này thì hơi khó vì quá trình học tập nhà trường đã lưu hết hồ sơ rồi, cái này dùng để vào các công ty thôi, họ chỉ kiểm tra qua qua bản công chứng, khi nào người ta hỏi bằng thật thì cứ đưa ra bình thường, người ta cũng chỉ so sánh qua qua thôi", người này nhấn mạnh.
Theo những người này, việc làm bằng mất khoảng 2-3 ngày là sẽ có người trao tận tay. Có những nơi phải đặt cọc tiền trước chỉ khoảng 200-300 nghìn, cũng có nơi không cần đặt cọc trường, nhận được bằng mới yêu cầu nộp tiền. Tiền mua bằng sẽ được nhận theo hình thức chuyển khoản "tránh gặp chuyện bất trắc xảy ra".
Cần phải xử lý nghiêm
Trong thời đại hiện nay, bằng cấp được xem như là chìa khóa để mở cửa tương lai, là giấy thông hành để bước vào con đường danh vọng... Chính bởi vậy, mà nhiều người đã không dùng thực sự thật sự, cố tình bỏ qua luật pháp để sẵn sàng bán bằng giả, mua bằng giả, sử dụng bằng giả bất chấp những mối hiểm họa khôn lường đằng sau.
Được biết, những quy định về xử lý kỷ luật người sử dụng bằng giả rất nghiêm khắc và rõ ràng. Cụ thể, tại Điều 267 BLHS quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù đến 7 năm.
Về việc này, một vị GS của ĐHQG từng trao đổi trên Người lao động bình luận: "Quy chế rất rõ ràng, đầy đủ nhưng vấn đề là xử lý kỷ luật chưa nghiêm nên không ai sợ. Bộ GD-ĐT đề ra quy chế cấm học viên sau ĐH tiếp xúc thành viên hội đồng chấm luận văn, luận án trước khi bảo vệ nhưng ít cơ sở đào tạo chịu thực hiện vì lối suy nghĩ xuê xoa, đại khái. Học viên sau ĐH nào mang luận án đến nhà thành viên hội đồng để chấm cũng cầm theo phong bì, như thế thì làm sao đánh giá được khách quan?".
Về giải pháp ngăn chặn bằng giả, vị chuyên gia này cho rằng phải xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm để làm gương, bên cạnh đó, cần công khai các luận văn, luận án trên trang web của trường để dễ dàng có thông tin so sánh, đối chiếu.
Điều 267 (BLHS): Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. |
Lam Thanh