Bảng cầu cơ và những sự thật khó tin

12/01/2025 - 07:12

PNO - Không liên quan tới tồn tại siêu nhiên nào, khả năng âm thầm chi phối tâm lý con người mới là tác dụng kỳ lạ nhất của những tấm bảng cầu cơ.

Nước Mỹ, cuối thế kỉ XIX, trò chơi có tên ouija (tức bảng cầu cơ, hay bảng trò chuyện tâm linh) được sinh ra giữa “cơn sốt” say mê các trải nghiệm siêu nhiên huyền ảo. Tưởng chừng chỉ là món đồ chơi chạy theo trào lưu, bảng cầu cơ lại dần nắm giữ chỗ đứng nổi bật trong nền văn hóa xã hội phương Tây.

Cuối những năm 1800, trên nhiều tờ báo khắp nước Mỹ đồng loạt xuất hiện mẫu quảng cáo về một sản phẩm lạ thường: “Ouija, Tấm bảng Trò chuyện Tuyệt vời”. Địa chỉ bán hàng đầu tiên là một cửa hiệu đồ chơi ở thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania, Đông Bắc Hoa Kỳ).

Quảng cáo đưa ra mô tả khoa trương nhưng hấp dẫn công chúng tò mò: “Món đồ lý thú có khả năng kết nối chúng ta với thế giới bí ẩn, phi thực”.

Vào thời đại nước Mỹ đầy biến động, chiến tranh và mất mát, cầu cơ – được quảng bá “giúp mọi người kết nối với thế giới tâm linh” – phần nào phản ánh nỗ lực giải phóng áp lực tinh thần của công chúng lúc bấy giờ. - Ảnh: Getty
Vào thời đại nước Mỹ đầy biến động, chiến tranh và mất mát, cầu cơ – được quảng bá “giúp mọi người kết nối với thế giới tâm linh” – phần nào phản ánh nỗ lực giải phóng áp lực tinh thần của công chúng lúc bấy giờ. - Ảnh: Getty

Sử gia, nhà sưu tầm cổ vật Robert Murch – đã dành hơn 3 thập niên nghiên cứu sức hút văn hóa của bảng cầu cơ cho biết, “Có một câu hỏi luôn quẩn quanh trong đầu tôi: cầu cơ khơi gợi hứng thú xen lẫn e sợ của nhiều người Mỹ, ấy vậy mà một khoảng thời gian dài trước đây, vì sao không ai thật sự để tâm nó được phát triển bằng cách nào?”.

Khởi nguồn dị thường

Trước khi được giới thiệu rầm rộ trên mặt báo, bảng cầu cơ đã sở hữu chứng nhận thoạt nghe rất đáng tin cậy: “Văn phòng Sáng chế của Mỹ cấp phép kinh doanh”, với giá bán lẻ ban đầu 1,5 đô la. Theo cách khó hiểu nào đó, thiết bị lạ lùng chưa từng thấy này đã được chứng thực “khả năng hoạt động” ngay ở Văn phòng cấp bằng sáng chế.

Vậy, ai là “cha đẻ” của bảng cầu cơ?

Mọi thứ khởi đầu từ một doanh nghiệp nhỏ - Kennard Novelty (trụ sở tại Baltimore, bang Maryland). Nhận thấy xu hướng ưa chuộng các sản phẩm giải trí độc đáo và huyền bí, nhóm doanh nhân đứng sau công ty này nghĩ tới một thiết bị có thể đặc biệt kích thích tính hiếu kỳ.

Hai phụ nữ trẻ với “tấm bảng trò chuyện tâm linh”, phiên bản sớm nhất, đầu thập niên 1890. - Ảnh:  TalkingBoardHistoricalSociety
2 phụ nữ trẻ với “tấm bảng trò chuyện tâm linh”, phiên bản sớm nhất, đầu thập niên 1890. - Ảnh: TalkingBoardHistoricalSociety

Học giả, sử gia kỳ cựu người Mỹ - Brandon Hodge - giải thích về cách bảng cầu cơ ghi dấu ấn khó quên trong lịch sử: “Thời ấy, chủ nghĩa tâm linh đã thâm nhập vào đời sống công chúng Hoa Kỳ trong giai đoạn khá dài. Dù vậy, nhiều hoạt động (trò chơi, buổi lễ) kết nối với linh hồn hoặc ‘thế giới bên kia’ lại tốn thời gian. Điện báo – lúc đó đã rất thông dụng – là cảm hứng khiến những người thiết kế trò cầu cơ nảy sinh sáng kiến tương tự.

Đó là một tấm bảng biểu thị loạt thông tin, lời nhắn dễ hiểu được quảng bá sẽ giúp mọi người nhanh chóng ‘trò chuyện’ với người thân đã khuất. Về khía cạnh tâm lý học tiêu dùng lẫn kinh doanh, Kennard Novelty rõ ràng đã làm nên chuyện, nhờ phát minh bảng cầu cơ”.

Quảng cáo bảng cầu cơ trên báo chí Hoa Kỳ và thiết kế bảng cầu cơ nguyên thủy được trưng bày ngay mặt tiền một cửa hàng. - Ảnh: TalkingBoardHistoricalSociety
Quảng cáo bảng cầu cơ trên báo chí Hoa Kỳ và thiết kế bảng cầu cơ nguyên thủy được trưng bày ngay mặt tiền một cửa hàng. - Ảnh: TalkingBoardHistoricalSociety

Có thể là sắp đặt tình cờ hoặc đã được tính toán trước, năm 1886, một bảng gỗ tên gọi bảng cầu cơ tạo “hiện tượng” khi đột nhiên xuất hiện ở một sự kiện sinh hoạt hè dành cho người theo chủ nghĩa tâm linh tại bang Ohio. Trên tấm bảng là từng dòng chữ số, chữ cái, cùng vài câu chào hỏi, hiệu lệnh đơn giản. Đi kèm còn có một planchette (đạo cụ bằng gỗ hình dáng như đầu mũi tên, để điều khiển thông điệp).

Khi bài báo viết về trại hè làm xôn xao dư luận khắp nơi, vì muốn lập tức thương mại hóa trò chơi, doanh nhân Charles Kennard thành lập Kennard Novelty cùng luật sư Elijah Bond – người đầu tiên được cấp bằng sáng chế bảng cầu cơ, và Washington Bowie, một thanh tra viên. Họ “nhanh tay” độc chiếm quyền sản xuất cũng như quảng cáo bảng cầu cơ.

“Chúc may mắn”

Năm 1890, đã chuẩn bị tung ra thị trường, nhưng “thiết bị giao tiếp huyền bí” Kennard tâm đắc vẫn chưa được chính thức đặt tên.

Nhà sử học Murch tiết lộ: “Elijah Bond, được tin rằng đã phát minh ra cấu trúc bảng cầu cơ, có một người chị dâu cực kỳ nhạy cảm với những vấn đề tâm linh. Người phụ nữ này có lần tự mình cầu cơ, để ‘hỏi’ tấm bảng nên gọi nó là gì. Câu trả lời bà nhận được là, ‘ouija’. Theo như tấm bảng ‘giải thích’, từ này có nghĩa ‘chúc may mắn’”.

Giúp bảng cầu cơ có cơ hội ra mắt công chúng, nhưng về sau, Helen Peters sống “khép kín và không còn muốn nhắc đến ouija”, theo Murch. - Ảnh: RobertMurch.
Giúp bảng cầu cơ có cơ hội ra mắt công chúng, nhưng về sau, Helen Peters sống “khép kín và không còn muốn nhắc đến ouija”, theo Murch. - Ảnh: RobertMurch.

Tuy nhiên, các sử gia cho rằng, tên gọi bảng cầu cơ thực chất xuất phát từ mặt dây chuyền chị dâu Bond, Helen Peters, thường mang theo bên người. Đằng sau tấm ảnh chân dung một phụ nữ giấu bên trong món trang sức, viết chữ “Ouija”. Người trên ảnh, nhân vật bí ẩn Peters về sau thừa nhận bà rất ngưỡng mộ, vốn là một nhà văn nổi tiếng lấy bút danh Ouida. Nhiều khả năng, khi ấy Peters đã nhìn sai và đọc sai danh xưng này.

Những tin đồn thật-giả lẫn lộn, sự võ đoán, thậm chí “hiểm nhầm”, quả thật đã tạo nên công thức quảng bá thành công cho một trò chơi gây tranh cãi.

“10/2/1891, ngày Bond và Peters có mặt ở Văn phòng Sáng chế thuộc Washington, D.C để kiểm chứng ‘chất lượng’ sản phẩm, giám đốc văn phòng chỉ có một yêu cầu: tấm bảng phải ‘đoán’ đúng tên ông ta, nếu họ muốn lấy được bằng sáng chế cho nó”, Murch nói.

“Hôm ấy, người đàn ông đã có một phen toát mồ hôi lạnh. Mảnh planchette như tự sinh ra ý thức, dịch chuyển chậm rãi trên mặt bảng. Một cái tên hoàn chỉnh hiện rõ trước mắt nhóm người… Điều này đến nay hãy còn làm dấy lên tranh luận trong giới nghiên cứu chúng tôi.

Bảng cầu cơ thật sự hiệu quả? Hay Bond, nhờ các mối quan hệ cá nhân trong ngành luật, đã nghe ngóng được từ trước tên của vị giám đốc văn phòng? Thứ họ thực hiện phải chăng chỉ là một màn trình diễn?”

Chân dung Charles Kennard (trái) và Elijah Bond, những nhân vật đầu tiên nhận bằng sáng chế và kinh doanh bảng cầu cơ. - Ảnh: RobertMurch
Chân dung Charles Kennard (trái) và Elijah Bond, những nhân vật đầu tiên nhận bằng sáng chế và kinh doanh bảng cầu cơ. - Ảnh: RobertMurch

Kết luận duy nhất Murch có thể chắc chắn là, bảng cầu cơ “được quảng cáo rất khéo”. Anh nhấn mạnh: “Kennard chỉ để lộ lượng thông tin ít ỏi cho công chúng, thậm chí người trong công ty, xoay quanh ouija. Không nhiều giấy tờ hướng dẫn về sản phẩm, không quảng cáo trực tiếp. Thứ bạn thấy nhiều nhất thời bấy giờ là các bài báo, quảng cáo trên giấy thiếu kiểm chứng, cùng vô số đồn đoán mập mờ về trải nghiệm cầu cơ. Yếu tố bí ẩn, ly kỳ là thứ họ muốn tạo dựng để giúp trò chơi không ngừng thu hút đám đông, và ngày càng bán chạy”.

Đáng tiếc, lời “chúc may mắn” không rõ thực hư từ tấm bảng gỗ chỉ hiệu nghiệm ít lâu. Năm 1892, bảng cầu cơ “đắt hàng” đến mức Kennard Novelty liên tục mở các xưởng sản xuất mới ở New York, Chicago, kể cả London. Ngày vui, tuy vậy, phải chóng tàn khi Kennard và Bond rút vốn đầu tư vì tranh chấp tài chính chưa tới 1 năm sau đó.

Kế nhiệm vai trò điều hành, William Fuld – một nhân viên Kennard Novelty phấn đấu đi lên từ hai bàn tay trắng, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các tấm bảng cầu cơ được giữ nguyên thiết kế cổ điển. Thế nhưng đến năm 1927, Fuld đột ngột bỏ mạng sau một tai nạn bí hiểm và bi thảm. Ông ngã xuống từ tầng thượng nhà máy sản xuất ouija. Sau khi Fuld qua đời, liên tục có lời đồn cho rằng, trên thực tế doanh nhân gốc Baltimore mới chính là nhà phát minh bảng cầu cơ.

Nhân vật “bà đồng” và bảng cầu cơ từng tạo ra một trường đoạn đáng nhớ trong tác phẩm hài sitcom “I Love Lucy” nổi tiếng một thời trên truyền hình Mỹ. - Ảnh: CBS
Nhân vật “bà đồng” và bảng cầu cơ từng tạo ra một trường đoạn đáng nhớ trong tác phẩm hài sitcom I Love Lucy nổi tiếng một thời trên truyền hình Mỹ. - Ảnh: CBS

Tâm linh, hay…“cú lừa” tâm lý?

Không chỉ “nhuộm màu” huyền ảo, nó thường xuyên được quảng bá như trò chơi gia đình. “Với phần lớn công chúng, niềm vui của ouija sản sinh từ tâm lý hoài nghi xen lẫn phấn khích trước những gì chúng ta không hiểu, không nhìn thấy”, Murch – người cũng sưu tầm bảng ouija quý hiếm nhằm mục đích nghiên cứu – chia sẻ. “Mọi người, dù ít dù nhiều, muốn tin vào những gì họ không đoán định được”.

Gần như xuyên suốt thế kỉ XX, giai đoạn của các cuộc chiến tranh cùng vô vàn biến loạn kinh tế - xã hội, bảng cầu cơ trở thành trò giải trí kỳ bí “an ủi tinh thần” nhiều người đang thấy hoang mang về tương lai.

Ouija bị thiêu hủy bên ngoài một nhà thờ cộng đồng, nhân một hoạt động bài trừ mê tín, ở thành phố Alamogordo, New Mexico, năm 2001. - Ảnh: Getty
Ouija bị thiêu hủy bên ngoài một nhà thờ cộng đồng, nhân một hoạt động bài trừ mê tín, ở thành phố Alamogordo, New Mexico, năm 2001. - Ảnh: Getty

Những tấm bảng gỗ này, dẫu vậy, không cho thấy mối liên hệ nào với thế giới siêu nhiên. Giới khoa học tin rằng, ảnh hưởng trông kỳ ảo của chúng đến từ một hiện tượng tâm lý có thật - “hiệu ứng vận động trong vô thức”.

Chris French - nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về những phản ứng tâm lý dị thường, công tác tại Đại học London - lý giải: “Đã có nhiều thử nghiệm trong lịch sử chỉ ra sự tồn tại của hiện tượng này. Các trò chơi tâm linh như cầu cơ được thiết kế khéo léo giúp việc điều khiển dễ dàng hết mức có thể. Chẳng hạn, planchette được làm từ gỗ nhẹ, phiên bản hiện đại là nhựa mềm. Tay bạn rất dễ dịch chuyển nó trên bảng. Thêm vào đó, thông thường sẽ có một nhóm người cùng trải nghiệm cầu cơ. Mỗi người trong số họ đều có khả năng chịu ảnh hưởng tinh thần trong vô thức. Một động tác khẽ run tay đã đủ đẩy planchette di chuyển. Nhưng vì nhiều yếu tố (tâm lý sợ hãi, bầu không khí..) cộng hưởng, chúng ta khó nhận ra hành vi vô thức này. Do đó mới có sự hiểu lầm về một tác động bí ẩn bên ngoài”.

Trò cầu cơ, thường diễn ra theo nhóm, dễ khiến người tham gia nảy sinh cảm giác mất quyền tự chủ và có xu hướng bị tiềm thức dẫn dắt. - Ảnh: BettmannArchive
Trò cầu cơ, thường diễn ra theo nhóm, dễ khiến người tham gia nảy sinh cảm giác mất quyền tự chủ và có xu hướng bị tiềm thức dẫn dắt. - Ảnh: BettmannArchive

French cùng không ít đồng nghiệp ngành tâm lý học đồng quan điểm: tạm quên đi “màu sắc” huyền bí, bảng cầu cơ là một vật dụng kỳ diệu – hiệu quả để kiểm tra cách con người bị chi phối ra sao bởi tiềm thức.

Chuyên gia tâm lý học và khoa học máy tính Ronald Rensink (Đại học British Columbia, Canada), đang triển khai một dự án thú vị với ouija. Đó là tìm kiếm dấu hiệu sớm của một số chứng rối loạn, tổn thương thần kinh nhờ hoạt động cầu cơ.

Rensink đặt giả thuyết, “biểu hiện khác thường trong hành vi khi chúng ta để tiềm thức chi phối cơ thể, có thể phản ánh bất ổn về mặt tâm lý”. Tuy còn cần thêm thời gian nghiên cứu, ý tưởng đáng suy ngẫm của vị giáo sư đã chứng thực lời quảng cáo kinh điển về ouija – “giúp kết nối con người với những gì chúng ta chưa biết”.

Như Ý (theo Smithsonian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI