Báng bổ lễ nghĩa

17/11/2016 - 12:06

PNO - Tôn trọng nhà giáo, tự trong bản thân của mỗi người Việt Nam đều đã có tinh thần ấy. Vậy mà, những quan chức địa phương của tỉnh Hà Tĩnh vì một cuộc vui lại sa đà vào lề thói tư duy sau cánh cổng làng.

Tôi không bàn đến công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ thông tin và chỉ đạo UBND thị xã Hồng Lĩnh rút kinh nghiệm.

Tôi cũng không bàn đến kiểu phát ngôn của ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh lẫn ông Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng Giáo dục thị xã này khi cho rằng việc ra văn bản điều động nữ giáo viên đang giảng dạy ở bậc mầm non cho đến trung học cơ sở đi làm tiếp tân, hầu rượu quan khách dự chương trình sự kiện của địa phương này chính là nhiệm vụ chính trị, chuyện bình thường hay đại loại là danh dự, vinh hiển gì gì đấy.

Tôi chỉ muốn bàn về khía cạnh quan chức địa phương của Hà Tĩnh đang đi ngược lại với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.

Bang bo le nghia
Ảnh minh họa.

Mẩu chuyện về truyền thống tôn sư trọng đạo được loan truyền gần nhất chính là câu chuyện vua Hàm Nghi bị lộ diện trước mặt người Pháp. Mua chuộc thành công tên chỉ huy đội cận vệ của vua nên người Pháp bắt được vua Hàm Nghi. Sa vào tay giặc, vua Hàm Nghi nhất định không thừa nhận mình là thiên tử nước An Nam. Thậm chí, ngay cả khi các quan đến nhận diện quỳ lạy, Hàm Nghi vẫn dửng dưng. Thế nhưng, khi thầy dạy học cũ của vua Hàm Nghi là Nguyễn Nhuận biết tin đến thăm, đức ngài theo phản xạ đứng bật dậy ngỏ ý chào nên bị lộ. Về sau, đức ngài bị đày đi Algerie.

Thật ra, không đợi đến khi đọc những mẩu chuyện tương tự thì trong mỗi cá nhân người Việt mới nảy sinh tinh thần tôn trọng nhà giáo, mà từ lâu lắm rồi, tự trong bản thân mỗi người đều đã có tinh thần ấy, cảm xúc ấy, như là một biểu tượng truyền đời.

Vậy mà, những quan chức địa phương của tỉnh Hà Tĩnh vì một cuộc vui lại sa vào lề thói tư duy sau cánh cổng làng. Một thứ tư duy hết sức nguy hại trong đời sống, đó chính là thứ tư duy mà năm xưa cụ Ngô Tất Tố đã viết “Việc làng”. Ấy là lối tư duy ta là vua của một vùng, văn bản hành chính đích xác là kim lệnh, ai được trát quan đòi thì phải cúc cung phục vụ, cấm được ý kiến, cấm được phản ứng hay tranh luận.

Thế nhưng, điều không thể tin được chính là cái kim lệnh theo ý lãnh đạo lại nhắm đến đối tượng là các cô giáo. Tôi đọc sách từ bé, tuyệt chưa thấy trong bất cứ tình huống nào của lịch sử mà quan lại địa phương từ ông lý ông chánh, ông hương cống chẳng ai dám xúc phạm ông thầy đồ trong làng cả. Huống hồ là ở thời đại ngày nay.

Vậy mà, chuyện không tưởng vẫn có thể xảy ra.

Nghiêm trọng hơn, sau khi chuyện vỡ lở thì quan chức địa phương cho đến lãnh đạo ngành giáo dục của thị xã đều nhơn nhơn cho rằng đây là chuyện bình thường. Tôi tin là họ nói thật, bởi trong ánh nhìn của họ thì những cô giáo chỉ là thuộc cấp của họ. Mặc dù họ không trả lương nhưng họ có quyền sai xử vì họ là quan chức.

Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc ba nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó có biểu hiện cho sự suy thoái về đạo đức, lối sống, “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.

Rõ ràng chỉ có những cá nhân quan liêu, xa rời quần chúng thì mới dám báng bổ vào lễ nghĩa, vào truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Và những cá nhân này, chắc chắn không xứng đáng làm cán bộ lãnh đạo.

Ngô Nguyệt Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI