Bản vùng cao phía Bắc tang thương sau lũ quét

31/07/2024 - 06:05

PNO - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trận lũ quét 24/7 đã khiến 7 người ở tỉnh Điện Biên và 10 người ở tỉnh Sơn La chết và mất tích.

Nhiều ngôi nhà ở  bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị đổ sập hoàn toàn  - ẢNH: Đ.H.
Nhiều ngôi nhà ở bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị đổ sập hoàn toàn - Ảnh: Đ.H.

Các tỉnh Điện Biên, Sơn La vừa trải qua những trận lũ quét gây thiệt hại nặng nề cả người và của. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trận lũ quét 24/7 đã khiến 7 người ở tỉnh Điện Biên và 10 người ở tỉnh Sơn La chết và mất tích. Hiện tại, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục dọn lũ, tìm người mất tích.

Trận lũ quét kinh hoàng

Chân vẫn còn đau do bị va đập vào đá khi bị lũ cuốn trôi, chị Lò Thị Liên - ở bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - kể: “Mưa lớn suốt cả ngày 24/7, không có lúc nào ngớt. Mấy hôm trước đó, mưa cũng nhiều. Nửa đêm, đang ngủ, vợ chồng tôi nghe có tiếng nước chảy ồ ồ, tiếng cây ngã ầm ầm, tiếng đất đá lịch bịch, liền chạy ra ngoài nghe ngóng nhưng vừa ra khỏi cửa thì bị nước cuốn trôi. Đến trưa hôm sau, tôi được công an, bộ đội cứu. Tôi bị mắc kẹt ở cây xăng Mường Pồn. Chồng, con tôi cũng an toàn”.

Chị Cà Thị Oanh - 20 tuổi, ở cùng bản - may mắn thoát chết, nhưng vĩnh viễn mất đi chồng và con gái 5 tháng tuổi. Chị khóc nấc: “Nghe tiếng nước chảy ào ào, cả ngôi nhà rung lắc, vợ chồng tôi ôm con chạy ra ngoài nhưng bị nước lũ cuốn. Tôi thì bơi được vào bờ, nhưng chồng và con gái thì không thấy đâu nữa”. Cũng trong đêm 24/7, vợ và con trai ông Lò Văn Luyến (bản Mường Pồn 1) bị đất đá vùi lấp ngay trong ngôi nhà mình, riêng ông ngồi ngoài hiên nên thoát chết.

Ông Lò Văn Lún (bản Mường Pồn 1) vẫn còn sợ hãi khi kể về trận lũ quét: “Hôm đó, đang giữa đêm, tôi nhận được điện thoại của trưởng bản Vì Văn Khiên, nói nước suối lên cao, chảy xiết lắm, các gia đình phải di chuyển ngay vì khả năng xảy ra lũ quét là rất lớn. Gia đình tôi vừa đến nơi an toàn thì lũ về, đất đá từ ngọn núi sau bản sụp xuống, nhiều nhà bị vùi lấp hoặc cuốn trôi. 60 năm qua, tôi mới thấy trận lũ quét ghê gớm thế này. 18 ngôi nhà bị lũ cuốn không còn dấu vết, mấy chục nhà khác bị hư hại. Nhà trưởng bản Vì Văn Khiên cũng mất tích 2 người”.

Trước đó, sáng 24/7, ở xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, lũ quét đã làm 6 cư dân của bản Hua Pư và Pá Hốc thiệt mạng, 6 ngôi nhà đổ sập, 20 nhà bị hư hại. Cầu treo tại các bản Nhụng trên, Nhụng dưới, Sài Khao cũng bị lũ cuốn trôi.

Ông Vàng Chí Sành - Trưởng bản Hua Pư - đau xót: “Bản có 5 người chết. Anh Vàng A Dếnh (32 tuổi) cùng lúc mất toàn bộ nhà cửa, vợ con. Nhà Dếnh ở gần khe núi, mưa lớn nhiều ngày khiến đất trên đỉnh núi sạt xuống, lấp đầy khe rồi tràn sang nhà. Vợ chồng Giàng Chứ Thếnh đang ở lán trên nương, nghe tiếng nổ lớn ở phía nhà mình, chạy về đến nơi thì chỉ thấy một đống bùn đất. Cả bản đào bới từ sáng đến chiều mới tìm thấy thi thể cháu bé”.

Sau trận lũ quét, Hua Pư bị cô lập hoàn toàn. Chiều tối cùng ngày, đoàn công tác do các ông Nguyễn Thành Công - Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - và Bùi Văn Sơn - Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La - dẫn đầu phải lội bùn 10km mới vào tới bản. Ông Vàng Chí Sành kể: “Đất đá sạt lở, đường trơn, cây đổ, suối sâu, nước xiết, trời thì mưa to nên sau 4 giờ, đoàn mới đến được đầu bản. Vừa nhìn thấy đoàn, chúng tôi đã mừng phát khóc”.

Gấp rút hỗ trợ bà con vùng bị nạn

Người dân khắp nơi đã đóng góp nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khắc phục hậu quả thiên tai - ẢNH: N.G.
Người dân khắp nơi đã đóng góp nhu yếu phẩm để giúp đỡ bà con xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên khắc phục hậu quả thiên tai - Ảnh: N.G.

Những ngày này, trụ sở UBND xã Mường Pồn (tỉnh Điện Biên), Chiềng Nơi (tỉnh Sơn La) trở thành điểm tập kết hàng hóa từ khắp nơi gửi về hỗ trợ bà con vùng lũ quét.

Ông Quàng Văn Quyết - Chủ tịch UBND xã Mường Pồn - cho biết, thiệt hại do mưa lũ ở Mường Pồn ước tính gần 25 tỉ đồng. Trong đó, các bản Mường Pồn 1, Tốc Tin, Huổi Ké và Lĩnh bị thiệt hại nặng nề nhất. Điểm dân cư Huổi Ké thuộc bản Lĩnh gồm 16 gia đình dân tộc H’mông là nơi khó khăn đặc biệt. Điểm này vốn chưa có điện, chỉ có lối mòn dẫn vào, nay lối mòn duy nhất cũng bị bùn, đá lấp mất. Bộ đội biên phòng và các lực lượng khác phải mở từng mét đường để đưa lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu vào cho bà con Huổi Ké.

Theo Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Biên, đến nay, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã quyên góp được khoảng 600 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều hàng hóa với tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng để giúp đỡ bà con xã Mường Pồn. Trung ương Đoàn, đoàn thanh niên khối các cơ quan trung ương và các cơ sở đoàn trực thuộc cũng tặng xã Mường Pồn 1 cầu treo dân sinh, 3 căn nhà cùng nhiều phần quà khác bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng.

Bên cạnh các đoàn thể, ban, ngành, doanh nghiệp, các hội nhóm trên mạng, các khu dân cư ở trong và ngoài tỉnh Điện Biên, Sơn La cũng kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ bà con vùng lũ. Chị Nguyễn Thị Gấm (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) quyên góp nhu yếu phẩm và tiền mặt rồi trực tiếp đến xã Mường Pồn trao cho bà con.

Chị cho biết: “Khi tôi có mặt ở Mường Pồn thì thấy có rất nhiều đoàn thiện nguyện chở đồ dùng, lương thực, thực phẩm đến giúp đỡ bà con nên tôi thông báo ngừng tiếp nhận nhu yếu phẩm, kêu gọi mọi người ủng hộ tiền mặt để giúp các nạn nhân dựng lại nhà”.

Ở huyện Mai Sơn, ngay sau khi biết thông tin bà con xã Chiềng Nơi bị thiệt hại nặng nề về người và của, anh Lê Văn Thiện, Đào Văn Hưng (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) đã thành lập nhóm thiện nguyện Mai Sơn, vận động được gần 80 triệu đồng sau 3 ngày để trao cho bà con bị thiệt hại nặng nhất. Số tiền này là do các nhà hảo tâm ở nhiều tỉnh, thành đóng góp. Nhóm cũng nhận được quần áo, mùng mền, hơn 40 thùng mì gói, 32 bao gạo, gần 600 quả trứng gà để trao cho bà con vùng lũ.

Ngày 28/7 vừa qua, nhóm anh Thiện, anh Hưng đã chở hàng hóa, tiền mặt lên giúp đỡ bà con xã Chiềng Nơi. Đường lên các bản Hua Pư, Pá Hốc đã tạm khô nhưng chỉ xe máy chạy được. Thanh niên các bản đã xuống trung tâm xã chở quà tặng và chở các thành viên nhóm thiện nguyện lên các bản để thăm hỏi, trao quà và tiền mặt cho các hộ dân.

Người dân nên thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết

Ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia - cho biết, thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đưa ra các khuyến cáo nhằm ứng phó với từng loại hình thiên tai, hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Thực tế cho thấy, khi cộng đồng, người dân tuân thủ các phương án ứng phó theo khuyến cáo và hướng dẫn thì thiệt hại giảm đi đáng kể.

Theo ông, trung tâm có các bản tin cảnh báo từ sớm, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới nên tính chính xác càng lúc càng cao, nghĩa là càng gần lúc xảy ra sự việc thì bản tin càng chính xác. Ông khuyên người dân nên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông nhận định, do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn cục bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn, có thể gây ra ngập úng ở đô thị và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi. Do đó, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát các vị trí xung yếu trên sông, suối để cảnh báo kịp thời cho người dân, nhằm giảm thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI