Ông Nguyễn Thành Tín (khu phố Hiệp Lễ, P.Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) dìu mẹ ra chiếc võng nơi hàng hiên hóng gió. Ông bảo, cả tuần nay không đi bán chiều vì nếu đi thì tới 9g tối mới về.
Mẹ ông tuổi đã cao (85 tuổi) dạo gần đây hay sợ, dù là trái dừa non rơi trên nóc nhà, một con mèo chạy qua ngạch cửa… Mà hễ sợ là bà ngủ không được, nên ông ở nhà “chơi với mẹ”. Bà cụ gầy như hạc, đôi mắt thâm quầng, làn da đã trổ đồi mồi nhưng vẫn nhìn con trai bằng ánh mắt nồng ấm yêu thương khi được con dìu từng bước.
Sau khi lập gia đình, ông Tín vẫn tiếp tục chạy xe ôm, vợ ông bán vé số cùng chồng nuôi con. Mỗi sáng cứ đưa con đến trường xong, hai vợ chồng “bung ra” đi làm, tới 10g vợ rước con. Con trở lại lớp buổi chiều thì chồng đưa. Sau đó chồng ra bến chạy xe, vợ tiếp tục đi bán vé số và cơm nước.
Nhưng khi các con vào cấp II, ông Tín thấy rằng nếu cứ hành nghề xe ôm, khuya sớm gì có khách gọi là đi thì không thể gần gũi bảo ban hai con được. Vậy là ông quay sang bán vé số như vợ, “cơ động” hơn, muốn đi lúc nào thì đi, chỉ cần mỗi ngày bán hết số vé đã nhận. Thời gian ở bên con nhiều hơn.
Hai con của ông là Nguyễn Võ Thắng (SN 1988) và Nguyễn Võ Tới (SN 1993) rất ngoan và chịu khó học hành. Nhà không khá giả, chẳng học thêm học bớt gì nhưng cả hai lần lượt đậu vào trường THPT Hoàng Lê Kha (trường “điểm” của tỉnh Tây Ninh).
|
Nguyễn Võ Thắng (thứ hai từ phải sang) và các bạn trong ngày nhận bằng thạc sĩ |
Học xong cấp III, Thắng thi vào trường Đại học Nha Trang, khoa Cơ-điện tử. “Nhắc tới thời gian đó tôi còn cả xấp liên hai gửi tiền cho nó. Tôi gửi riết, cứ mỗi lần trăm ngàn (thời điểm 2006-2007) khiến cán bộ Ngân hàng Công thương Tây Ninh thắc mắc. Họ bảo tôi, trăm ngàn cũng nhiêu đó cước phí, triệu đồng cũng nhiêu đó cước phí, sao chú không gửi một lần cho tiện? Tôi thưa thật, nhà tôi nghèo lắm, bán vé số nuôi con họ c đại học lấy đâu ra bạc triệu để gửi. Họ động viên thôi cứ ráng lây lất đi chú, rồi cũng qua”, ông Tín bùi ngùi nhớ lại.
Không phụ công cha mẹ, Thắng được trường Đại học Kỹ thuật Liberec (Cộng hòa Czech) tuyển chọn và cấp học bổng du học chương trình sau đại học bốn năm ngành công nghệ cơ khí.
Ông Tín kể: “Đăng ký mấy trăm sinh viên nhưng qua sàng lọc lần thứ nhất chỉ còn 100 sinh viên, trong đó có Thắng. Con gọi về “con muốn đi du học, ba mẹ lo nổi không?”. Nghe con nói mà tôi đang chạy xe muốn… lạc tay lái. Con người ta tiền tỷ còn chưa du học xong, còn tôi kiếm từng chục ngàn mà làm sao nuôi con du học? Nhưng tôi cũng vui vẻ đáp con học tới đâu, ba mẹ lo tới đó”.
Nhà trường sàng lọc lần nữa thì còn 30, trong đó có Thắng. “Tin nó báo về mà vợ chồng tôi mừng đến… hết ăn cơm được. Vì nó bảo, nhà trường thông báo, nếu sinh viên sắp xếp để đi học được, thì tiền máy bay, trang phục… họ lo hết. Vậy thì mình đâu còn gì băn khoăn nữa mà không ủng hộ con mạnh dạn lên đường”. Thắng được cấp học bổng toàn phần, nghỉ hè đi hái dâu tây kiếm tiền.
Thời gian học thạc sĩ, tháng hè Thắng làm thêm ở gara, nên dặn ba mẹ không phải lo tiền bạc cho mình. Học lên tiến sĩ, Thắng được nhà trường cấp học bổng 8.000 CZK/tháng, chỗ ở được trường lo, chịu khó tiết kiệm cũng đủ chi dùng.
Ông Tín nói, sau khi Thắng đi du học, thì Tới vào đại học: “Đời mình ít chữ nên khổ rồi, phải ráng cho con học hành để đỡ tấm thân nó. Bà xã tôi giỏi lắm, vừa đi bán vừa chăm sóc nhà cửa, mẹ chồng già. Nhưng đi hoài chịu không nổi nên ba năm nay hợp đồng được một suất tạp vụ ở trường tiểu học, sáng đi sớm một chút, nhưng cả ngày được ở nhà với mẹ chồng, chiều học sinh tan trường mới vào quét dọn. Phần thu nhập của vợ tôi là “đầu lương ổn định” để dành gửi cho thằng Tới”.
Ông Tín bảo “bí quyết” dạy con dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng học tốt, là nhờ mấy tờ vé số. Cha mẹ bán vé số, con thấy, rồi gửi cho con từng trăm, từng chục ngàn đồng từ tiền vé số, con cũng biết.
Khi gửi tiền, ông thường nhắn con rằng: “Ráng nghe con, ba mẹ cầm từng tờ vé số, ra tiền để con ăn học, con thương ba mẹ thì cố mà học giỏi”. Để con cái chăm chỉ học hành và không ỷ lại, khi con đi học, ông Tín không cho con tiền nhiều hơn tiền một ly nước, cũng không cho tiền con tự ăn sá ng. Ông bà nấu đồ ăn cho con.
Ông Tín xin lỗi ngưng câu chuyện để dìu mẹ ra nhà sau cho bà nghỉ ngơi. Góc nhà sau có đống ve chai to, bà Hiền vợ ông bảo: “Ổng đi bán vé số còn lượm ve chai. Ngày năm ba chai nước suối, hai ba cái thùng cũng tha về chất đống”. Ông Tín cười trừ , thì thấy rác bỏ đầy đường, ghé lại lượm, ràng lên xe, vừa sạch đẹp đường phố, vừa lâu lâu có thêm chút tiền.
Trang Thùy