Bán vé máy bay giá rẻ, Vietnam Airline muốn cạnh tranh với Vietjet?

18/11/2019 - 14:50

PNO - Từ ngày 20/11, Vietnam Airline bắt đầu bán vé chặng Hà Nội - TP.HCM và ngược lại với mức giá ngang bằng các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet, Jetstar.

Vietnam Airline (VNA) cho biết, đối với 2 chiều của chặng bay TP.HCM và Hà Nội từ 20/11, khách hàng sẽ được áp dụng giá vé hấp dẫn là không bao gồm hành lý ký gửi (tương đương 399.000 đồng/chiều).

Như vậy, sau khi áp dụng chính sách trên đối với những chặng Hà Nội, TP.HCM sẽ có tổng giá vé là 789.000 đồng/chặng, mức này đã bao gồm thuế, phí.

Theo đó, VNA cho hay, các kênh bán loại vé này gồm: phòng vé, đại lý của VNA tại thị trường Việt Nam, website và app Vietnam Airlines.

Ban ve may bay gia re, Vietnam Airline muon canh tranh voi Vietjet?
VNA tung ra giá vé không bao gồm hành lý giữa hai chặng TP.HCM và Hà Nội

“Ngoại trừ không có tiêu chuẩn hành lý ký gửi, quý khách vẫn được hưởng các dịch vụ đầy đủ của Vietnam Airlines như: suất ăn trên không, hành lý xách tay và phụ kiện tối đa 12kg.”, VNA thông tin

Tuy nhiên, để mua được vé đi với mức giá này của VNA, khách hàng thường sẽ bay chuyến khá sớm hoặc khá trễ. Cụ thể, chiều Hà Nội – TP.HCM: VN7207 (5:00), VN7209 (5:30), VN7261 (21:30), VN7263 (22:00). Còn chiều TP.HCM – Hà Nội: VN7206 (5:00), VN7208 (05:30), VN7248 (21:30), VN7238 (22:00).

Việc VNA tung ra giá vé không bao gồm hành lý hơi khá “bất ngờ” với nhiều khách hàng, khi chỉ khoảng 2 tháng trước đây VNA có đề nghị Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Hàng không (Bộ Giao thông) yêu cầu các hãng khác niêm yết giá vé đúng quy định. Theo VNA, theo Nghị định 177/2013, việc niêm yết giá phải gồm đầy đủ thuế, phí, lệ phí nếu có.

Tuy nhiên, phản hồi trước ý kiến của VNA, một hãng hàng không cho rằng việc niêm yết giá vé về một mức thanh toán cuối cùng như trước giờ của VNA thực tế cũng không minh bạch.

Trong giá vé trọn gói của VNA có quy định hành lý ký gửi 20kg (hiện đã lên 23kg), suất ăn trên các chuyến bay… Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu hoặc không sử dụng. Tức là khách có nhu cầu ăn hay không ăn thì vẫn phải trả tiền suất ăn khi bay.

Trước thông tin trên, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng có văn bản gửi các hãng hàng không liên quan, hướng dẫn việc niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa. Trong đó đơn vị này khẳng định việc niêm yết giá thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, cần rõ ràng gắn với chất lượng dịch vụ, công khai và minh bạch tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Cục Quản lý giá cho rằng, theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, thẩm quyền quản lý giá vận chuyển hàng không thuộc Bộ Giao thông Vận tải (bao gồm định giá, kê khai giá, hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không…), còn việc niêm yết giá vé phải theo luật giá.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI