Bán vàng không dễ, vì sao?

25/07/2024 - 13:26

PNO - Được tặng 2 chỉ vàng kèm cả hóa đơn trong ngày cưới, mới đây chị Kim Tuyến (quận 3, TPHCM) đem đi bán. Nhân viên cửa hàng vàng sau khi kiểm tra căn cước công dân của chị thấy không đúng so với thông tin trên hóa đơn đã yêu cầu chị Tuyến muốn bán thì phải có sự đồng ý của người đứng tên trên hóa đơn. Trong khi người tặng vàng cho chị lại đang sống ở nước ngoài.

Anh Quốc Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) khi cưới vợ cũng được tặng 1 bộ vàng nữ trang. Tuy nhiên do đã lâu nên không còn hóa đơn, anh Trung bị chủ cửa hàng yêu cầu phải ký giấy “chấp nhận để cửa hàng nung sản phẩm thành vàng nguyên liệu”, nếu anh không ký thì cửa hàng không mua.

Chủ cửa hàng cho biết vàng nữ trang mua vào đều đem phân kim thành vàng nguyên liệu rồi mới chế tác thành sản phẩm mới. Việc yêu cầu người mua ký giấy như vậy là để chứng minh nguồn gốc số vàng mua vào.

Người dân mua vàng ở chợ Thiếc, quận 11, TPHCM
Người dân mua vàng ở chợ Thiếc, quận 11, TPHCM

Theo quy định mới hiện nay, khách hàng mua vàng cần xuất trình căn cước công dân (CCCD), số seri trên mỗi miếng vàng sẽ gắn với thông tin CCCD của khách hàng. Không ít khách hàng lo lắng với những miếng vàng SJC đã mua trước kia, không có gắn với số CCCD sẽ như thế nào, khi bán ra có bị ép giá?

Giám đốc một công ty vàng ở TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết: theo quy định hiện nay, khi bán vàng mà không có hóa đơn chứng từ thì khách phải cung cấp CCCD để chủ cửa hàng đưa thông tin này vào Bảng kê 01 theo quy định của Tổng cục Thuế. Việc một số cửa hàng yêu cầu khách phải chứng minh nguồn gốc vàng là không cần thiết và quá cứng nhắc. Hoặc có thể cơ quan thuế phổ biến quy định chưa rõ nên một số chủ cửa hàng vàng hiểu chưa đúng.

Về thắc mắc những miếng vàng SJC trước kia chưa được định danh với CCCD thì có bị ép giá, ông cho rằng, do thời gian vừa qua có tình trạng nhiều “cò” xếp hàng mua vàng miếng SJC sau đó bán lại để hưởng chênh lệch. Việc gắn số seri vàng miếng với số CCCD của khách là nhằm xác định miếng vàng này được bán từ đâu, bán cho ai, từ đó giúp truy ra các đối tượng đang thao túng thị trường khi cần thiết. Ông khẳng định vàng miếng luôn được các công ty mua lại đúng giá niêm yết, chỉ trừ khi sản phẩm bị rách vỏ bọc nhựa thì mới bị trừ 20.000 đồng, móp méo thì bị trừ 140.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM - cho biết, theo quy định hiện hành, các tiệm vàng được phép mua vàng trôi nổi của các cá nhân không kinh doanh hoặc mua các trang sức cũ, sau đó đem phân kim làm nguyên liệu. Tất cả số vàng này phải được ghi vào bảng kê. Tuy nhiên với quy định của Tổng cục Quản lý thị trường thì những sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng mà không có hóa đơn, chứng từ được xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc các cửa hàng đòi người bán vàng phải có hóa đơn chứng từ, yêu cầu khách phải ký đồng ý nung thành vàng nguyên liệu… vì lo lắng bị quy vào hàng không rõ nguồn gốc.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM - cho rằng: những khó khăn mà khách hàng bán vàng đang gặp phải cho thấy việc quản lý thị trường vàng trước đây chưa chặt chẽ. Chỉ khi các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì các điểm kinh doanh mới bắt đầu nghiêm túc thực hiện. Người mua vàng nên làm quen với việc mua bán vàng phải có hóa đơn chứng từ vì điều này giúp thị trường vàng minh bạch hơn, khách hàng cũng không bị ép giá khi cần bán lại.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM - cho biết Cục Thuế TPHCM đã phối hợp với Sở Công Thương TPHCM tập huấn cho hơn 500 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn TPHCM về hóa đơn điện tử. Hiện ngành thuế đang tiếp tục phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng hóa đơn điện tử trong mua bán vàng. Người dân cần tập thói quen yêu cầu điểm bán xuất hóa đơn khi mua vàng, nói không với các điểm bán không xuất hóa đơn để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng vàng, góp phần giúp thị trường minh bạch, lành mạnh hơn.

Thanh Hoa

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
  • Hiền nguyễn thị 01-08-2024 08:15:05

    Vàng mua để dành, lâu dần mới tích góp được nhiều lên, có khi cả 10-20 năm! Có khi là vàng cho, mượn và trả! Giờ lại gặp khó khăn khi trao đổi mua bán! Thiệt ngặt nghèo ((

  • Lê Phương Nga 27-07-2024 00:09:52

    Vàng là của để dành, bố mẹ cho để dành từ năm 2010 đến giờ thì sao?

  • 26-07-2024 08:13:51

    Vàng của dân mua tích trữ vài chục năm rồi, nay còn đâu hóa đơn, giấy chứng nhận. Khó khăn trong việc bán lại càng bị các điểm kd vàng ép giá...

  • Nguyễn Kim Thoa 26-07-2024 07:41:48

    Có tiền mà mua cũng khó. Mà khi kẹt tiền đem bán vàng cũng khó. Vàng thường là do cha mẹ, anh chị, bạn bè cho lúc đám cưới, sinh nhật... Nay cần bán thì sao có giấy mua bán được. Còn nếu có giấy thì cũng dễ rách hay thất lạc, hoặc không trùng tên. Thiết nghĩ nên có quy định khi bán trình CCCD là được.

  • Mahai 25-07-2024 20:09:52

    Tôi đã mua vàng SJC từ năm 1998 đến nay đã mất hóa đơn thì không bán được vàng à.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI