Bạo hành gia đình: Đừng im lặng - nhưng gọi ai, gọi ở đâu? (Bài cuối)

Bàn tròn "Kết nối để xử lý các vấn đề bạo lực gia đình sao cho hiệu quả?": Trách nhiệm là cái tâm và chất keo kết nối

25/02/2022 - 09:28

PNO - Tại bàn tròn “Kết nối để xử lý các vấn đề bạo lực gia đình sao cho hiệu quả?” do Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức chiều 23/2, nhiều câu chuyện với nhiều cái tên là nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) đã được nhắc đến.

Đó là: bé V.A. bị người tình của cha với sự tiếp tay của cha ruột bạo hành đến vử vong; là bé N.A. ba tuổi bị người yêu của mẹ đóng đinh vào đầu; là chị Trương Thị Bình bị chồng bạo hành suốt thời gian dài để trong lúc mất kiểm soát đã xúi giục con trai cùng đoạt mạng cha... Bi kịch của họ cùng những nạn nhân hiện diện tại bàn tròn thúc giục những người có trách nhiệm, thúc giục toàn xã hội nối liền một vòng tay đẩy lùi  bạo lực.

Chị D.T.T. không cầm được nước mắt khi hồi tưởng những tháng ngày bị  người nhà bắt, nhốt
Chị D.T.T. không cầm được nước mắt khi hồi tưởng những tháng ngày bị người nhà bắt, nhốt

Xử lý muộn màng - bước đệm của… “không đến kịp”

Phiên xử bị cáo Trương Thị Bình ở tòa Gia đình và người chưa thành niên (Tòa án nhân dân TP.HCM) trước thềm bàn tròn thêm một minh họa đau đớn cho vấn nạn BLGĐ - “một vấn nạn dai dẳng, không hồi kết và không ngừng bức xúc” như lời mở đầu tọa đàm của bà Phạm Thị Vân Anh (Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM). 

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), trường hợp chị Bình không phải cá biệt. Bị bạo hành trong thời gian dài, kêu cứu nhiều năm không được trợ giúp, nạn nhân quẫn trí siết cổ chồng cũ (đã ly hôn) đến chết với sự tiếp sức của con. Kiến thức, cộng với sự cam chịu, nỗi xấu hổ “mình có sao mới bị đánh hoài” và vì thương con, nạn nhân bị chồng bạo hành đã trở thành bị cáo với tội danh “giết người”. 

“Tôi muốn nhắn gửi các chị em, khi bị bạo hành, phải lập tức tìm đến Hội Phụ nữ, cơ quan công an yêu cầu lập biên bản, đó chính là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngay cả khi không giữ được hôn nhân, phải ra tòa ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, biên bản này cũng là căn cứ quan trọng cho thẩm phán cân nhắc, ra phán quyết công tâm và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, trẻ em” - luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Vân Anh (giữa) - Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - tặng hoa cho các vị khách mời của buổi tọa đàm
Bà Phạm Thị Vân Anh (giữa) - Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM - tặng hoa cho các vị khách mời của buổi tọa đàm

Luật không thiếu, người thực thi không thiếu, tóm lại chúng ta thiếu gì?

Nhiều lần bị chồng say xỉn đánh đập, mắng chửi vì ghen tuông trong quá trình chờ ly hôn, chị N.T.T.T. (TP.HCM) cuối cùng đã trình báo công an. Nhưng cơ quan công an chỉ tiếp cận nạn nhân, nên chủ thể bạo lực càng ngông nghênh, bất chấp. Và khi người làm công vụ đi khuất, ông chồng thực hiện các chiêu trò “nặng tay” hơn. 

Đồng cảm với chị T.T. về nghịch lý nạn nhân phải chịu thiệt thòi kép, bà Trần Thị Huyền Thanh (Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM) khẳng định: “Làm sao để mọi người được bảo vệ an toàn”. 

Gắn kết với câu chuyện của chị D.T.T. (từng bị người nhà cùng người lạ mặt bất ngờ đột kích ở cầu Điện Biên Phủ, TP.HCM, “áp tải” lên xe hơi đưa thẳng về Quảng Trị để lấy chồng, giải hạn cho gia đình), bà Huyền Thanh đặt câu hỏi: Rằng vì sao mái nhà ở Quảng Trị nơi có ơn cha nghĩa mẹ, có chị em ruột thịt mà D.T.T. không xem đó là tổ ấm, lại chọn nương náu nhà chị Thu Lan - một người không máu mủ ruột rà, buổi đầu chỉ quen biết nhau qua công việc? 

Bà Trần Thị Huyền Thanh đồng cảm sâu sắc với những bi kịch nạn nhân đã trải qua
Bà Trần Thị Huyền Thanh đồng cảm sâu sắc với những bi kịch nạn nhân đã trải qua

Thạc sĩ Phan Thanh Minh (nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho rằng, các địa phương phát hiện và đưa ra xử lý bạo lực gia đình đến nơi đến chốn càng phải được “điểm cộng”, tránh tình trạng sợ bị ảnh hưởng thành tích thi đua nên giấu ém vụ việc. 

Ở hướng nhìn ngược lại, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (chuyên viên Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) khẳng định những địa phương vô trách nhiệm, che giấu, bao che vụ việc BLGĐ nên bị “trừ điểm”. 

Bà Thu Hiền thẳng thắn nhìn nhận: “Ngành văn hóa thể thao, có mô hình phòng, chống BLGĐ với năm nội dung về chỉ đạo công tác gia đình, nhóm phòng, chống BLGĐ, tổ tư vấn hòa giải, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc và địa chỉ tin cậy cộng đồng… Là những nội dung gần gũi, rất dễ nhận diện, nhận biết qua mọi kênh thông tin tại địa phương. Hành lang pháp lý chúng ta không thiếu, từ luật đến các văn bản dưới luật. Các cấp các ngành đều có các mô hình, các giải pháp, các nội dung xử lý, liên kết… Tuy nhiên, khi xử lý vụ việc, ai sẽ chủ trì, hay lúc đó chúng ta lại đùn đẩy nhau. Chúng ta cần một quy trình ISO để phối hợp can thiệp từ khi phát hiện hỗ trợ xử lý đến xét xử”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền rất cảm kích trước sự xuất hiện của các nạn nhân
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền rất cảm kích trước sự xuất hiện của các nạn nhân

Bà Thu Hiền cho biết, TP.HCM có quyết định 825 ban hành năm 2020 về quy trình hỗ trợ, xử lý, can thiệp các vụ BLGĐ trên địa bàn TP.HCM. Thành phố cũng đã có bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, là công cụ để đo lường hạnh phúc gia đình với các nội dung về ứng xử trong gia đình: chăm sóc sức khỏe, chăm sóc tinh thần, kinh tế…

Các khách mời tâm đắc với nhận định của thạc sĩ Phan Thanh Minh: “Chúng ta không đợi xảy ra rồi mới giải quyết hậu quả của BLGĐ, mà hãy bắt đầu từ công tác phòng ngừa”. Nếu xử lý mầm mống BLGĐ từ cấp độ nhẹ nhất, công an, Hội Phụ nữ cùng các cấp các ngành phối hợp nhau hòa giải, chia sẻ cộng đồng, tuyên truyền, uốn nắn, xử phạt hành chính, cải tạo… sẽ bảo vệ được nạn nhân khi mức độ tổn thương thể chất, tinh thần chưa trầm trọng. 

Trách nhiệm và cái tâm chính là chất keo cho mọi sự kết nối. Và cuộc chiến sẽ đến đích nếu đừng ai im lặng. “Im lặng là tội ác” - luật sư Ngọc Nữ đúc kết. 

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được mệnh danh là “lá chắn thép” của nạn nhân bạo hành gia đình, xâm hại tình dục
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ được mệnh danh là “lá chắn thép” của nạn nhân bạo hành gia đình, xâm hại tình dục

Ông Nguyễn Văn Tính (Phó phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) lưu ý vấn đề quan trọng: Phát hiện BLGĐ và trình báo kịp thời. Ví dụ giáo viên phát hiện vết bầm trên thân thể học sinh, bác sĩ phát hiện dấu vết tổn thương trên bệnh nhân nghi do bạo lực…

Ông Tính tha thiết đề nghị: “Các trường học nên coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với học sinh. Giúp các em nhận ra điều bất thường mình đang chịu đựng hoặc chính mình có hành vi bạo lực với người khác”.

Ông Nguyễn Văn Tính nhấn mạnh công tác tuyên truyền BLGĐ ở trường học
Ông Nguyễn Văn Tính nhấn mạnh công tác tuyên truyền bạo lực gia đình ở trường học

Cả khán phòng xúc động khi bà Thu Hiền cúi chào đầy ngưỡng mộ với các nạn nhân đã vượt ra những rào cản, mạnh dạn có mặt tại tọa đàm và cùng góp tiếng nói bởi “một cá nhân mạnh mẽ sẽ lan tỏa đến cộng đồng”. 

Chị D.T.T. thành thật: “Trước khi bước vào bàn tròn này, em giữ suy nghĩ là bây giờ hễ ai đụng tới em là em sẽ… “chơi lại”. Nhưng qua những chia sẻ tâm huyết của các cô chú, anh chị, em đã không còn thấy đơn độc, em có niềm tin, em biết bên cạnh mình còn nhiều chỗ dựa”. 

Tô Diệu Hiền

Đường dây nóng không nóng

Với Bộ luật Hình sự và rất nhiều văn bản, nghị định xử phạt BLGĐ, không khó để biết được ứng với từng hành vi bạo lực sẽ có mức xử phạt như thế nào. Nhưng trên thực tế đã có những tiếng kêu cứu lọt thỏm vào lặng thinh, những lá đơn rơi vào quên lãng. Và những nạn nhân cũng tự tước đi quyền được bảo vệ của mình bởi sợ đối mặt với câu nói: “Đã đổ máu đâu! Chuyện nhà tự giải quyết đi!”. 

Không ít phụ nữ chịu đựng bạo lực gia đình
Không ít phụ nữ chịu đựng bạo lực gia đình và tự tước quyền bảo vệ mình (Ảnh minh họa) 

“Kêu” nhưng không được "cứu" 

“Nếu Báo Phụ Nữ TP.HCM không lên tiếng thì T. đã tan xương nát thịt chứ không ngồi đây hôm nay. Tôi mong các cơ quan chức năng hãy nhìn thật kỹ và đi thật sâu vào lòng người để lên tiếng cho những người yếu thế”, bà Vũ Thị Thu Lan (TP.HCM) nghẹn ngào kể lại câu chuyện BLGĐ mà bà là người chứng kiến nhưng “mệt mỏi không kém nạn nhân”.

Nạn nhân được bà Lan đề cập là D.T.T. - cô gái đến từ Quảng Trị. Năm 2013, T. được nhận làm kế toán tại công ty của bà Lan và được thương quý như người nhà bởi tính tình siêng năng, chịu khó. Theo lời kể của bà Lan, trong một lần về quê T. chơi, bà nghe chú thím, người thân T. kể lại rằng khi T. sinh ra, người cha không chấp nhận đứa con thứ sáu của mình lại là một bé gái. Đến khi T. một tuổi thì mẹ tiếp tục mang thai và thỏa ước nguyện gia đình khi có con trai nối dõi tông đường. Từ đó T. tồn tại như một cái bóng trong gia đình.

Năm 2015, T. bị người thân bắt về quê khi đang làm việc tại công ty bà Lan và bị nhốt suốt hai tháng. Lần thứ hai là năm 2017, gia đình “dụ” T. về ăn đám cưới người em họ và T. bị nhốt tiếp. Lần này, T. được các anh chị em của mình mời thầy pháp đến trị bệnh và ép lấy chồng hợp tuổi để… giải hạn. Người em trai dọa sẽ “chặt chân” nếu T. bỏ trốn. Sau hơn ba tháng chịu đựng, T. trốn vào TP.HCM và thay đổi chỗ ở. Trong những ngày đó, gia đình bà Lan liên tục bị quấy rối vì “chứa chấp, dụ dỗ” T.

Ngày 28/1/2019, khi đang đi giao hàng, T. bị một nhóm năm người ngồi trên xe taxi (trong đó có chị gái T.) chặn bắt tại cầu Điện Biên Phủ rồi đưa về Quảng Trị, tiếp tục chuỗi ngày bị chính các chị, em của mình đánh, nhốt… “Điều tôi buồn nhất là khi tôi bị bắt lên xe trước sự chứng kiến của nhiều công an. Tôi la lớn cầu cứu “Chú ơi, con không quen biết mấy người này, cứu con” nhưng không một người nào để tâm tới lời của tôi”, T. kể. 

Tháng 3/2019, T. một lần nữa trốn thoát gia đình và vào TP.HCM nhờ Hội LHPN TP.HCM, Báo Phụ Nữ TP.HCM can thiệp. Được sự hỗ trợ, ngày 2/4/2019, chị T. đã gửi đơn tố cáo những hành vi sai trái của chính anh chị em trong gia đình đến các cơ quan chức năng ở Quảng Trị. Hội LHPN TP.HCM cũng đã chuyển đơn kêu cứu và tố cáo của chị T. đến các cơ quan cảnh sát điều tra tại TP.HCM và Quảng Trị (để đề nghị xem xét, xử lý) và Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (để giám sát vụ việc). 

Ngày 5/4, công an địa phương mời gia đình chị T. lên lấy lời khai ban đầu. “Tuy nhiên, đến nay đã ba năm, tôi vẫn không biết người dàn cảnh bắt mình trên cầu bị xử lý thế nào. Anh chị em ruột, những người đã bạo hành tôi cả về thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài có bị xử phạt hành chính hay bị nhắc nhở, cảnh cáo gì không”, chị T. bất mãn.

Để những vấn đề trên giấy đến với thực tế

Từ góc độ người trực đường dây nóng 1900636700 của nhóm Hành động công tác xã hội Việt Nam và đã tiếp cận, lắng nghe rất nhiều số phận, thạc sĩ Phan Thanh Minh (nguyên Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho biết, hành lang pháp lý để xử lý các sự việc BLGĐ có, tuy nhiên từ các điều luật đến việc can thiệp để bảo vệ phụ nữ, trẻ em vẫn còn khoảng cách lớn. Sự liên hệ giữa người dân với chính quyền, cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, cũng như các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm.

Dù có nhiều đường dây nóng để trình báo các vụ BLGĐ nhưng người dân không biết hoặc biết nhưng không trình báo khi bị bạo hành chứng tỏ các đường dây nóng này không “nóng”. 

“Việc tuyên truyền cũng nặng về hình thức khiến người dân vẫn chưa tiếp cận với các văn bản luật và dưới luật để tự bảo vệ. Khi tôi hỏi, rất nhiều cán bộ phường xã vẫn không biết các “địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại địa phương. 

Một hình thức tuyên truyền bạo lực gia đình được nhiều địa phương và tổ chức sử dụng
Một hình thức tuyên truyền bạo lực gia đình dễ hiểu được nhiều địa phương và tổ chức sử dụng

Trả lời câu hỏi, làm sao để những vấn đề trên giấy gần hơn với thực tế, cũng như con đường nào giúp nạn nhân đi rõ nhất, gọn nhất, bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng: Người thân, nạn nhân bị BLGĐ phải lên tiếng để có sự trợ giúp kịp thời. Từ góc độ Hội LHPN TP.HCM, ngay khi nắm được thông tin, sẽ kích hoạt, kết nối với các cơ quan chức năng để từng bước xử lý vụ việc. Có những sự việc ở mức độ hòa giải gia đình, thì cán bộ chi tổ Hội sẽ phát huy chức năng của họ. Với những trường hợp cần hỗ trợ tâm lý, Hội sẽ phân công những người có chuyên môn hỗ trợ.  

Thu Lê

 

Một số đường dây nóng tiếp nhận ca bạo lực gia đình tại TP.HCM:

- 111 (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em)

- 18009069 phối hợp Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM (số 8 Ngô Thời Nhiệm - 32 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM)

- 113 (Công an TP.HCM)

- 1900545559 (Trung tâm Công tác xã hội - Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM)

- 1900636700 (nhóm Hành động công tác xã hội Việt Nam)

- Địa chỉ hỗ trợ tư vấn tâm lý miễn phí cho nạn nhân và người gây 
bạo lực: Văn phòng tham vấn tâm lý trị liệu Ladies of Việt Nam (666/46/29 
đường 3/2, P.14, Q.10, TP.HCM. ĐT: +84902803334).

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI