Bạn trẻ có nên về nhà trước bảy giờ tối?

23/08/2018 - 18:00

PNO - Ngày đẹp trời, tôi thấy đám con cháu trong nhà thi nhau chia sẻ bài viết của một cô gái, nói về điều thoạt nghe chẳng có gì ấn tượng: "Các bạn trẻ đi làm không nên về trước bảy giờ tối, như vậy là quá sớm".

Tôi chợt nhớ hôm trước đứa em họ cũng share bài viết "Đơn xin miễn chờ cơm". Đại ý bài viết là nỗi lòng thống khổ của một bạn trẻ mười tám đôi mươi, sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà quy củ, nề nếp. Chắc em tôi share để "nhắn nhe" gì đó người mẹ khó tính cũng là bạn trên facebook.

Ban tre co nen ve nha truoc bay gio toi?
Bài viết đang được chia sẻ nhiều trên mạng.

Mỗi bữa tối, dì tôi quy định, đúng 7 giờ mọi thành viên phải có mặt ở nhà để ăn cơm gia đình. Những giờ cơm vui vẻ vô tình đã trở thành giờ cơm áp lực vì mỗi khi chồng  con dì có việc gì ở ngoài, không về ăn cơm được, dù báo trước để ở nhà không chờ, thì khi về nhà dì cũng mặt nặng mày nhẹ.

Gia đình ở giữa Sài Gòn sáng đêm người xe nô nức, vậy mà có ai đi đâu tám chín giờ tối chưa về là điện thoại bị dì réo 15 phút một lần. Về tới nhà, nếu ai đó không ăn cơm dì phần, thì cũng đến khổ với những câu hỏi ăn gì ở đâu, có đảm bảo vệ sinh không, sao tốn tiền thế, về nhà ăn vừa sạch vừa ngon....

Điều đáng nói, sau bài viết em tôi share, rất nhiều bạn bè nó bình luận rằng gia đình chúng cũng y chang, chúng cảm thấy khó chịu, chỉ muốn thoát ra.

Hình như khoảng cách thế hệ trong các gia đình muôn đời là nỗi đau đầu của cha mẹ và con cái. Nhưng không hiểu sao, khi con cái dần trưởng thành, cha mẹ cứ giậm chân tại chỗ, không theo suy nghĩ và tư tưởng của chúng.

Cha mẹ quen cách nghĩ, sinh viên hoặc nhân viên mới ra trường đi làm thì có việc gì cần phải đi đêm đi hôm. Phụ huynh đã nhầm to. Sinh viên ngoài giờ học chính thức còn phải có thời gian lên thư viện nghiên cứu tài liệu, hoàn thành các bài báo cáo, bài kiểm tra sắp tới, thư viện mở của đến tám giờ tối thì lý do gì bạn bắt con phải có mặt ở nhà lúc bảy giờ.

Sinh viên cũng cần học nhóm để làm các bài luận. Sinh viên cũng cần phải đi học các kỹ năng mền, học khiêu vũ, đi chơi, hẹn hò hoặc làm thêm để trở thành một người trẻ chủ động, năng động, tự tin và cứng cáp.

Riêng với những em đã đi làm, thì ngoài giờ làm cũng phải đi học thêm ngoại ngữ, học nâng cao, cũng phải gặp gỡ ăn uống giao thiệp với đồng nghiệp để bằng cách này hoặc cách khác học hỏi, hiểu sâu hơn về nơi mình làm hoặc hiểu rộng hơn về công việc của mình. 

Thế nhưng, phụ huynh nhiều nhà bứt đầu bứt tai lo lắng cho rằng, con vắng nhà vào giờ cơm tối thì nguy cơ hư hỏng, bất trị tới nơi rồi.

Cha mẹ không sai khi muốn giữ nền nếp gia đình và tình cảm cha mẹ con cái qua những lúc sinh hoạt cùng nhau, để có thể hiểu con hơn và không khí gia đình không rơi vào lạnh lẽo. 
 

Ban tre co nen ve nha truoc bay gio toi?
Thế giới ban đêm có rất nhiều điều thú vị với giới trẻ. Hình minh họa

Nhưng ngoài lý do tốt đẹp đó thì còn một lý do nữa mà phụ huynh ngại nói thẳng ra, đó là chúng ta vẫn coi "bọn mười tám đôi mươi" chẳng qua chỉ là một đám trẻ con, chưa có bản lĩnh, dễ bị kích động, không có cha mẹ quản lý là hư ngay.

Có phải người lớn không có sự tin tưởng vào bản lĩnh của chúng nên mới lấy giờ cơm làm giờ giới nghiêm. Chúng ta chỉ thực sự yên tâm khi nhìn thấy con trong tầm mắt, tầm tay của mình.

10 giờ đêm mà con chưa có mặt ở nhà thì lo lắng, ngay lập tức nghĩ ngay đến các kịch bản kinh dị như: Con gái thì bị bạn trai "dụ" để lại hậu quả nguyên cái "bầu tâm sự", con trai thì sợ nhậu nhẹt say xỉn rồi hút xách, tệ nạn...

Ngoài giờ học, giờ làm, chúng ta thà  cứ "nhốt" những đứa trẻ trưởng thành ở trong nhà cho chắc ăn. Suy nghĩ ấy có khi sai lầm. Bọn trẻ thích tự do bay nhảy, nếu cha mẹ kềm quá thì sẽ có tâm lý phó mặc đời mình cho cha mẹ định đoạt mà không cần phấn đấu vươn lên, càng lúc càng bị động và chây ì, gặp khó khăn thì ngồi chờ cha mẹ giải quyết, nếu cha mẹ không giải quyết được thì chúng sẽ oán trách.

Nếu gặp đứa con có cá tính mạnh thì sẽ có những phán ứng tiêu cực, thái quá gì cũng khó mà đoán trước.

Thế nên giờ cơm hãy cứ giữ ý nghĩa là những giây phút gần gũi của gia đình, nhưng linh hoạt tùy hoản cảnh và nhu cầu của trẻ, đừng để con cảm thấy sự quan tâm trở thành chiếc vòng kim cô vô hình xiết chặt và làm chúng ngột ngạt.

Bữa cơm thật sự ý nghĩ khi có một người vắng mặt vì bận công việc hãy để người ấy tiếc vì không được ngồi trong không khí vui vẻ đó. Ấy mới chính là cách giúp con trưởng thành và dù có đi đâu vẫn hướng về sự nồng ấm của gia đình.

Cảnh Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI