Bán trang thiết bị y tế giả phải bị truy tố hình sự

15/08/2021 - 19:59

PNO - Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định xử phạt tù với người có hành vi sản xuất, buôn bán trang thiết bị y tế giả mạo ảnh hưởng đến sức khỏe và gây thiệt hại tài sản cho người dân.

Nhiều chuyên gia, bác sĩ tham gia chương trình giao lưu trực tuyến Đấu tranh chống vấn nạn trang thiết bị y tế giả mạo do truyền hình Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức chiều 15/8 đã bày tỏ sự bức xúc về vấn nạn này.

Có thể phạt tù đến 15 năm

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM nhận định công tác chống dịch COVID-19 đang cam go và quyết liệt, nhất là tại TPHCM. Tuy nhiên, lợi dụng dịch bệnh, nhiều người tranh thủ tăng giá khi buôn bán các trang thiết bị y tế, quần áo bảo hộ, khẩu trang N95...

“Giá cả những mặt hàng này “nhảy múa” trên các sàn thương mại điện tử, có khi tăng rất cao. Trong khi đây là vũ khí của lực lượng tuyến đầu chống dịch. Chống dịch như chống giặc mà nhiều người buôn bán hàng giả là các trang thiết bị y tế là hành vi vô đạo đức, cần phải xử lý nghiêm”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Khẩu trang và máy đo nồng độ oxy do Trung Quốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ, bị phát hiện tại TPHCM. Ảnh: Cục QLTT TPHCM
Khẩu trang và máy đo nồng độ oxy do Trung Quốc sản xuất, không hóa đơn chứng từ, bị phát hiện tại TPHCM - Ảnh: Cục QLTT TPHCM

Việc mua bán hàng giả là vi phạm nghiêm trọng Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 98 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, mua bán hàng giả nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Mức phạt lên đến 50 triệu đồng. Tổ chức vi phạm tăng gấp đôi.

Đáng chú ý, Điều 192 của Bộ luật hình sự Việt Nam có quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, người nào sản xuất, mua bán hàng giả bị xử phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng; phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; nếu gây thiệt hại từ 1,5 tỷ đồng, có thể bị phạt tù đến 15 năm.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, những quy định pháp luật để xử phạt hành chính cho đến phạt tù những người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Vấn đề là thực thi những quy định này như thế nào. Ông đề nghị khi lực lượng quản lý thị trường phát hiện, sau khi lập biên bản nên chuyển hồ sơ sang cho công an xử lý về hình sự. Khi xử lý, cơ quan chức năng nên áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điều 10, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá.

Nguy hại sức khỏe vì chất bẩn trong khẩu trang giả

PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Kình – Cố vấn cao cấp Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp, lực lượng quản lý thị trường nên tăng cường kiểm tra các mặt hàng liên quan đến dịch bệnh, nên tạm dừng những việc theo kế hoạch từ trước. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm, không thể nói không biết vì có khi những người buôn bán hàng giả hoạt động trong một thời gian dài. Hải quan cũng là đầu mối rất quan trọng, phải phát hiện sớm từ cửa khẩu.

Theo nhận định của PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Kình, những người buôn bán đồ bảo hộ giả đang thực hiện những hành động vô lương tâm: “Trong khi cả nước dồn tất cả vật lực, nhân lực để chống dịch thì những người này vì chút lợi nhuận mà làm hại đồng bào mình. Với khẩu trang N95 giả, hậu quả là có thể khiến nhân viên y tế không được bảo vệ trước SARS-CoV-2, bị phơi nhiễm trong khi chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Về lâu dài, hít phải những chất bẩn trong khẩu trang giả có thể gây dị ứng, gây ung thư”.

Trang thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ được phát hiện tại TPHCM. Ảnh: Chi cục QLTT TPHCM.
Trang thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ được phát hiện tại TPHCM - Ảnh: Chi cục QLTT TPHCM.

PGS. TS.BS. Phạm Xuân Đà, nguyên Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học công nghệ cho biết, tất cả các nước trên thế giới đều đưa ra các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về đồ bảo hộ, nhất là bảo hộ y tế. Khẩu trang N95 là một trong những khẩu trang tốt nhất để phòng dịch, vì đã qua các thử nghiệm khắt khe nhất. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu rất cao và cấp bách. Những vụ phát hiện ra quần áo bảo hộ giả, khẩu trang N95 giả là sự cảnh tỉnh trong phòng chống dịch. Nếu những đồ bảo hộ không an toàn, sẽ ảnh hưởng ngay đến lực lượng y bác sĩ. Đây sẽ hiểm họa rất lớn. Vậy phải giải quyết quyết liệt vì đây là vấn đề lớn, vi phạm phòng chống dịch.

Theo ý kiến của PGS. Phạm Xuân Đà, ngoài việc phải xử lý nghiêm những hành vi buôn bán hàng giả này, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất những mặt hàng này, hỗ trợ từ nguyên vật liệu cho đến kiểm nghiệm. Đây là giải pháp mang tính gốc rễ khi chủ động nguồn sản xuất trong nước, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Nếu không như thế, sẽ rất khó xử lý triệt để hàng giả. Chúng ta nên có hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất về trang thiết bị phòng chống dịch. Nhà nước phát hiện xử lý nghiêm và đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể là về nguyên vật liệu. Thứ 2 là kiểm nghiệm. Hiện tại, kiểm nghiệm phải đưa ra nước ngoài, mất nhiều thời gian và chi phí rất lớn.

PGS. Phạm Xuân Đà cũng lưu ý các tổ chức thiện nguyện khi cung ứng đồ bảo hộ, trang thiết bị y tế cho lực lượng chống dịch nên tham khảo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế; danh sách các công ty được phép cung ứng các trang thiết bị, đồ bảo hộ; nên thao khảo trước nhu cầu các cơ sở y tế. Ông cho biết: “Trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ trong nước sản xuất hay nhập khẩu đều phải qua kiểm định và giấy phép lưu hành của Bộ Y tế. Các tổ chức thiện nguyện cẩn thận thêm một chút nữa để cung ứng thiết bị an toàn cho các nơi chống dịch”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI