Bán trà đá không coi là thất nghiệp, 96% người Việt sống đời sống trung lưu

15/03/2016 - 11:44

PNO - Cử nhân, thạc sĩ đi làm xe ôm, bán trà đá... vẫn được coi là có việc làm và có đến 96% người Việt cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu.

Mới đây, theo một khảo sát tại Việt Nam cho thấy nếu dựa trên phân loại theo thu nhập khoảng 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, với mức thu nhập từ 5000 USD - 35.000 USD/năm. Tuy nhiên, khi chia theo nhận thức, có đến 96% người VN cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu, Tuổi Trẻ thông tin.

“Tỷ lệ chêch lệch này khá cao so với khu vực như Singapore là 45% và 85%, Malaysia 46% và 79%, Indonesia là 56% và 72%… nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người. Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó”, ông Goro Hokari - giám đốc Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) - phân tích.

Ban tra da khong coi la that nghiep, 96% nguoi Viet song doi song trung luu
Đa số người Việt sống theo phong cách trung lưu.

Tầng lớp trung lưu hiện được xác định bằng thu nhập thực tế hàng tháng của hộ gia đình, tuy nhiên, theo ông Goro nghiên cứu mới nhất cho thấy có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ.

Sự lạc quan nói trên trên thực tế lại không hề lạ lẫm gì với người Việt. Mới đây, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, định nghĩa về thất nghiệp từ xưa đến nay giữ nguyên không thay đổi qua các năm, các cuộc điều tra và hoàn toàn tương thích với định nghĩa thế giới. Cuộc điều tra này do Tổng cục Thống kê thực hiện hàng quý, có sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dựa trên số mẫu là 50.000 hộ gia đình.

Theo đó, người thất nghiệp là những người từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc, trong thời gian phỏng vấn (trong vòng 1 tuần) có đi tìm việc làm nhưng chưa tìm được.

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, ở Việt Nam không có ai thất nghiệp tuyệt đối, mất việc này họ vẫn có thể làm việc khác, tức là vẫn có thu nhập. Do đó, cử nhân, thạc sĩ đi làm xe ôm, bán trà đá... vẫn được coi là có việc làm.

"Có thể nói một người đi làm như thế là chất lượng việc làm chưa tốt, thu nhập thấp, nhưng không phải thất nghiệp", bà Hương khẳng định.

Bà Hương cũng thẳng thắn bày tỏ: "Khi điều tra người ta hỏi có làm việc không, có nhu cầu đi tìm việc không, đầy đủ 4 tiêu chuẩn như trên mới ra được người thất nghiệp. Nhưng với một nước có tỷ lệ lao động nông nghiệp 44%, lao động ở nông thôn 70%, tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức trên 50% như Việt Nam thì làm sao thất nghiệp được. Chỉ có điều chất lượng việc làm, thu nhập như thế nào mà thôi".

Yên Sở (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI