Bản tình ca mùa thu Tây Bắc

11/10/2014 - 14:20

PNO - PN - Nghĩ đến Tây Bắc, du khách thường chọn Sa Pa (Lào Cai) như một điểm dừng chân lý tưởng. Hành trình của chúng tôi lại đi theo cung đường mới, phía Tây của Tây Bắc, qua bốn tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình. Nhiều người cho rằng, đi Tây Bắc đẹp nhất là vào mùa thu để cảm nhận cái lạnh vùng cao lãng mạn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ban tinh ca mua thu Tay Bac

Mùa thu trên từng hoa lúa

Điểm bắt đầu là Mù Căng Chải (Yên Bái). Không nhộn nhịp, dập dìu du khách như Sa Pa, Mù Căng Chải mang trọn nét nguyên sơ, tinh khôi của núi rừng Tây Bắc. Chúng tôi nhanh chóng bị hút hồn bởi những thửa ruộng bậc thang nối nhau vắt ngang qua những triền đồi; nhìn từ xa giống như những dải lụa xanh ngắt, vàng óng xen lẫn, tạo thành nhiều hình dạng khác nhau.

Con đường chinh phục Tây Bắc luôn quanh co, uốn lượn. Qua mỗi khúc quanh, cảnh sắc liên tục thay đổi khiến du khách náo nức, mắt như không dám chớp bởi sợ bỏ lỡ một cảnh đẹp nào đó. Dù sáng, trưa hay chiều, tối, mây trắng luôn bồng bềnh trên những đỉnh núi và sà xuống lưng chừng đồi. Thỉnh thoảng lại có dòng thác nhỏ trắng xóa đổ xuống khe núi, bên dưới chân núi là dòng suối uốn quanh mềm mại. Dọc hai bên đường, những dải hoa cúc dại trắng tinh khôi và hàng loạt những loài hoa dại khác thi nhau khoe sắc.

Ở địa phận Mường La (Sơn La), du khách còn được chiêm ngưỡng công trình thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á (công suất 2.400MW, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10,2 tỷ kWh). Con đập ngăn dòng đã biến sông Đà hùng vĩ với dòng chảy cuồn cuộn, màu nước “lừ lừ chín đỏ” thành một hồ nước mênh mông xanh thẳm với lưu vực rộng đến 43.760km2. Những thảm lúa mượt mà dọc hai bên sườn đồi cùng mặt hồ phẳng lặng tạo nên bức tranh thủy mặc khổng lồ đẹp đến nao lòng.

Có lẽ không nơi nào phù hợp hơn để du khách cảm nhận trọn vẹn nhất không khí của mùa thu như ở Tây Bắc. Nắng vừa đủ vàng cho hoa thêm biếc, nước thêm trong... Và đặc biệt, với Tây Bắc, không chỉ mũi, phổi mà từng tế bào trên cơ thể của bạn cũng được “thở”.

Ban tinh ca mua thu Tay Bac

Điệu múa của cô gái Thái

Chếnh choáng say

Giai điệu ngọt ngào nhất của bản tình ca Tây Bắc chính là hình ảnh của các thiếu nữ vùng cao. Du khách vùng xuôi đến đây dù chưa nếm men rượu vẫn không khỏi có chút chếnh choáng trước vẻ duyên dáng của thiếu nữ Thái với má thắm, môi hồng, mắt lúng liếng, miệng cười duyên. Hầu hết phụ nữ Thái có dáng người cao ráo, thanh mảnh, bộ váy áo truyền thống ôm sát người càng làm tôn lên vẻ uyển chuyển, thanh tao. Đặc biệt, không chỉ nấu ăn giỏi, họ còn hát múa rất hay.

Dừng chân ở bản Noong Chứn, thành phố Điện Biên hay bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), chúng tôi được tận mắt xem phụ nữ Thái chuẩn bị bữa ăn với gần chục món như xôi đồ, cá nướng, gà nướng, thịt băm nướng lá chuối, lợn gác bếp, nộm da trâu… Những phụ nữ vừa làm bếp đó nhanh chóng hóa thân thành các diễn viên múa thết đãi du khách bữa tiệc tinh thần mang đậm nét văn hóa bản địa. Điệu múa thổ cẩm khoe vẻ đẹp tinh tế của hoa văn dệt qua chiếc khăn, là cách để họ khoe sự khéo léo của mình đến… phía đàng trai. Điệu múa mời rượu chào mừng khách đến nhà, thể hiện lòng hiếu khách của gia chủ…

Cô gái Mông lại mang nét đẹp khỏe khoắn, khoáng đạt với làn da rám nắng và bước chân thoăn thoắt trên những sườn đồi. Chiếc váy xòe thổ cẩm đầy sắc màu tung tăng theo từng bước chân. Các cô luôn đem theo tấm vải và kim chỉ để thêu váy mọi lúc mọi nơi. Khi tụ tập nơi đầu hè, khi xuống chợ hay dọc theo đường đi, bên những thửa ruộng; vừa đi đôi tay vẫn liên tục điều khiển các mũi kim. Để thêu xong một chiếc váy, có thể mất đến đôi ba tháng. Chiếc váy như một bản hòa ca của các sắc màu và hoa văn; màu nào cũng nổi song vẫn rất hài hòa. Không được cởi mở như phụ nữ Thái, cô gái Mông thường e thẹn nhìn du khách cười và ngập ngừng trả lời khi được hỏi.

Ban tinh ca mua thu Tay Bac

Ruộng bậc thang Mù Căng Chải

Đậm đà hương vị thiên nhiên

Ẩm thực Tây Bắc mang đặc trưng hương vị của thiên nhiên. Đến nơi nào chúng tôi cũng được thưởng thức món xôi đồ, từ loại nếp nương thơm trồng trên vùng núi cao suốt sáu tháng. Lúa ở đây được tạo nên từ những dưỡng chất của đất trời trong lành, vậy nên xôi có vị ngọt bùi rất đặc trưng.

Người Tây Bắc rất thích ăn món nướng hoặc gác bếp. Họ có cách kết hợp những loại gia vị của rừng ướp vào thịt, cá để khi nướng lên tạo ra một mùi thơm và hương vị độc đáo. Gia vị chủ đạo cho các món như pa pỉnh tộp (cá nướng gập), gà nướng, thịt băm nướng lá chuối, lợn gác bếp… là hạt mắc khén (chỉ có ở núi rừng Tây Bắc) và lá thì là. Không chỉ vậy, trước khi ướp, các gia vị muối, ớt đều được rang lên để tạo mùi thơm. Còn gì tuyệt vời hơn trong tiết trời lành lạnh của mùa thu, ngồi trên nhà sàn thưởng thức món nướng và nhấp chén rượu ngô cùng bạn bè.

 An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI