Bán thực phẩm kém chất lượng thì phải bồi thường

11/11/2022 - 07:02

PNO - Chiều 10/11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tại hội trường về Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân (tỉnh Bắc Ninh) băn khoăn về quy định bồi thường khi có thiệt hại thực tế xảy ra.

 

Đại biểu Quốc hội cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối bởi  năm nào cũng xảy ra các vụ việc vi phạm với quy mô lớn, nghiêm trọng (trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ thu giữ gần 200kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc hồi tháng 10/2022) - Ảnh: CTV
Đại biểu Quốc hội cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối bởi năm nào cũng xảy ra các vụ việc vi phạm với quy mô lớn, nghiêm trọng (trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ thu giữ gần 200kg nội tạng động vật không rõ nguồn gốc hồi tháng 10/2022) - Ảnh: CTV

Theo bà, trong thực tế, không phải lúc nào thiệt hại cũng phát sinh ngay khi bên mua dùng hàng hóa. Chẳng hạn, trong nước tương chứa chất 3-MCPD vượt tiêu chuẩn cho phép, có thể gây nhiễm độc gan, trong sữa chứa chất melamine có thể gây ung thư nếu dùng lâu dài. Nhưng hậu quả của nó lại không phát sinh ngay khi người tiêu dùng ăn hoặc uống chúng mà có khi vài năm hay vài chục năm sau, bệnh mới bộc phát. 

Bà Trần Thị Vân đặt câu hỏi: “Liệu người tiêu dùng có phải chờ đến khi có thiệt hại xảy ra mới có quyền yêu cầu bồi thường? Liệu lúc đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng này còn tồn tại trên thị trường để bồi thường cho người tiêu dùng hay không?”.

Từ đó, bà đề nghị, cần bổ sung vào dự thảo luật việc áp dụng trách nhiệm bồi thường khi hàng hóa có yếu tố không an toàn cho người tiêu dùng mà không đợi có thiệt hại xảy ra. 

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối bởi năm nào cũng xảy ra các vụ việc vi phạm với quy mô lớn, nghiêm trọng. Các loại thực phẩm kém chất lượng, thiếu an toàn đang tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Đây chẳng khác nào người tiêu dùng đem tiền mua bệnh, thậm chí mua những căn bệnh rất nguy hiểm như ung thư. 

Bà kiến nghị, pháp luật cần bảo vệ người tiêu dùng theo hướng “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần phải dùng hậu quả để chứng minh thiệt hại”.

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình), trên thực tế, rất nhiều giao dịch mua bán được thực hiện trên môi trường mạng. Người mua có thể nhận được những mặt hàng không giống như đã thỏa thuận. Trong khi đó, người bán lại tắt điện thoại và thoát khỏi giao dịch. Nhiều người thấy giá trị giao dịch nhỏ nên cũng ngại báo cáo, kiện tụng và cũng không biết nên báo cho ai. Mặt khác, không dễ để xác định được hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng chất lượng. Nhiều loại hàng hóa lại khó kiểm chứng chất lượng được ngay. 

Bà Đặng Bích Ngọc nói: “Điều này đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng quy định xử lý lại chưa có. Do đó, dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ và chi tiết về nội dung này”. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI