Bàn tay với những nốt trầm

24/12/2015 - 07:56

PNO - Bàn tay chị tôi không thuôn dài hay mịn màng như bàn tay những người con gái khác.

Từ nhỏ, tay chị đã ngăn ngắn các ngón, tròn trịa mập mạp các đốt và không để móng dài. Chị hơn tôi hai tuổi, vào độ tuổi biết xấu biết đẹp của con gái, tôi nói chị để móng tay đi, cho thấy tay dài hơn, đẹp hơn.

Chị tuổi 16 mà chững chạc lạ, rằng không ai nói người khác đẹp hơn vì mấy cái móng tay. Nhà lam lũ, từ ba giờ sáng chị đã theo mẹ ra chợ. Bào, cắt, gọt… các loại rau củ, rồi phân loại cho vào bịch, xách đi giao các sạp hàng…Trời thương nên mới cho đôi bàn tay mập mạp khỏe mạnh như vầy, chứ như tay em, lỏng khỏng dài mà ốm nhom thì sao mà xách nổi từng bịch rau, củ hàng chục ký?

Ban tay voi nhung not tram

Hai bàn tay chị, tám ngón có những nốt sần cứng. Mẹ tôi gọi đó là những vết chai, cứ lấy chanh chà cho nhiều hoặc lấy dao cau cạo nhè nhẹ nó sẽ mòn. Mỗi độ xế trưa, chị kéo tôi ra góc nhà bắt chí. Tuổi mới lớn chúng tôi dạo đó, chí ở đâu mà nhiều quá không biết. Đôi bàn tay có nốt trầm của chị, cứ giết chí tanh tách trên đầu tôi, rồi vuốt từng sợi tóc mà tách trứng chí cho mái tóc tôi sạch sẽ hơn.

Thời gian trôi nhanh. Tôi học xong trung học, thêm ba năm trung cấp rồi đi làm, lấy chồng. Còn chị, chỉ học đến lớp 6 và ngày ngày vẫn cùng mẹ ra chợ buôn bán chứ không nói gì đến chuyện chồng con.

Ngày tôi sinh con, mẹ đón về “nuôi cữ” nhưng chính chị lại là người chăm sóc từ bà mẹ đến trẻ sơ sinh. Chị tắm bé, hơ bé, xông hơi và xoa bóp cho sản phụ. Ôi! Bàn tay với những nốt trầm của chị, cảm giác ấm áp nham nhám chà lên da thịt sao mà tuyệt vời đến vậy.

Y như rằng không có một dụng cụ mát-xa nào ấm áp và đủ độ day ấn bằng tay chị. Đến khi con tôi chập chững những bước đầu tiên, bàn tay với những ngón ngắn tròn ấy lại dìu đỡ cháu từng bước chân, từng lần té ngã.

Mấy lần tôi giục chị lấy chồng, đã “băm ba nhát” rồi còn gì. Chị cười, bây giờ chị vẫn hạnh phúc mà. Vui nhất là mỗi buổi chợ bán hết đồ, về nhà thì cháu chạy ào ra đớt đát mừng “Hai dìa… ìa…”. “Chị mà lấy chồng thì ai lo cho ba mẹ, cho các em?”.

Tôi khóc, nói có ai bắt buộc vậy đâu. Chị lau nước mắt cho tôi, không bằng khăn giấy, khăn bông gì cả mà bằng đôi bàn tay nham nhám. Rằng làm mẹ rồi sao lại dễ chảy nước mắt quá, con nó bắt chước khóc nhè theo kia kìa. Tôi ôm bàn tay có những vết hằn tháng năm mà nghe tình ruột thịt sâu đậm đến vô cùng.

Mẹ tôi tuổi già sức yếu, không còn đi chợ được nữa, lại vừa té sau một buổi chiều đi gom củi. Chị đã cực càng cực hơn vì vừa chăm người bệnh, vừa bán buôn sớm tối. Tôi về phụ chị chăm mẹ, chị không đồng ý. Rằng gái có chồng phải lo cho nhà chồng, hoặc đã ra riêng thì lo cho tổ ấm của mình, chuyện nhà đã có chị lo.

Tôi năn nỉ mãi, rằng con nào cũng con, sao chị “giành” hết phần hiếu thảo? Vậy là chị phân công tôi nấu nướng và đút ăn cho mẹ, còn vệ sinh, giặt giũ là phần chị. Chị tỉ mẩn dùng khăn lông pha nước thơm lau người mẹ hai lượt mới vừa lòng.

Với tôi, trong cuộc đời này sẽ không có bàn tay nào đẹp hơn bàn tay chai sần, ngắn ngón và bết dính mủ rau củ của chị.

Thùy Phương

Bạn tôi đã học xong cao học, mãi giờ chưa lập gia đình. Nhà đông anh chị em, nhưng việc chăm sóc mẹ do cô ấy lo. Tôi hay đùa với cô ấy, bàn tay này nhìn là biết cực rồi, khỏi đi xem tướng số. Mà cô ấy cực thật, làm việc xã hội, chạy như con thoi, về nhà chăm sóc bà cụ nằm một chỗ lâu ngày, rất bẳn tính.

Có người, bàn tay xấu là bẩm sinh, chứ không hẳn do lao động tay chân nhiều. Cô bạn ấy cũng vậy. Cứ nhìn đôi bàn tay là nghĩ đời cô ấy truân chuyên. Phận số con người, đôi khi vận cả vào đôi bàn tay nhỉ? Cũng vì vậy mà tôi luôn thương những người có bàn tay không đẹp, vì tôi nghĩ họ cực.

Có lần nhìn cô bạn chăm sóc bà cụ, kỳ cọ tắm rửa cho bà cụ, tôi tự nhiên thấy bàn tay cô ấy đẹp. Tính cách con người, tấm lòng mới quyết định mọi thứ. Tôi nghĩ vậy.

Trần Vũ (Q.Tây Hồ, Hà Nội)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI