Bàn tay níu giữ... bàn tay

02/11/2015 - 15:35

PNO - Tài xế được ca ngợi là anh hùng sau khi đoạn clip lan truyền trên mạng cho thấy ông dừng xe cứu một người phụ nữ toan gieo mình xuống sông.

Một ngày bình thường, tài xế Bian Pengfei điều khiển xe buýt theo lộ trình quen thuộc, đưa đón khách tại Nam Kinh (Trung Quốc). Bất chợt, anh thấy một phụ nữ toan gieo mình xuống sông. Tấp xe vào lề, Bian lao đến kéo người phụ nữ ấy xuống khỏi thành cầu. Hai thanh niên khác có mặt ở đó đã giúp Bian đưa người phụ nữ này lên xe.

Camera gắn trong xe quay lại tất cả diễn biến câu chuyện. Sau đó, đoạn ghi hình lan truyền trên mạng và tạo nên cơn sốt”, về lòng tốt mà người xa lạ dành cho nhau. Nếu trong giây phút ấy, Bian cứ lái xe lao đi, thì cũng chẳng ai đổ tội cho anh vì anh còn có hành khách trên xe. Bằng lương tri của mình, Bian đã làm được điều không phải bất cứ tài xế nào cũng làm.

Ban tay niu giu... ban tay
Cảnh sát Briggs (trái) cứu sống một thanh niên tự tử trên Cổng Cầu Vàng - Ảnh: NY Daily

Đâu đó trong cuộc sống, vẫn còn những người - hùng thầm - lặng, dành trọn cuộc đời theo đuổi mục tiêu cứu sống những ai có ý định buông xuôi sự sống. Golden Gate (Cổng Cầu Vàng), cây cầu biểu tượng của San Francisco lại là một trong những nơi người ta thường chọn để kết liễu đời mình.

Ban tay niu giu... ban tay
Người gác Cổng Cầu Vàng - Ảnh: NY Daily

Từ khi cầu hoạt động năm 1937 đến nay, đã có khoảng 1.500 người gieo mình xuống sông tự vẫn. Trong 23 năm làm công việc tuần tra khu vực Cổng Cầu Vàng, cảnh sát Sergeant Briggs đã thuyết phục thành công hơn 200 đối tượng có ý định quyên sinh, chỉ duy nhất một trường hợp thất bại, khiến ông ray rứt mãi đến giờ.

Ông Sergeant Briggs kể: “Một ngày hoàn thành nhiệm vụ là không thấy bất cứ ai nhảy cầu. Tôi luôn ám ảnh rằng mình có thể bỏ sót ai đó. Trong một giây phút hoang mang, có người sẽ hành động thiếu suy nghĩ, nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện và kéo họ trở về với cuộc sống”.

Ban tay niu giu... ban tay
Thần hộ mệnh núi Gap - Ảnh: ABC

Ông Don Ritchie (đã qua đời năm 2012) được mệnh danh là “Thần hộ mệnh núi Gap” ở Australia. Từ năm 35 tuổi, ông chọn sứ mệnh lớn lao trong cuộc đời mình là cứu lấy những tâm hồn cô đơn, toan tìm đến cái chết ở vực núi Gap. Suốt 50 năm, ông không rời vùng đất này và đã cứu sống 150 người. Ông còn trở thành bạn đồng hành với nạn nhân, chia sẻ và hướng họ đến tương lai tươi sáng hơn.

Những cánh thư, lời thăm hỏi yêu thương từ những người ông đã cứu sống là động lực lớn nhất để ông theo đuổi công việc thiện nguyện đến cuối đời. Câu chuyện của ông Don Ritchie không khác lắm so với Yukio Shige, một sĩ quan cảnh sát về hưu người Nhật đã cứu sống 500 người từng có ý định chấm dứt cuộc sống.

Ông trao cho họ bàn tay và một chỗ dựa tinh thần. Hàng ngày, ông Yukio Shige tuần tra quanh các vách đá Tojinbo, thuyết phục, động viên những người có ý định tự tử. Sau đó, ông đưa họ về với người thân. Nếu họ không còn ai thân thuộc, ông đưa họ về nhà mình, cưu mang “miếng cơm, manh áo” rồi tạo điều kiện giúp họ hòa nhập cộng đồng.

Ban tay niu giu... ban tay
Ông Yukio Shige luôn đau đáu cứu người - Ảnh: Japan Times

Viên cảnh sát về hưu Sergeant Briggs chia sẻ, niềm hạnh phúc của ông không phải các giải thưởng cao quý mà là nhìn thấy những người mình từng cứu sống chí thú vun đắp lại cuộc sống của họ. Một bàn tay chìa ra đúng lúc luôn có sức mạnh vô biên, cứu rỗi cho những cuộc đời vẫn đáng được sống.

Anh Thông (Theo CCTV, NY Daily, ABC, Japan Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI