Bàn tay nắm lấy bàn tay…

10/11/2017 - 10:17

PNO - Trong cơn bão lũ ấy, vẫn còn nhiều “những người không nhận mình là anh hùng” đã chìa bàn tay ấm, để những bàn tay trong tuyệt vọng còn chỗ níu lấy, neo lại.

“Mong báo chí không sử dụng hình ảnh của chúng tôi. Đừng gọi hành động ấy là anh hùng, vì sẽ có rất nhiều người suy nghĩ như chúng tôi. Giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn là việc nên làm", anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và bảy đồng nghiệp đã chia sẻ như vậy khi được đề nghị phỏng vấn.

Ban tay nam lay ban tay…
 

Với chiếc ca-nô nhỏ bé, các anh đã quần thảo trên vùng biển sóng gió ngay khi cơn bão ập vào Ninh Hòa để đưa hơn 200 người nuôi lồng bè còn sót lại trên biển vào bờ. Hành động của anh Luân và các đồng nghiệp không chỉ xuất phát từ việc quên mình cứu người, mà còn là sự thấu hiểu vì lồng bè là tất cả tài sản của ngư dân, họ sẽ ở lại để bám giữ, để mong chờ điều kỳ diệu.

Trên vùng biển tối đen, sóng gió gầm thét ấy, chiếc ca-nô như chiếc lá mỏng manh đã cùng các anh kiên nhẫn, dũng cảm tìm kiếm từng ngư dân - những người bị bão đánh sập bè, ném ra vùng biển đang cuồng nộ chỉ còn biết bám víu vào một miếng ván, chiếc phuy nhựa. Chiếc ca-nô cứ trở lại, lần nữa, lần nữa… ngay giữa tâm điểm của bất trắc để có thể mang thêm một người nữa, người nữa vào bờ.

Để là sự cứu sinh với một ngư dân đang chìm dần trong cơn tuyệt vọng. “Chúng tôi dùng đèn pin, đèn pha dò tìm người gặp nạn. Hơn 30 phút sau, chúng tôi đưa được những người đầu tiên bị đuối sức vào bờ. Hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân còn lại”, anh Luân kể, đơn giản như là chuyện rời nhà đi ra ngõ ngày gió đẹp.

Anh bỏ qua những hiểm nguy mình và đồng nghiệp đã gặp, những tai nạn, sơ suất có thể phải trả giá bằng mạng sống, chỉ để giữ lại những bàn tay và truyền hơi ấm cho nhau. 

Ban tay nam lay ban tay…
 

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đến 17g ngày 7/11, thiệt hại do bão số 12 gia tăng không ngừng. Thống kê cho thấy số người chết lên tới 89, 18 người mất tích và 174 người bị thương.

Chính điều bình thường nhưng rất phi thường của các anh đã góp phần giúp con số người tử vong hay mất tích ấy thu hẹp lại, các con số đau lòng giảm đi, nỗi đau thương bớt loang rộng. 

Trong cơn bão lũ ấy, vẫn còn nhiều “những người không nhận mình là anh hùng” đã chìa bàn tay ấm, để những bàn tay trong tuyệt vọng còn chỗ níu lấy, neo lại. Hy vọng đã phục sinh trong trái tim người. Ở Hội An, khi nước dâng và ngập sâu, tại những nơi khô ráo đã xuất hiện các hiệu cơm và nước sạch miễn phí.

Thậm chí ngay cả khi bị chia cắt, co ro trên căn gác nhỏ, các hộp cơm và thức ăn nóng cũng được mọi người chèo thuyền ứng cứu tận nơi. Những thanh niên biết chèo, biết bơi đã giúp chị Mai Quyên, chị Hoàng Yến - chủ các tiệm cơm chay và bánh ở Hội An giao cơm đến những gia đình bị ngập sâu và chia cắt, từ cửa sổ trên lầu cao, bàn tay đã tìm thấy hơi ấm đồng loại qua hộp cơm bốc khói, chai nước sạch, sự sống và tình đồng bào được chuyển giao.

Một chị có nick là Nguyen My, gốc Nha Trang, hiện đang định cư tại Latvia đã nhanh chóng từ châu Âu, kết nối với những bạn bè hiện đang công tác trong ngành xây dựng để vận động và góp tiền hỗ trợ các hộ gia đình bị sập nhà, tốc mái. Các con chị, đôi mắt xanh biếc, đã đập ống heo để góp tiền hỗ trợ thiên tai cho quê mẹ.

Chị đã viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh một bức thư kêu gọi, để mỗi người bạn chị có thể góp 100.000 đồng cho việc này. Tính đến thời điểm này, hàng trăm triệu đồng đã được chị huy động, những xe tôn, những người thợ đã theo xe về cất lại mái ấm cho những gia đình đang khốn khổ nhìn trời, đợt đầu tiên.

Sẽ còn nhiều mái ấm quê hương được cất lên như thế, sẽ còn nhiều áo ấm bao bọc đồng bào như thế, sẽ còn những thực phẩm ấm lòng người bị nạn như thế… Để đi qua khó khăn, không cần những anh hùng.

Phan Thành

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI