Bàn tay mà ta thương - "Đôi bàn tay nguyện cầu"

13/08/2021 - 07:35

PNO - Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ làn da tay của má tôi; nhớ những ngón tay xương xẩu với các khớp to đùng của má; còn nhớ những buổi chiều mùa đông giá lạnh của miền Bắc, má ngồi xoa những khớp ngón tay rên khe khẽ.

1. Chuyện về bức tranh Đôi bàn tay nguyện cầu nổi tiếng thế giới

Chuyện kể rằng, vào thế kỷ thứ XV, tại một ngôi làng nhỏ gần thành phố Nuremberg nước Đức có một gia đình nghèo khó rất đông con. Người cha trong gia đình ấy là một thợ kim hoàn, họ là Albrecht. Ông phải làm việc quần quật suốt 18 tiếng mỗi ngày để nuôi đàn con khôn lớn.

Dù sống trong cảnh nghèo khó, hai cậu con trai của ông Albrecht luôn ấp ủ ước mơ trở thành họa sĩ. Tuy vậy, chúng cũng hiểu rằng cha mình chẳng bao giờ có đủ tiền để cho chúng học nghệ thuật ở Nuremberg.

Tác phẩm Đôi bàn tay của danh họa Albrecht Durer
Tác phẩm Đôi bàn tay của danh họa Albrecht Durer

Sau nhiều đêm bàn bạc, hai anh em đã thỏa thuận rằng chúng sẽ tung đồng xu để phân định và người thua cuộc phải nghỉ học, đi làm để kiếm tiền nuôi người kia ăn học thành tài. Người thắng sẽ hoàn thành việc học tập trong vòng bốn năm, sau đó quay trở lại kiếm tiền để nuôi người anh em còn lại của mình đi học.

Người anh - Durer - đã thắng cuộc và tới Nuremberg học mỹ thuật, còn người em - Albert - phải nghỉ học và đi làm thuê trong những hầm mỏ ròng rã suốt bốn năm trời để kiếm tiền nuôi anh ăn học.

Người anh đã thành công. Những tác phẩm tranh vẽ, tranh khắc gỗ, tranh sơn dầu của anh tuyệt đẹp và anh bắt đầu bán được tranh. Chàng trai trẻ trở về nhà trong niềm vui sướng hân hoan.

Buổi tối hôm đó, nhà Albrecht tổ chức tiệc ăn mừng. Buổi tiệc tràn đầy tiếng nhạc và những lời chúc tụng. Albrecht Durer tới bên em trai để nói lời biết ơn và cùng nâng cốc chúc mừng.

Albrecht Durer dõng dạc tuyên bố: “Này Albert, em trai yêu quý của anh. Đã đến lúc anh chăm lo cho em được rồi. Em hãy tới Nuremberg để theo đuổi ước mơ của mình đi, anh sẽ trang trải mọi việc và luôn ở cạnh em”.

Mọi ánh mắt đều dõi nhìn về phía cuối bàn ăn nơi Albert đứng với niềm xúc động khôn cùng. Thế nhưng, người em vẫn đứng đó, cúi đầu trong im lặng. Những giọt nước mắt lăn dài xuống hõm má gầy gò, xanh xao của anh… rồi Albert nấc lên trong thổn thức.

Cuối cùng, Albert ngẩng đầu lên và lau những giọt nước mắt trên đôi gò má hốc hác. Anh nhìn mọi người khắp một lượt rồi run rẩy áp đôi bàn tay của mình lên má phải và nghẹn ngào nói: “Albrecht Durer! Em không thể tới học ở Nuremberg. Anh nhìn đôi tay em này! Bốn năm làm việc trong các hầm mỏ, các ngón tay của em không còn nguyên vẹn. Em bị bệnh đau khớp ở tay phải. Nó đau đến nỗi em thậm chí còn không thể nâng ly chúc mừng anh, thế thì sao mà em có thể vẽ hả anh?”.

Cả phòng tiệc chìm đi trong im lặng. Rất nhiều người lặng lẽ rút khăn tay lau nước mắt. Albrecht Durer ôm choàng lấy cậu em trai Albert tội nghiệp mà không thốt nên lời.

Hàng trăm năm đã trôi qua, giờ đây hàng trăm kiệt tác của Albrecht Durer vẫn được treo khắp các viện bảo tàng nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bức họa được coi là “kiệt tác trong những kiệt tác” của Albrecht Durer lại chính là bức tranh mà danh họa đã vẽ bằng cả tài năng, lòng trân trọng và biết ơn của mình đối với sự hy sinh thầm lặng của người em trai Albert: đôi bàn tay không còn lành lặn của người em trai với những ngón tay bình dị, khắc khổ chụm vào nhau hướng lên bầu trời.

Ông đặt tên cho bức họa là: Đôi bàn tay nhưng hết thảy công chúng khi chiêm ngưỡng tuyệt tác này và được nghe câu chuyện cảm động về tình anh em nhà Albrecht đều xúc động gọi đó là bức họa Đôi bàn tay nguyện cầu

2. Má ơi, con yêu bàn tay của má quá à!

Câu chuyện trên tôi đã đọc và ghi nhớ từ rất lâu. Mỗi lần nhìn bức tranh này, tôi lại nhớ đến một đôi bàn tay khác: đôi bàn tay của má tôi. 

Má tôi thời thơ ấu là con gái của một gia đình quan lại đất miền Trung. Cho đến bây giờ, trong album gia đình vẫn còn lưu giữ những tấm ảnh má thời bé xíu, một thiếu nữ tóc dài, áo dài trắng nền nã, xinh đẹp. Là con út nên má tôi được cả nhà cưng chiều hết mực.

Năm 1954, má cùng ba tập kết ra Bắc. Cuộc đời một tiểu thư khuê các (nhưng tiến bộ) của má tôi kết thúc ở đây. Xa gia đình, xa sự đùm bọc, chăm sóc của ông bà, anh chị, má tôi phải làm quen không chỉ việc bếp núc, nhà cửa mà còn phải kiếm tiền, lo cho ba đứa con vì ba tôi khi đó đi công tác xa, đồng lương nhà giáo cũng chẳng bao nhiêu còn phải xẻ làm hai nửa.

Má tôi khi đó là kỹ sư nông nghiệp. Bà làm việc ở cảng biển, chuyên kiểm soát hàng ra vào cảng. Đi kiểm hàng, xuống tàu, làm phòng thí nghiệm… vốn là những việc nặng nhọc đối với người phụ nữ nhỏ nhắn như má, vậy nhưng để đủ tiền chi tiêu cho cả nhà, má còn nhận thêm việc khử trùng, sát trùng các nhà kho cảng. Mà những nhà kho cảng thường rộng mênh mông, như cái sân bóng và cao ngất.

Sau này nhắc lại, má hay cười chính bản thân: hồi đó cứ phải leo trèo như khỉ. Hóa chất và những công việc nặng nhọc làm má tàn phai nhan sắc rất nhanh nhưng nhanh nhất là đôi bàn tay: nhăn nheo, thô ráp và các khớp ngón tay luôn sưng to, xấu xí.

Bao nhiêu ngàn ngày đó, sau những giờ đi làm về, má lại tắm rửa, gội đầu, chải tóc, nấu ăn cho chị em chúng tôi. Đêm đêm khi chúng tôi ngủ, má thức làm việc nhà, khâu vá, dọn dẹp, kiểm bài vở rồi cặm cụi học thêm.

Cho đến giờ, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác về làn da tay của má tôi, nhớ những ngón xương xẩu với các khớp to đùng của má, còn nhớ những buổi chiều mùa đông giá lạnh của miền Bắc, má ngồi xoa những khớp ngón tay rên khe khẽ. 

Ảnh mang tính minh họa SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa Shutterstock 

Khi chúng tôi đã lớn, có lần ba xót xa, nhắc ngày xưa bàn tay má đẹp lắm. Ba ngưng một chút, nhìn sang bàn tay tôi và bảo: “Đẹp như bàn tay Khánh bây giờ vậy”.

Tôi tin là ba nói đúng, vì nhiều người nói tôi giống má lắm, giống mọi thứ. Có lẽ nhờ được má chăm sóc nâng niu, tôi có đôi bàn tay đẹp đẽ.

Có thể những ấn tượng về đôi bàn tay của má sẽ trượt qua trí nhớ của tôi nếu không có một lần trong khi leo trèo để kiếm thêm tiền phụ cấp độc hại, má tôi té gãy tay. Chiều đó, chị em tôi chờ mãi không thấy má về. Vừa đói, vừa lo, mấy chị em lèo nhèo với nhau mãi và khóc òa khi thấy má về với đôi tay băng trắng.

Mấy tháng sau đó, má không làm việc nhà, không nấu ăn được, chị tôi phải thay má làm mọi việc. Chưa từng phải ăn cơm chị nấu lâu như thế, mà chị khi đó cũng chỉ là một cô bé, chúng tôi thật khổ sở với những món ăn khi sống khi chín, khi cứng khi dai nhách của chị.

Cho tới ngày má được tháo băng, tôi nhớ hoài tiếng cười vang của cả nhà khi em trai tôi lúc đó mới chừng bốn, năm tuổi được ăn một món gì đó rất ngon do má nấu, nó hồn nhiên ôm chặt lấy bàn tay má hôn hoài và nói rất ngây thơ: “Con yêu bàn tay của má quá à”.

Tôi tin rằng, trong cuộc đời của bất cứ ai cũng phải có một đôi bàn tay để mà yêu thương, để mà biết ơn. 

Khánh Chi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI