Bàn tay của ba

28/05/2013 - 17:16

PNO - Từ đường lộ vào sâu trong ấp 4, xã Phong Phú, Bình Chánh, TP.HCM là căn nhà của ông Khưu Văn Tài, 52 tuổi. Hơn 15 năm trước, ông làm công cho nhà máy nghiền thức ăn cá tra, một lần bị tai nạn lao động, bốn ngón tay của bàn tay trái bị...

Năm 2011, ông Tài bị tai biến, đến bệnh viện quá trễ, hậu quả là sau quá trình điều trị, tay phải bị liệt, hai chân ông bị yếu đi không thể tự đi đứng được, phải ngồi xe lăn. Gia đình và ba cô con gái chỉ còn nhờ vào thu nhập của vợ ông là bà Võ Thị Kim Thảo, tạp vụ trường mầm non. Từ khi ba bị liệt, việc chăm sóc ba hầu hết đặt trên vai Khưu Thị Bảo Trân, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM. Chị gái Bảo Trân là Khưu Thị Kim Thoa, sinh viên Trường cao đẳng Tài nguyên - môi trường TP.HCM. Sau giờ học, Kim Thoa làm cho một trang web quảng cáo. Em gái Bảo Trân là Khưu Thị Hồng Thắm, học sinh lớp 7. Mọi chuyện trong nhà đều trông nhờ phần lớn vào bàn tay Bảo Trân.

Ban tay cua ba

Bảo Trân và ba

Phần ăn của bếp ăn tình thương

Một giáo viên văn Trường THPT Đa Phước nhận thấy nhiều học sinh của trường không đủ ăn do cảnh nghèo, trong đó có Bảo Trân, nên trình lên hiệu trưởng. Bếp ăn tình thương ra đời nhờ sự đóng góp của chi đoàn giáo viên và sự hỗ trợ của căngtin. Bảo Trân nằm trong danh sách được phần ăn miễn phí từ bếp ăn này. Sau giờ học, em nhận phần ăn của mình và đạp xe từ trường về nhà khoảng 10 cây số để san sẻ phần ăn đó cùng ba. Phần ăn miễn phí có khi là một đùi gà chiên, lúc thì một con cá kho hoặc một miếng sườn chiên, một bịch canh.

Xong phần ăn trưa cho ba và em gái, Bảo Trân quay lại trường học tiếp buổi chiều. Tan học về em lại vào bếp nấu cơm chiều, tắm rửa thay quần áo cho ba, đút ba ăn cơm.

Mong đủ sức khỏe vừa học, vừa chăm sóc ba

Ông Tài do bị tai biến, ngoài cơ thể không còn cử động như ý muốn, cả giọng nói và cách phát âm cũng ngọng nghịu. Ông kể lại quá trình bị máy nghiền mất bốn ngón tay, dù rất cố gắng người nghe vẫn không thể hiểu tường tận, phải nhờ Bảo Trân “thông dịch”. Em nghe được hết những lời của ba, em cho biết ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng ráng căng tai nghe riết thành quen.

Bảo Trân trong bộ đồng phục từ trường về, vào bếp hâm thức ăn, mở hộp cơm của bếp ăn ở trường ra, lựa thức ăn rồi đút cho ba rất nhanh nhẹn. Ba ăn xong em mới ăn. Nghe ba than trưa nắng nóng, em nhẹ nhàng đỡ ba đi tắm và thay quần áo, dìu ba ra xe lăn, ngồi hóng gió ngoài hiên. Xong em tất tả đạp xe đến trường. Khi được hỏi chăm sóc ba bị bệnh “có đuối” không, em cười: “Cũng bởi vì lo cho chúng em ăn học nên ba phải đi làm và bị máy nghiền nát bàn tay. Cũng bởi làm việc quá sức lại ăn uống thiếu thốn nên ba em mới bị tai biến. Giờ trách nhiệm của em là lo lại cho ba. Em chỉ sợ mình không đủ sức khỏe lo cho ba trọn vẹn mà thôi”. Nói về ước mơ, Bảo Trân bộc bạch: “Em cố gắng kỳ thi này trúng tuyển vào đại học. Và mong rằng có đủ sức khỏe để vừa học, vừa chăm sóc ba”.
 


Theo NGUYỄN NGỌC HÀ
Báo Tuổi Trẻ

Từ khóa bàn tayba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI